Cả hệ thống chính trị vào cuộc chủ động, linh hoạt ứng phó với bão số 3

Ngay từ khi có thông tin về diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (tên quốc tế là Wipha), cả hệ thống chính trị tỉnh Ninh Bình đã bước vào trạng thái khẩn trương, quyết liệt với tinh thần chủ động, linh hoạt và trách nhiệm cao nhất. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã đồng loạt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm '4 tại chỗ' nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Lãnh đạo xã Giao Ninh kiểm tra tại Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Hà Lạn. Ảnh: P.V

Lãnh đạo xã Giao Ninh kiểm tra tại Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa Hà Lạn. Ảnh: P.V

Lãnh đạo thống nhất-Chỉ đạo quyết liệt

Ngay từ những ngày đầu tháng 7, khi thông tin về vùng áp thấp trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và các địa phương khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ rủi ro. Sau khi cơn bão chính thức hình thành và có khả năng đổ bộ vào đất liền, hàng loạt công điện khẩn đã được ban hành, chỉ đạo xuyên suốt từ cấp tỉnh đến xã, phường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay sau hợp nhất 3 tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; thông báo phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; ban hành phương án bảo vệ trọng điểm cấp tỉnh (9 trọng điểm); phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế.

Các sở, ngành đã ban hành quyết định phân công lãnh đạo sở, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc sở và cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. UBND các xã, phường đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy, thành lập lực lượng xung kích, đội tuần tra canh gác đê và ban hành các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu (66 trọng điểm) trong đó tập trung ở các tuyến đê cấp I, tuyến đê biển Bình Minh; đê Cồn Tròn, Hải Thịnh (xã Hải Thịnh), tuyến đê sông Hoàng Long, sông Hồng, sông Đáy...

Lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng, dân quân tự vệ được huy động tối đa, bố trí trực ban 24/24h tại các điểm xung yếu. Các sở, ngành liên quan lập tức triển khai kiểm tra hệ thống hồ đập, cống tiêu thoát nước, các công trình đê điều đang thi công, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, máy móc phòng sự cố. Đặc biệt, để tăng cường chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, Tỉnh ủy đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương do các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách tại những địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với địa phương để kiểm tra, đôn đốc, điều hành ứng phó tại chỗ.

Công nhân Công ty cổ phần Công trình đô thị Nam Định xử lý cây gãy đổ tại Khu Đô thị Dệt may sáng 22/7.

Công nhân Công ty cổ phần Công trình đô thị Nam Định xử lý cây gãy đổ tại Khu Đô thị Dệt may sáng 22/7.

Chủ động ứng phó toàn diện

Chỉ tính riêng ngày 21 và 22/7, toàn tỉnh đã vận hành 345 máy bơm tại 110 trạm bơm tiêu; xử lý sạt lở tại 2 điểm: Đê bối Nam Quần Liêu (K1+850) và khu vực núi Vái Giời (phường Nam Hoa Lư). Công tác sơ tán, di dời dân cư cũng được thực hiện bài bản với tổng số hơn 3.500 người tại vùng nguy hiểm được đưa đến nơi an toàn, 100% phương tiện đánh bắt thủy sản được kêu gọi vào bờ, neo đậu đúng vị trí quy định.

Tại xã Kim Đông, một trong những địa bàn tuyến đầu ven biển, mưa to với lượng mưa đo được trung bình 250mm, sóng biển cao 2-3m, có thời điểm dâng cách mặt đê chỉ khoảng 1 mét. Diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài đê khoảng hơn 756ha bị ngập đến 80%. Trước diễn biến đó, lãnh đạo xã đã khẩn trương triển khai phương án hậu phương, di dân và tìm kiếm cứu nạn. 9 chốt chặn được thiết lập ở các điểm xung yếu, hàng nghìn bao tải, cuốc xẻng, phao, áo phao, cọc tre… được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất. Mỗi xóm tại xã Kim Đông đều có kế hoạch phòng, chống riêng, với yêu cầu mỗi hộ gia đình chủ động dự trữ lương thực, nước sạch, vật tư cơ bản đủ dùng từ 5 - 7 ngày. Trạm y tế xã trực 24/24, đảm bảo cơ số thuốc phục vụ cứu thương. Điện lực địa phương phối hợp kiểm tra toàn bộ đường dây, trạm biến áp tại các điểm dân cư.

