Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc
Làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu phải có sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa.

Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa trong thời gian từ ngày 15/5 đến 15/6. Ở các địa phương thành lập tổ công tác do chủ tịch UBND làm tổ trưởng, có sự tham gia của đại diện các ngành, để triển khai đợt cao điểm, sau đó sẽ tiến hành sơ kết...
Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ mang tính lâu dài, phải làm thường xuyên, toàn diện, không ngừng nghỉ; là công việc quan trọng của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, tăng cường quản lý Nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, huy động được sự vào cuộc của Nhân dân.
Chúng ta đều biết tình trạng buôn lậu, làm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ... đã trở thành vấn nạn quốc gia. Những tháng gần đây, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được khám phá gây lo lắng, bức xúc trong Nhân dân như vụ làm sữa giả, thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội, thuốc chữa bệnh giả ở Thanh Hóa, thực phẩm giả ở Phú Thọ, hàng giả ở TP Hồ Chí Minh... Cùng với đó, rất nhiều hàng giả được buôn bán tràn lan trên mạng xã hội; tình trạng thao túng, găm hàng, đội giá diễn ra ở nhiều thời điểm, tác động tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý người dân, làm thất thu ngân sách. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Một con số quá lớn mà nếu trót lọt có thể khiến rất nhiều người bị ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, tiền bạc. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đang đe dọa đến đời sống Nhân dân, nền kinh tế nước nhà nếu như không được xử lý triệt để.
Đánh giá nguyên nhân của tình trạng này, bên cạnh sự thiếu thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan, sự tinh vi của các đối tượng, còn có một nguyên nhân rất lớn đó là không ít cấp ủy, chính quyền vào cuộc chưa cao, trong khi người dân dù lo lắng, nhưng lại thờ ơ với việc đấu tranh, cung cấp nguồn tin. Tất cả dường như đang trông chờ, ỷ lại vào cơ quan chức năng, cho đó là việc cơ quan chức năng phải làm. Trong khi chính trong bộ máy cơ quan quản lý cũng phát sinh không ít sâu mọt, có cá nhân móc nối, bao che cho hành vi vi phạm, buông lỏng quản lý... Điển hình là lực lượng chức năng vừa khởi tố, bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để điều tra vi phạm.
Việc Thủ tướng yêu cầu lập tổ công tác đặc biệt để đấu tranh, xử lý, thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa của Chính phủ. Tuy nhiên, để thành công cần phải có sự nhận thức, vào cuộc thực sự của cấp ủy, chính quyền các cấp; xác định đây là nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài, chứ không phải chỉ trong đợt cao điểm. Càng không vì sắp xếp tổ chức, bộ máy, địa giới hành chính mà buông lỏng quản lý, để lộ khoảng trống. Cùng với đó, người dân phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đồng hành cùng cơ quan chức năng đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của chính mình.