Cả khu khu tái định cư nhường đất cho dự án cao tốc không có nước sinh hoạt

Hàng chục hộ dân nhường đất, nhà cho dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đang khổ sở tại nơi ở mới vì khu tái định cư không có nguồn nước để sinh hoạt, dựng nhà.

Mới đây, lãnh đạo UBND huyện Tuy An cho biết đã có báo cáo cho UBND tỉnh Phú Yên, Sở GTVT và Ban quản lý dự án 7, Bộ GTVT về tình hình thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng tại khu tái định cư xã An Hiệp.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết huyện vẫn đang chờ ý kiến các cấp và Ban Quản lý dự án 7 về đầu tư đường ống nước sạch về cho bà con.

Trong khi chờ dự án đấu nối nước sạch được duyệt, thi công xây dựng thì hàng chục hộ dân ở khu tái định cư vẫn phải mua nước hàng ngày để phục vụ xây nhà, sinh hoạt.

Người dân khu tái định cư chưa thể an cư

Khu tái định cư xã An Hiệp được UBND huyện Tuy An phê duyệt dự án và triển khai thi công trên diện tích 2,45 ha, vốn đầu tư hơn 39 tỉ đồng. Đây là khu tái định cư dành cho hơn 40 hộ dân đã nhường đất, nhà để thi công dự án cao tốc thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong.

 Người dân khu tái định cư của dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong thiếu nước sinh hoạt nhiều tháng nay. Ảnh: TRẦN BÍCH

Người dân khu tái định cư của dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong thiếu nước sinh hoạt nhiều tháng nay. Ảnh: TRẦN BÍCH

Theo hồ sơ dự án được phê duyệt, dự án khu tái định cư này sẽ có các hạng mục gồm san lấp mặt bằng, đường giao thông, hệ thống điện sinh hoạt, điện chiếu sáng và hệ thống cấp nước sinh hoạt... Công trình dự án đã hoàn thành và bố trí các hộ dân vào tái định cư từ tháng 4-2024.

Ngay thời điểm đó, các hộ dân đã nhanh chóng chuyển về đây chuẩn bị xây nhà để an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, hơn bốn tháng qua cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn vì nơi ở mới không có nước phục vụ cho việc sinh hoạt hằng ngày và cả xây dựng nhà cửa.

Là một trong nhóm các hộ về khu tái định cư ở xã An Hiệp sớm nhất, đến nay gia đình chị Phan Thị Kim Trúc vẫn chưa thể an cư. Gia đình chị có mặt tại khu tái định cư từ ngày 15-4 nhưng đến nay nhà vẫn chưa thể xây vì không có nước, vị trí lô đất của gia đình vẫn là bãi đất trống.

“Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ để xây nhà với hy vọng đến tháng 8 này vào tân gia nhưng đến nay vẫn chưa thể mở móng vì không có nước dùng. Mấy tháng nay cả nhà phải tá túc trên nhà cũ gần cao tốc vì không biết đi đâu khác”- chị Trúc nói.

Tương tự, gia đình ông Bùi Minh Đức ở thôn Tuy Dương cũng dọn về đây từ cuối tháng 4 và bắt đầu dựng nhà mới ngay.

Ngồi nhìn ngôi nhà đang xây dang dở do thiếu nguồn nước, ông Đức thở dài: “Khi nhà nước có chủ trương thu hồi đất, nhà để làm cao tốc tôi đồng ý ngay. Gia đình cũng làm các thủ tục nhận đất thuận lợi. Lúc đó cứ nghĩ cuộc sống nơi ở mới sẽ tốt hơn, không ngờ đến nay vẫn chưa ổn định”.

Cách đó không xa, gia đình bà Nguyễn Thị Hòa mở móng xây nhà cách đây hơn ba tháng nhưng đến nay cũng chỉ mới xây xong cái móng.

 Sau hơn bốn tháng, chị Trúc vẫn chưa dám xây nhà vì không có nước. Ảnh: TRẦN BÍCH

Sau hơn bốn tháng, chị Trúc vẫn chưa dám xây nhà vì không có nước. Ảnh: TRẦN BÍCH

Theo các hộ dân, khu vực vẫn có nước nhưng muốn dùng phải mua. Trung bình mỗi gia đình tốn từ 150.000-200.000 đồng/ngày để vừa sinh hoạt vừa sử dụng để xây nhà.

