Ca sĩ Lê Vĩnh Toàn: Từ nhân viên bảo vệ trở thành ca sĩ

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Nghệ An, Lê Vĩnh Toàn trải qua nhiều khó khăn, sóng gió, nhưng vẫn cố gắng vượt lên để thực hiện giấc mơ trở thành ca sĩ. Mới đây, anh xuất hiện trong 'Miền nhớ' - bộ phim ca nhạc được phát sóng trên VTV1 tái hiện một phần cuộc đời gian nan nhưng nhiều kỷ niệm, giàu tình yêu thương gia đình của chính mình.

Đam mê chảy trong huyết quản

- Phóng viên: Chào Lê Vĩnh Toàn! Phía sau dáng vẻ một chàng trai thư sinh với giọng hát ngọt ngào, anh có một cuộc đời nhiều đắng cay để đạt được giấc mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Gia đình anh không có ai theo nghệ thuật, vậy vì sao anh lại có ước mơ đó?

- Ca sĩ Lê Vĩnh Toàn: Đúng là gia đình tôi không có ai làm nghệ thuật, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại mê ca hát từ khi còn nhỏ. Mỗi khi nghe thấy ở đâu có hát hò, hay thấy trên đài phát chương trình âm nhạc là tôi phải chạy đến thật gần để nghe với sự rạo rực, phấn chấn. Những giai điệu, lời ca có sức hút kỳ lạ với tôi. Nhưng thú thật là khi đó tôi vẫn chưa có ý thức trở thành ca sĩ, chỉ là thích được nghe và muốn hát như người ta thôi. Thời gian vừa đi học vừa đi làm ở quê, tôi tìm mọi cách để được đi hát dù là ở bất kỳ đâu. Anh trai đi làm MC đám cưới, tôi cũng xin đi theo để khi có cơ hội sẽ… nhảy lên sân khấu hát. Tôi còn tìm đến các nhà làm đám cưới xin đi bê loa với mong muốn nếu chương trình nào thiếu ca sĩ thì xin lên sân khấu hát. Dưới cốp chiếc xe cũ kỹ của tôi bao giờ cũng có một bọc nilon nhỏ. Trong đó là chiếc áo sơ mi trắng để sau khi bê loa xong, tôi có thể mặc nó và ngồi chờ… cơ hội được hát. Trong một lần đi hát đám cưới như thế, một cán bộ văn hóa đã ấn tượng với tôi nên đã mời tôi đến hát ở các sự kiện lớn hơn của thành phố.

- Anh từng chia sẻ, để theo đuổi ước mơ đã phải làm đủ công việc lao động vất vả. Hẳn đó là quãng thời gian không thể nào quên trên con đường tiệm cận nghệ thuật?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Nghệ An, gia đình có 5 anh chị em. Học hết lớp 9, thấy anh chị đi học đại học khiến bố mẹ vất vả nên tôi quyết định dừng việc học, đi làm thuê để kiếm tiền tự lo cho bản thân. Tôi lên Sa Pa tìm việc và được một người quen tạo điều kiện cho làm bảo vệ khách sạn trong suốt 2 năm. Tuy nhiên, tình yêu ca hát mỗi ngày thêm mãnh liệt, tôi quyết định về quê đi học bổ túc nâng cao kiến thức và tìm cho mình một con đường hiện thực hóa ước mơ. Thời điểm lên Sa Pa làm bảo vệ, cứ cuối tuần khách sạn cho nhân viên được “xả hơi” bằng một buổi liên hoan, hát karaoke, tôi cảm thấy sung sướng khi được cầm mic hát. Công việc của một bảo vệ ngày ngày vác những chiếc vali to hơn người lên từng tầng cho khách luôn được xoa dịu, an ủi bằng sự mong chờ cuối tuần được cầm mic hát như thế.

Có một lần ở Sa Pa tổ chức liên hoan văn nghệ giữa các khách sạn, tôi được một chân diễn viên nên miệt mài tập luyện cả tháng trời, hồi hộp đợi ngày được lên sân khấu. Tuy nhiên, đến hôm diễn thì tiết mục của khách sạn nơi tôi làm làm việc lại bị cắt… quá dài. Đêm đó, tôi về nhà không ngủ được vì buồn. Sau này tôi quyết tâm phải về quê học bằng được cấp 3 mới có thể chạm đến ước mơ. Học xong, tôi vào TP.HCM tìm kiếm cơ hội vì nhận thấy đó là mảnh đất của giải trí, âm nhạc. Tôi đặt chân vào đây chỉ với đúng 150.000 đồng trong người, bắt đầu bước vào chặng đường gian nan, chìm nổi để theo đuổi đam mê ca hát. Đó là quãng thời gian mà suốt cuộc đời này tôi không bao giờ quên.

Ca hát là nguồn sống duy nhất

- Đi xa tìm kiếm cơ hội chỉ với 150.000 đồng trong túi, anh đã xoay xở thế nào để có ngày hôm nay?