Tại xã Hải Thịnh, nơi đang triển khai thi công đê, kè ven biển, phương án “bảo vệ thi công, ứng phó bão” được chuẩn bị từ trước. Hơn 11.000m3 đá hộc, 6.000 cấu kiện bê tông, hơn 2.000m3 đất cùng hàng chục máy móc đã được huy động. Đến sáng 22/7, xã đã di dời 48 người già yếu, trẻ nhỏ đến nơi tránh trú an toàn; tình hình được kiểm soát tốt dù mưa liên tục và gió cấp 3-4.

Ở xã Hải Quang, toàn bộ 200 hộ dân nuôi trồng thủy sản ngoài đê Cồn Xanh đã được sơ tán kịp thời. Hệ thống đê biển dài 5,2km được Hạt Quản lý đê điều trực chiến cùng Đồn Biên phòng và Công an xã. Trạm y tế được giao nhiệm vụ túc trực liên tục, các tuyến đê, cống, kênh mương được kiểm tra, tháo rác, vận hành bơm tiêu úng tại chỗ. Đáng ghi nhận là tinh thần chủ động của Nhân dân: Người dân nghiêm túc thực hiện khuyến cáo “không ra đường” từ trưa 22/7; ngư dân đưa toàn bộ phương tiện lên bờ; nhiều hộ dân còn tham gia hỗ trợ các tổ đội xung kích làm công tác gia cố, đắp bao, dọn vật cản cống rãnh.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Ninh Bình, tính đến 16h ngày 22/7/2025, toàn tỉnh không ghi nhận thiệt hại về người, song thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng là đáng kể. Tổng diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng lên tới 77.548ha, trong đó có 66.780ha ngập trắng hoàn toàn, 7.345ha ngập phất phơ và 3.423ha ngập sâu đến 2/3 thân cây. Bên cạnh đó, 783ha rau màu hè thu cũng bị ảnh hưởng do mưa lớn, ngập úng kéo dài. Trong lĩnh vực thủy sản, hàng chục nghìn hecta nuôi trồng, đặc biệt là khu vực ngoài đê bị ngập, đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế của người dân. Trước đó, các địa phương đã tổ chức sơ tán khẩn cấp 894 lao động tại 782 lều chòi ngoài đê, 891 lồng bè và 3.510 người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Về hạ tầng, tỉnh đã ghi nhận hai điểm sạt lở nghiêm trọng tại đê bối Nam Quần Liêu (K1+850) và khu vực núi Vái Giời (phường Nam Hoa Lư), tuy nhiên đã được xử lý kịp thời theo phương án “bốn tại chỗ”. Các trụ sở cơ quan, trường học, khu công nghiệp, trang trại chăn nuôi và cơ sở sản xuất cơ bản vẫn an toàn, không phát sinh thiệt hại lớn. Hiện các ngành chức năng và địa phương đang tiếp tục kiểm kê thiệt hại, triển khai các phương án hỗ trợ khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Bão số 3 là phép thử lớn cho năng lực điều hành và sức chống chịu của địa phương trước thiên tai bất thường. Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm và chủ động của cả hệ thống chính trị, các ngành chuyên môn và từng cộng đồng dân cư, tỉnh Ninh Bình đã chứng tỏ bản lĩnh trong chỉ đạo, linh hoạt trong điều hành và hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Trong những ngày tới, cùng với công tác khắc phục hậu quả, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chủ động phòng, chống thiên tai; cập nhật, hoàn thiện các kịch bản ứng phó; bổ sung vật tư, phương tiện và tổ chức diễn tập định kỳ. Đây không chỉ là đối sách trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Nhóm Phóng viên

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc-chu-dong-linh-hoat-ung-pho-324943.htm
Zalo