Cà rốt mất giá, nông dân ở Bắc Ninh lao đao
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện đang trồng gần 1.500 ha cà rốt vụ Đông, nhiều hộ dân trồng cà rốt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đứng ngồi không yên và có nguy cơ mất trắng vụ cà rốt đông bởi giá xuống thấp.
Được mùa mất giá
Trong thời tiết giá rét đầu năm, gia đình anh Hạp Tiến Viên ở xã Cao Đức, huyện Lương Tài cùng các hộ nông dân trồng cà rốt ở địa phương không khỏi xót xa khi thu hoạch nốt những luống cà rốt còn lại.
Anh Viên chia sẻ, vụ cà rốt năm nay gia đình anh có trồng trên 7.000 m2, do ảnh hưởng của bão Yagi hồi tháng 9/2024 nên toàn bộ diện tích trồng bị muộn hơn khoảng 1 tháng so với khung thời vụ. Nếu như mọi năm, mỗi sào cà rốt cho năng suất hơn 2 tấn, bán với giá từ 9 - 12 triệu, có năm giá giảm cũng được chừng 8 triệu/sào (360 m2) người nông dân vẫn có thu nhập.
Do có những mối làm ăn thân quen với thương lái từ những năm trước, đã đến thu mua trước Tết, nên anh Viên bán được phần lớn cà rốt. Đến nay, còn hơn hơn 5.000 m2 mà giá cà rốt lại xuống thấp, trong khi không có người mua khiến gia đình gặp nhiều khó khăn.

Người dân xã Cao Đức, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) thu hoạch vụ mùa cà rốt
“Khác lạ năm nay, cà rốt mặc dù mẫu mã đẹp, năng suất cao nhưng cũng chỉ bán được từ 3-5 triệu/sào. Trong khi vốn bỏ ra để đầu tư cho mỗi sào cà rốt bao gồm tiền máy móc, nhân công, phân bón, tiền thuê đất… khoảng 3 - 4,5 triệu nên nhiều người nông dân mất công, mất sức, thậm chí mỗi sào bán sẽ bị hụt 1-2 triệu so với giá đầu tư. Với gần 10 năm gắn bó với trồng cà rốt trên vùng đất bãi ven sông, nhưng đây là năm đầu tiên cà rốt đến thời điểm thu hoạch giá rớt xuống đáy, khiến công sức của nhiều gia đình bị hao phí” - anh Viên cho biết.
Tương tự như nhà anh Viên, bà Vũ Thị Dương, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) cho biết, từ nhiều năm nay, gia đình bà Dương thường xuyên canh tác hơn 3,5ha tại đất ven sông. Thu nhập từ nông nghiệp giúp gia đình bà làm có của ăn, của để, nuôi con ăn học. Tuy nhiên, vụ cà rốt năm nay bị mất giá nên đã khiến đời sống kinh tế của gia đình gặp nhiều khó khăn.
“Những năm trước được giá, thương lái thường tìm đến tận nơi thu mua. Năm nay, những hộ nào có thỏa thuận, đặt cọc rồi thương lái mới đến thu mua, còn những hộ gia đình khác phải tự tìm đầu ra. Có những gia đình không tìm được đầu ra còn cày xới bỏ đi hàng mẫu ruộng” - bà Dương chia sẻ.

Người dân lo lắng vì cà rốt mất giá
Không chỉ có cà rốt mất giá, hiện nay, nhiều cây vụ Đông khác như su hào, bắp cải, hành, các loại rau cũng trong tình cảnh tương tự.
Anh Nguyễn Văn Cường, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình chia sẻ, gia đình có 5ha cà rốt và 3ha su hào, bắp cải. Hiện giá cà rốt gia đình đã bán rẻ với giá 3 triệu đồng/sào, 500 đồng/củ su hào và 1.000 đồng/kg bắp cải.
“Những năm trước đến vụ thu hoạch cả cánh đồng lúc nào cũng rộn ràng tiếp nói cười, thương lái, người dân thu hoạch tấp nập. Hiện nay, giá nông sản xuống thấp, nhiều gia đình cũng không muốn ra đồng chăm cây, thậm chí đợi thêm 1 thời gian nữa sẽ nhổ bỏ để chuẩn bị đất cho kịp khung thời vụ trồng cây mùa hè” - anh Cường nói.
Nông sản mất giá nhưng vẫn phải bán để kịp vụ mới
Bà Phạm Thị Khuy - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, với vụ Đông năm nay, nông dân trong xã trồng hơn 300 ha rau màu, trong đó có 260 ha cà rốt với 115 ha sớm và 145 ha cà rốt trung muộn. Hiện nay, toàn bộ diện tích sớm đã được thu hoạch xong, diện tích muộn còn khoảng 90 ha và đang gặp khó trong khâu tiêu thụ, có nhà phải tận tay nhổ bỏ để bắt tay vào trồng dưa cho kịp vụ Hè.

Dù cà rốt rớt giá nhưng người dân vẫn phải ngậm ngùi bán để lấy mặt bằng trồng vụ mùa tiếp theo
Ông Dương Đình Toản - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, vụ Đông 2024, toàn huyện gieo trồng hơn 1.200 ha cây trồng các loại, chủ lực là cây cà rốt, hành, tỏi, bí xanh, bí đỏ. Ngay từ đầu vụ, huyện chỉ đạo phòng chuyên môn tập trung tuyên truyền chính sách hỗ trợ; khuyến cáo, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp theo yêu cầu kỹ thuật với từng loại cây trồng, giúp bảo đảm năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Mặc dù đã đến thời điểm thu hoạch nhưng do giá thấp và nhu cầu thị trường không cao nên đến thời điểm này tình trạng nông sản mất giá là do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như lệch khung thời vụ, nông dân sản xuất ồ ạt và do sức tiêu thụ của thị trường thấp, không ổn định…” - ông Toản cho biết.
Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Gia Bình, Lương Tài đến năm 2030. Theo đó, Bắc Ninh sẽ hình thành vùng sản xuất cà rốt với quy mô 300 ha tại huyện Gia Bình, Lương Tài gắn với sơ chế, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa cao; phát huy vùng trồng tỏi An Thịnh (Lương Tài) đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý… Nghị quyết được kỳ vọng sẽ định hướng, giúp nông dân giải bài toán tiêu thụ nông sản thời gian tới.