Ca cấp cứu đầu năm
Đang chuẩn bị mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng thì chiếc điện thoại trong túi quần bác sĩ Tỵ rung lên với khúc nhạc chờ giục giã. Quái lạ! Ai lại gọi mình vào giờ này nhỉ? Bệnh viện gọi ư? Đã được nghỉ bù cho đợt trực Tết rồi sao lại còn gọi gì mình nữa cơ chứ? Chắc không phải bệnh viện gọi đâu? Có lẽ anh em, bè bạn rủ tụ tập bia bọt hoặc trẩy hội mùa xuân chăng?. Vội rút chiếc Iphone ra, Tỵ liếc qua màn hình. Đúng là bệnh viện gọi anh thật.
Số máy phòng trực cấp cứu hiện rõ trên màn hình. Tỵ vội gạt phím nghe. “A lô! Anh Tỵ à? Thu xếp về bệnh viện ngay anh nhé!”. Tiếng bác sĩ Hoa vang lên bên tai. “Sao? Mình đang được nghỉ bù Tết cơ mà?”, Tỵ ngạc nhiên hỏi lại. “Vâng. Em biết vậy nhưng giám đốc bảo phải gọi anh về gấp. Có ca cấp cứu cần phải mổ ngay anh ạ”. “Cấp cứu à? Thế bộ phận trực phòng mổ đâu? Sao phải gọi tôi?”. “Các bác sĩ vẫn đủ cả đây nhưng ca này rất nặng anh ơi!”. Vừa lúc đó thì một giọng đàn ông vang lên: “Đưa máy đây để tôi nói chuyện trực tiếp với cậu ấy”.
![Minh họa.: TQ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_409_51481106/e01ee70dd5433c1d6552.jpg)
Minh họa.: TQ.
Tỵ áp chặt chiếc điện thoại bên tai tiếp tục lắng nghe. “Chú Tỵ à? Tôi, Học đây. Chú nghe rõ chứ?”. “Vâng. Em nghe rõ anh ạ? Có việc gì vậy anh?”, Tỵ đáp lời khi nghe đúng giọng của ông Học, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị bệnh viện đa khoa này. “Có một ca rất nặng cần phải chú xử lý. Vẫn biết chú đang dịp nghỉ bù nhưng ca này phức tạp quá, chú cố gắng sắp xếp trở lại bệnh viện hỗ trợ cùng anh em ngay nhé. Càng nhanh càng tốt. Thế nha! Chúng tôi và bệnh nhân đang chờ chú đấy”.
Sau đó là những tiếng tút tút kéo dài vọng lên. Điều đó có nghĩa là Tỵ phải có mặt ngay sau cuộc điện thoại này. Anh biết tính ông Học, sếp tổng của mình. Ông ấy quyết đoán lắm. Hiền lành là thế, gần gũi là thế nhưng một khi vào cuộc, nhất là trong chuyên môn thì ông ấy nói một là một, hai là hai. Chả thế mà cái bệnh viện này của ông ngày càng phát triển, chiếm được cảm tình, uy tín với bệnh nhân và nhân dân khắp cả trong và ngoài tỉnh, lấn át cả bệnh viện công của huyện.
Nói bệnh viện này là bệnh viện của ông Học vì đây là bệnh viện tư nhân đầu tiên, duy nhất của tỉnh mà ông sáng lập ra. Ông đã chèo lái trong cơ chế mới để có một cơ ngơi bề thế gần ngàn giường bệnh trong khuôn viên rộng hơn 1 ha với mấy dãy nhà tầng, trong đó có một tòa lầu 13 tầng cao nhất khu vực hiện nay. Môi trường cảnh quan bệnh viện xanh sạch đẹp như công viên. Với chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài riêng có của ông, ông đã có trong tay một đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế hùng hậu, toàn những người giỏi chuyên môn, có tâm lại có tầm, từ khắp nơi được ông quy tụ về. Gần một ngàn người chứ ít gì?