“Một xe nước hiện có giá 180.000 đồng (khoảng 2 m3 nước_PV). Nếu xây xong căn nhà thì chi phí riêng tiền nước đã rất lớn. Chúng tôi kham không nổi”- chị Trúc nói.

Chi phí mua nước quá cao nên một số hộ quyết định bỏ tiền thuê thợ khoan giếng nhưng không hiệu quả.

“Thời gian đầu, địa phương hỗ trợ chở nước sinh hoạt cho người dân sử dụng nhưng gần một tháng nay nguồn nước hỗ trợ không còn, chúng tôi phải tự mua”- chị Phạm Thị Hằng bức xúc.

Vì nóng lòng xây xong căn nhà để ổn định cuộc sống, chị Hằng quyết định bỏ ra 60 triệu đồng thuê thợ khoan giếng nhưng nguồn nước cũng chỉ đủ dùng cho sinh hoạt hàng ngày chứ không đủ để xây nhà.

 Nhiều ngôi nhà ở khu tái định cư xã Hiệp An dở dang vì thiếu nước để xây dựng, hoàn thiện. Ảnh: TRẦN BÍCH

Nhiều ngôi nhà ở khu tái định cư xã Hiệp An dở dang vì thiếu nước để xây dựng, hoàn thiện. Ảnh: TRẦN BÍCH

Chưa biết khi nào mới có nguồn nước đầy đủ

Theo báo cáo của UBND huyện Tuy An, theo phương án đầu tư được duyệt, khu tái định cư xã An Hiệp sẽ dùng nguồn nước từ ba giếng khoan với chiều sâu từ 100-200 m, vị trí giếng cách khu tái định cư khoảng 1.000 m. Nước sẽ được dẫn về khu tái định cư qua bể chứa có dung tích 80 m3, sau đó bơm cấp cho các hộ trong khu tái định cư.

Hệ thống các giếng nước đã được đầu tư xong, tuy nhiên do ảnh hưởng thời tiết, nguồn nước ngầm thiếu hụt, cấp về trạm không đảm bảo. Do vậy, từ khi đưa vào khai thác, hạng mục cấp nước sinh hoạt chưa đáp ứng được nhu cầu dùng nước của các hộ gia đình.

Cũng theo UBND huyện Tuy An, để giải quyết vấn đề trên, ngoài ba giếng khoan, các bên liên quan đã tổ chức khoan thêm hai giếng khác sâu 210 m/giếng nhưng cũng không đủ cung cấp cho người dân.

Để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, ngày 5-8, huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở GTVT tỉnh Phú Yên và Ban quản lý dự án 7 đề nghị có ý kiến về việc đầu tư xây dựng tuyến ống cấp nước sạch cho khu tái định cư xã An Hiệp.

 Trong khi chờ dự án đấu nối nước mới thì hàng chục hộ dân vẫn phải chắt chiu từng ca nước để sinh hoạt. Ảnh: TRẦN NGÂN.

Trong khi chờ dự án đấu nối nước mới thì hàng chục hộ dân vẫn phải chắt chiu từng ca nước để sinh hoạt. Ảnh: TRẦN NGÂN.

Theo đó, qua khảo sát huyện Tuy An nhận thấy hệ thống cấp nước sạch phía Bắc TP Tuy Hòa đủ khả năng cung cấp nước sạch ổn định và lâu dài cho người dân sinh sống tại khu tái định cư. Để làm dự án này cần đầu tư đường ống dài khoảng 6,5 km, tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỉ đồng.

Trong văn bản, huyện Tuy An đề nghị UBND tỉnh, Sở GTVT có ý kiến đề nghị Ban Quản lý dự án 7 thống nhất về quy mô đầu tư và sử dụng nguồn giải phóng mặt bằng và tái định cư tiểu dự án khu tái định cư xã An Hiệp để xây dựng đường ống trên.

Nói về tính khả thi của phương án này, ông Nguyễn Hùng Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tuy An cho biết: “Dự án kéo đường ống từ nhà máy nước của Công ty CP cấp thoát nước Phú Yên quá xa, kinh phí rất lớn nên huyện phải chờ có ý kiến chấp thuận của Ban Quản lý dự án 7.”

Xuân Hoát

Nguồn PLO: https://plo.vn/ca-khu-khu-tai-dinh-cu-nhuong-dat-cho-du-an-cao-toc-khong-co-nuoc-sinh-hoat-post805924.html
Zalo