Ca ghép thận thứ 7 thành công tại miền Tây
Ngày 15.1, Bệnh viện (BV) đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ của BV đã phối hợp với đoàn chuyên gia BV Chợ Rẫy (TP.HCM) phẫu thuật ghép thận thành công cho một bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Đây là ca ghép thận thứ 7 được thực hiện tại BV đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Nữ bệnh nhân tên L.T.H, sinh năm 1967, ngụ tại Đồng Tháp, được phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối từ năm 2022 và điều trị ngoại trú. Từ tháng 9.2024, bệnh nhân bắt đầu lọc máu định kỳ tại BV đa khoa Trung ương Cần Thơ. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhân từ người em trai ruột với quy trình chuyên môn tương tự như những trường hợp đã ghép trước đó.
Ê kíp phẫu thuật do PGS-TS Thái Minh Sâm (nguyên Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu - BV Chợ Rẫy, Phó chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam) cùng các y bác sĩ của hai BV phối hợp thực hiện. Bằng phương pháp nội soi ổ bụng, ê kíp đã lấy thận bên trái của người hiến và ghép vào hố chậu phải của người nhận. Sau khi nối mạch máu, thận hồng hào và có nước tiểu ngay tại bàn mổ. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 5 giờ.
Sau ghép, sức khỏe bệnh nhân cải thiện tốt; vết mổ khô, tổng trạng phục hồi tốt; các chỉ số xét nghiệm chức năng thận gần như trở về bình thường. Bệnh nhân đang được theo dõi chặt chẽ tại Khoa Thận – Thận nhân tạo và dự kiến xuất viện vào ngày mai (16.1). Trong khi đó, người hiến thận sức khỏe ổn định và đã được về nhà chăm sóc và hẹn tái khám sau 7 ngày.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sức khỏe ổn định, chức năng tim và thận đã phục hồi gần như bình thường. BV đã chuẩn bị hoàn tất và sẽ tiến hành 2 cặp ghép mới vào tháng 2.2025. Cả 6 cặp ghép thận thực hiện trước đó tại BV đa khoa Trung ương Cần Thơ đều ổn định và hồi phục tốt, đang được tái khám định kỳ.
Phẫu thuật ghép thận là một trong những phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối hiệu quả, giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Việc ứng dụng phẫu thuật nội soi ổ bụng để lấy thận ghép từ người cho sống là một xu hướng tất yếu của y học hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Kỹ thuật này được BV Chợ Rẫy tổng hợp, chọn lọc từ những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và chuyển giao cho các bác sĩ BV đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Trải qua hơn 30 năm thực hiện ghép tạng, với ca ghép thận đầu tiên tháng 6.1992, đến hết năm 2024, Việt Nam đã thực hiện được 9.516 ca, với sự tham gia của 27 bệnh viện, trung tâm. Ba năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam đã thực hiện thành công trên dưới 1.000 ca ghép tạng, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nguồn hiến mô tạng từ người cho chết não còn rất hạn chế. Năm 2024, có đến 90% nguồn tạng hiến là từ người cho sống. Trong khi đó, ở các nước phát triển, nguồn tạng hiến từ người cho chết não chiếm đến 94%. Do đó, ngành y tế Việt Nam đang nỗ lực tăng số lượng tạng hiến từ người cho chết não bằng nhiều biện pháp khác nhau. BV đa khoa Trung ương Cần Thơ chính thức được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người hiến sống và từ người hiến chết não (Quyết định số 240/QĐ-BYT) và đã trở thành trung tâm ghép thận thứ 26 tại Việt Nam.
Với định hướng tiếp tục phát triển kỹ thuật ghép tạng trong tương lai, BV đa khoa Trung ương Cần Thơ đã và đang tích cực triển khai công tác tư vấn hiến tặng mô, tạng từ người hiến sống và người chết não. BV cũng đã xây dựng lộ trình phát triển, kế hoạch đào tạo nhân sự kỹ thuật ghép gan và xây dựng cơ sở vật chất để triển khai kỹ thuật này vào năm 2027, giúp người dân trong khu vực được tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến nhất ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long.