Điểm đặc biệt nhất, luôn được ông chú tâm xây dựng là ông đã đặt chuyên môn phục vụ, chất lượng khám chữa bệnh lên hàng đầu, cùng những quy định chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong đội ngũ này. Ông quán triệt mọi người phải lấy bệnh nhân là trung tâm, chuyên môn là then chốt để phục vụ nhân dân và xây dựng thương hiệu bệnh viện. Ai vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại và bị buộc thôi việc ngay tức khắc.
Ai có sáng kiến, kinh nghiệm hay, lập công lớn sẽ được khen thưởng tức thì. Các khoa, phòng, các bộ phận thi đua nhau xây dựng khoa, phòng mình vừa giỏi chuyên môn, vừa sạch đẹp, nền nếp... Tiếng lành đồn xa, uy tín bệnh viện cứ thế mà lan tỏa. Tỵ cũng được ông Học tiếp nhận vào làm ở bệnh viện này sau mấy năm rạc cẳng chạy dài cầm hồ sơ xin việc khắp nơi. Tất nhiên, anh cũng phải trải qua một hợp đồng thử việc khắt khe gần một năm trời mới được vào biên chế chính thức. Thấm thoắt thế mà cũng đã 7 năm rồi.
Trao đổi với vợ xong, Tỵ tức tốc quay lại bệnh viện. Được cái, nhà anh ở gần, cách bệnh viện chỉ chưa đầy 1 cây số. Thế nên anh mới phải trực cấp cứu vào dịp Tết để cho các đồng nghiệp ở xa về nghỉ đấy chứ. Ngày thường, trừ những đêm trực luân phiên, Tỵ đều được về nhà ngủ với vợ. Có ca nào cần kíp lắm thì mọi người mới gọi anh. Anh là tay dao mổ cứng của bệnh viện. Làm việc dưới quyền ông Học, Tỵ được thỏa sức phát huy hết tài năng.
Nhiều ca cấp cứu khó nhờ anh mà sự sống của bệnh nhân được hồi sinh. Chính Tỵ đã góp phần tạo nên thương hiệu và uy tín của bệnh viện. Ông Học quý anh lắm, coi anh là bàn tay vàng của đội ngũ y, bác sĩ. Ngược lại, chính bệnh viện, đứng đầu là ông Học đã cho anh có được cuộc sống như hôm nay. Anh lấy vợ, có đất làm nhà cũng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của ông ấy. Thế nên, anh nguyện cống hiến hết mình cho bệnh viện, toàn tâm, toàn ý theo ông Học là thế.
Dựng vội chiếc xe máy trong nhà xe cơ quan, Tỵ vội vã chạy thẳng vào phòng cấp cứu. Ông Học đợi sẵn anh từ cửa: “May quá! Chú đến rồi! Tình hình bệnh nhân rất nguy kịch, phải xử lý ngay Tỵ ạ!”. Quan sát nhanh bệnh nhân, Tỵ thấy đó là một người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi đang nằm bất động trên băng ca. Bác sĩ Sơn, trưởng kíp trực cho biết: “Bệnh nhân này 61 tuổi, trú tại tỉnh Hải Dương. Ông ta đang đi du xuân cùng gia đình qua đây thì bỗng thấy đau tức ngực trái, được người nhà đưa gấp vào bệnh viện vệ tinh của ta.
Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp đã làm thủ tục cho chuyển tuyến trên về Hà Nội, cử điều dưỡng Ngọc đi cùng. Khi xe di chuyển, diễn biến bệnh tình càng lúc càng xấu đi. Bệnh nhân vật vã kích thích, rồi nhanh chóng đi vào hôn mê sâu. Mạch cảnh, mạch bẹn không bắt được rồi ngừng tuần hoàn. Lúc này trên xe, ngoài lái xe ra chỉ có con của bệnh nhân nữa thôi. Trong khoảnh khắc sinh tử, giữa không gian chật trội, điều dưỡng Ngọc đã ngay lập tức tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, đồng thời thông báo tình trạng nguy kịch của bệnh nhân cho con ông ta biết. Sau đó, cô Ngọc đã quyết định cho xe cứu thương chuyển hướng quay về bệnh viện vì nếu đi tỉnh hay Hà Nội đều có nguy cơ không kịp. Vào phòng cấp cứu thấy tình trạng bệnh nhân vậy, kíp trực đã kích hoạt báo động đỏ”.