- Sau 1 tuần lang thang ở bến xe, ngủ ghế đá, ăn mì gói, cuối cùng tôi cũng nhờ được một mối quan hệ giới thiệu vào gánh hát Phương Tường, đi biểu diễn tại miền Tây. Tôi làm công việc bê loa đài, chuẩn bị sân khấu, hậu đài và thi thoảng hát trong thời gian chờ “ngôi sao” biểu diễn. Có hôm tôi chuẩn bị lên hát, thì MC bảo thôi không cần nữa vì nghệ sĩ tới rồi, tôi buồn vô cùng tận. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của một người anh, tôi được trọ nhờ trong một phòng kho ở TP.HCM, ban ngày đi làm bảo vệ, tới tối thì tôi lại xin hát các phòng trà nhỏ, rồi đi hát theo các gánh lô tô khắp nơi với số tiền thù lao ít ỏi.

Nhiều nơi còn từ chối không nhận vì thấy tôi khi ấy gầy, đen và… xấu nữa. Nhưng tất cả những điều đó đều không làm giảm bớt khát vọng được hát của tôi. Miễn là lên sân khấu hát, tôi sẽ quên hết những đêm ngủ ở phòng kho với chuột, gián, kiến vây quanh, nhiều vết sẹo chuột cắn còn lưu dấu đến tận giờ. Tôi sẽ quên hết những tháng ngày chỉ đủ tiền ăn mì gói và sáng phải ngủ dậy thật trễ chỉ để tiết kiệm không phải ăn bữa sáng. Được hát giống như nguồn sống duy nhất của tôi, giúp tôi vượt lên hết tất thảy mọi điều. Và điều may mắn cuối cùng đã đến với tôi như một phép màu.

- Điều may mắn mà anh vừa nhắc đến là gì thế?

- Khi đó không có điều kiện đi học bài bản về âm nhạc nên tôi tự học qua… Internet. Dần dần tôi được hát ở các sân khấu, chương trình lớn hơn, cuộc sống cũng đỡ hơn. Sau này trong một chương trình, tôi có duyên gặp ca sĩ Huyền Trang. Khi biết hoàn cảnh của tôi, Huyền Trang khuyên tôi ra Hà Nội học, hướng theo con đường chuyên nghiệp và hứa sẽ giúp đỡ tôi. Tôi nghĩ, mình đã có những năm tháng quá khổ sở, hiện giờ đã tạm ổn, tôi không muốn bỏ đi những năm tháng mình đã cố gắng. Nhưng tôi lại vẫn muốn ra Hà Nội vì đó là khát khao của tôi bấy lâu nay. Giằng co suy nghĩ hơn 1 tháng thì tôi quyết định ra Hà Nội. Ca sĩ Huyền Trang là một trong những ân nhân đã giúp tôi thay đổi cuộc đời. Chị ấy giới thiệu tôi với cô Tân Nhàn để tôi được thử sức trong Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nghe chị nói, tôi run bắn vì đó là điều quá xa vời mà tôi không bao giờ dám nghĩ tới.

Luôn mong được cống hiến

- NSƯT Tân Nhàn nổi tiếng là người kỹ tính, nữ nghệ sĩ đã nhận xét thế nào khi gặp anh?

- NSƯT Tân Nhàn khi đó là Phó Trưởng khoa Thanh nhạc, tôi được chị Huyền Trang dẫn đến gặp cô mà vừa mừng, vừa run. Tôi run đến mức hát thử không ra hơi, nhưng vẫn được cô khen nhạc cảm tốt, hát tình cảm. Sau đó tôi về quê chờ đợi, trong thời gian đó tiếp tục chắt chiu từng đồng để làm các sản phẩm âm nhạc đăng lên trang mạng xã hội cá nhân. Một lần khi tôi đăng MV mới lên, cô Tân Nhàn khen hay và nhắn tôi sắp xếp ra Hà Nội để chuẩn bị thi vào trường. Nếu ca sĩ Huyền Trang đem đến cho tôi cơ hội thay đổi số phận thì NSƯT Tân Nhàn chính là người thầy có ảnh hưởng lớn, thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của tôi, cho tôi ánh sáng của những điều tốt đẹp. Khi tôi ra Hà Nội, biết tôi khó khăn, cô còn cho tôi mượn một căn nhà để ở và ôn thi. Tôi thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam khi tuổi không còn phù hợp, nhưng cô đã dùng uy tín của mình để giúp tôi có cơ hội bước chân vào trường, chính thức đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Cuộc đời tôi toàn những âm u, bi đát, tưởng chừng không còn hy vọng bỗng rực sáng. Tôi như được sinh ra một lần nữa.

- Khi đã có thể thực hiện giấc mơ âm nhạc của mình, dự định của anh trong thời gian tới là gì?

- Tôi có rất nhiều dự định. Hiện tôi đang ấp ủ thực hiện sản phẩm âm nhạc mới với những ca khúc mang âm hưởng dân ca đương đại. Tôi cũng khao khát làm liveshow để được hát và tri ân quê hương, cha mẹ. Đồng thời, mong muốn giúp được học sinh nghèo và yêu âm nhạc, có ước mơ mà không có điều kiện để theo đuổi. Tất cả những kế hoạch, dự định này hiện thực được hay không còn nhờ vào tình yêu thương, ủng hộ của thầy cô, nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả. Tôi muốn tri ân tất cả và nguyện mang tình yêu âm nhạc để cống hiến. Tôi mong mình thăng hoa với sứ mệnh âm nhạc.

- Cảm ơn những chia sẻ của Lê Vĩnh Toàn!

Mộc Mộc

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ca-si-le-vinh-toan-tu-nhan-vien-bao-ve-tro-thanh-ca-si-post600324.antd
Zalo