Bão số 3 gây thiệt hại tại nhiều địa phương
Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng áp thấp và tan trên vùng biên giới Việt Lào. Bão đã gây thiệt hại tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.

Dông lốc làm tốc mái Trường Tiểu học Nam Phương Tiến (xã Xuân Mai, thành phố Hà Nội). Ảnh: Kim Nhuệ
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, dù bão số 3 đã tan nhưng để lại nhiều thiệt hại tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và Bắc miền Trung. Trong đó, Hà Nội đã ghi nhận hàng loạt sự cố đê điều, cây đổ, công trình hư hỏng.
Tính đến sáng 23-7, mưa bão đã một người mất tích và một người bị thương do lũ cuốn tại Nghệ An; 420 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng (riêng Nghệ An 161 nhà, Thanh Hóa 251 nhà, Phú Thọ 8 nhà); 9 gia súc và hơn 3.200 gia cầm bị chết, cuốn trôi. Bên cạnh đó, mưa bão còn làm ngập úng 119.408ha lúa, tập trung tại các tỉnh Ninh Bình 74.017ha, Hưng Yên 26.000ha, Thanh Hóa 19.391ha...
Tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại về người do dông, bão xảy ra từ ngày 19-7 đến nay. Tuy nhiên, mưa dông cường độ mạnh đã làm 228 cây xanh bị đổ và gãy cành, trong đó 118 cây đổ, tập trung tại trục đại lộ Thăng Long, Võ Nguyên Giáp và các công viên. Ngoài ra, 407 sự cố hệ thống chiếu sáng công cộng, 43 sự cố giao thông đã được xử lý. Tính chung, toàn thành phố ghi nhận gần 500 cây xanh bị ảnh hưởng cần thu dọn để bảo đảm giao thông.
Về đê điều, thành phố phát sinh, phát triển hai sự cố tại xã Đa Phúc (đê hữu Cầu) và xã Phúc Lộc (đê hữu Hồng). Tổng chiều dài nứt lún lên tới 631m, có đoạn lún sâu 8cm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đã báo cáo khẩn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có công văn đề nghị xử lý kịp thời.
Ngoài ra, các địa phương của Hà Nội cũng ghi nhận, mưa dông làm tốc mái 13 công trình ở xã Trần Phú và xã Tây Phương, hư hỏng trường học tại xã Xuân Mai, ngập úng 23ha cây trồng tại xã Hòa Phú và 0,72ha lúa mới cấy tại xã Ứng Thiên bị ảnh hưởng. Một số tuyến bờ sông tại Chuyên Mỹ, Châu Can có nguy cơ sạt lở, cần gia cố sớm.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, hiện đang là cao điểm mùa mưa, bão, lũ năm 2025, thời tiết còn diễn biến phức tạp, lũ trên các triền sông tiếp tục lên cao. Để chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, UBND các xã, phường, sở, ban, ngành thành phố cần triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phân cấp.
Cụ thể, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện đầy đủ công điện, văn bản chỉ đạo của trung ương và thành phố; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức trực ban nghiêm túc; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai và cập nhật thông tin thiệt hại, ứng phó lên hệ thống trực tuyến của Ban Chỉ huy.
Bên cạnh đó, các xã, phường cần rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, báo cáo kết quả triển khai về UBND thành phố và Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Đặc biệt đối với các địa phương ven đê, cần thường xuyên thông tin tình hình mực nước sông, ảnh hưởng từ xả lũ hồ chứa đến người dân, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy, bến đò, công trình đang thi công. Đồng thời, chủ động kiểm tra, canh gác đê điều, hồ đập, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố, nhất là tại các vị trí có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công dang dở hoặc đã xảy ra sự cố nhưng chưa được khắc phục. Việc rà soát, bổ sung phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu cần bám sát tình hình thực tế, sẵn sàng kích hoạt khi mưa lũ lên cao...