Vừa nghe bác sĩ Sơn báo cáo, Tỵ vừa quan sát kỹ hơn bệnh nhân. Anh chợt sững người lại. Ông ta có những nét gì đó quen lắm. Khuôn mặt vuông vức, có vẻ hơi thô. Cặp lông mày rậm, vầng trán rộng, cái đầu hói bóng loáng lên dưới ánh điện. Ông nằm bất động tha hồ cho Tỵ quan sát. Anh hơi nhăn mặt rồi lấy tay tự gõ nhẹ vào đầu mình. Ông Học lặng lẽ theo dõi anh. “Sao? Bây giờ phải xử lý thế nào?”. Tiếng ông Học vang bên tai. Tỵ sực tỉnh. “Để em kiểm tra kỹ tí đã ạ”. Vừa sử dụng ống nghe, Tỵ vừa kết hợp trực tiếp sờ nắn bệnh nhân. Trong đầu anh vẫn lởn vởn câu hỏi ông này là ai mà quen vậy nhỉ? Sau khi nghe thêm về tiền sử bệnh nhân, Tỵ bỗng ngẩn người nhìn xoáy vào khuôn mặt ông ta một lần nữa.
Thôi, đúng rồi! Ông Khắc, sếp quan trọng của một sở mà anh đã từng cầm hồ sơ đến xin việc. Khuôn mặt ấy, đặc biệt cái đầu hói và cặp lông mày rậm như hai con sâu róm nổi bật đậu trên “thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời”, bóng nhẫy ánh nhờn ấy thì không lẫn vào đâu được. Ký ức ngày đó bỗng hiện về. Giọng ông ta ề à, kẻ cả. Năm lần, bảy lượt quà cáp đủ thứ, ông ta mới đồng ý tiếp nhận và giới thiệu Tỵ vào làm hợp đồng ở bệnh viện tỉnh.
Chưa đầy 3 tháng sau, Tỵ bị cắt hợp đồng với lý do bệnh viện không cần người nữa. Thất vọng, chán nản, Tỵ tiếp tục cầm hồ sơ lang thang. Mọi người biết tin bảo anh chưa có khoản “đầu tiên” nên bị trượt vỏ chuối là phải. Chí ít cũng phải chi ra 3, 4 trăm triệu lo lót mới xong. Mấy túi quà vặt đâu có được? Người ta nhận hợp đồng cho anh để xem thái độ của anh thế nào, có tiếp tục “đầu tư”, có biết việc “đầu tiên” anh phải làm không? Vậy mà chẳng thấy gì thì hỏng hẳn là phải rồi.
Sau đận ấy, cứ thấy ai trán hói, đầu trọc, lông mày rậm là Tỵ lại nhớ tới ông Khắc. Căm ông ấy, Tỵ đâm ra ghét lây cả những người trông giông giống ông ta. Mãi rồi, hình ảnh phản cảm ấy, Tỵ cũng quên đi, nhất là khi gặp được ông Học. Vào được bệnh viện này, làm đúng sở trường, đúng chuyên môn mình yêu thích thì Tỵ quên bẵng luôn nỗi ám ảnh ngày nào. Thế mà khi nãy, với khoảng cách quá gần, quá rõ ràng thì bộ nhớ lại kích hoạt dây thần kinh cũ của anh lên. Đối mặt với ông ta, trong hoàn cảnh này, Tỵ có dịp đòi lại món nợ cũ.
Chỉ cần anh lắc đầu là xong. Tuy nhiên, từ sâu thẳm lòng mình, lời Phật dạy “Cứu một người phúc đẳng hà sa” cùng với lời thề Hippocrates đã khiến Tỵ bình tâm trở lại. Anh lập tức hội chẩn lại với các bác sĩ kíp trực rồi đưa ra quyết định cấp cứu bệnh nhân. Lập tức, các bác sĩ điện quang và kíp mổ đã cùng Tỵ can thiệp, xử lý tái thông mạch vành cho bệnh nhân. Hơn một giờ sau thì ca mổ thành công. Tim bệnh nhân đã tự đập trở lại. Tất cả thở phào. Ông Học vỗ vỗ vai Tỵ nói: “Chú giỏi lắm. Không hổ thẹn tay dao số một của bệnh viện ta.
Cảm ơn chú”. Cởi chiếc áo blue trắng ra, Tỵ vừa cười vừa nói: “Có gì đâu bác, nhiệm vụ của chúng em mà”. Ông Học nháy mắt, ghé tai Tỵ nói nhỏ: “Nhưng mà… Lúc nãy tớ thấy chú do dự điều gì thì phải? Sợ không ổn hả?”. Tỵ tròn mắt nhìn ông Học. Ông này tài thật. Nhạy cảm thế không biết. Đúng là không giấu ông được điều gì, kể cả những cử chỉ nhỏ nhất cũng không qua được mắt ông. Bác sĩ tâm lý, lại là luật sư nữa có khác. Thì thế ông ấy mới điều hành được cả một hệ thống bệnh viện tư nhân đồ sộ này chứ. “Nói thật với bác bệnh nhân này chính là cái ông ngày trước đã cắt hợp đồng với bệnh viện tỉnh của em đấy. Em đã kể cho bác nghe rồi còn gì?”. Đến lượt ông Học ngạc nhiên: “Ra là vậy. Trái đất này hẹp thật. Thì thế tôi mới có cơ hội để có được chú chứ. Chú xử trí như thế là rất chuẩn. Thế mới là con người. Một lần nữa, tôi cảm ơn chú!”.
Hết đợt nghỉ, trở lại bệnh viện, nghe mọi người kể lại bệnh nhân Khắc cứ hỏi thăm về bác sĩ đã trực tiếp mổ cho anh. Ông Học nói luôn: “Đó là bác sĩ Tỵ, người trước đây đã được ông nhận vào hợp đồng ở bệnh viện tỉnh của ông rồi lại thôi đó”. Ông ta thoáng tái mặt rồi lắp bắp: “Hiện bác sĩ Tỵ ở đâu, hôm nay có đi làm không hả bác sĩ?”. “Không. Chú ấy được nghỉ tranh thủ bù mấy ngày trực Tết. Hôm mổ cho ông, chúng tôi phải gọi chú ấy lên đấy. Đang nghỉ mà vẫn hăng hái làm nhiệm vụ. Không có bác sĩ Tỵ thì ông có lẽ… hỏng hẳn rồi”.
Đứa con ông Khắc nói theo: “Đúng vậy đấy bố ạ. Lúc trên xe đi Hà Nội bố vật vã rồi ngừng tim, con lo quá. May mà chị Ngọc quyết định quay lại bệnh viện này và được các bác sĩ, nhất là chú Tỵ mổ cấp cứu thì bố mới qua khỏi đấy”. “Nhờ giời. Ấy không, nhờ các bác sĩ mà tôi còn được sống. Cảm ơn bác sĩ nhiều lắm. Nhờ ông chỉ nhà bác sĩ Tỵ để tôi được đến tận nhà cảm ơn nhé"- Ông Khắc nắm tay ông Học nói. “Không cần đâu. Nhiệm vụ của chúng tôi. Ông không cần phải làm thế đâu. Đó vừa là quy định của bệnh viện, vừa cũng là ý của chú Tỵ. Chú ấy không có nhu cầu đó. Chú đã dặn tôi vậy và gửi lời chúc mừng ông đấy. Ông thông cảm nhé. Chúc ông về nhà dưỡng bệnh, sống vui, sống khỏe, sống có ích trong những tháng năm nghỉ hưu nhé” - Ông Học nói.
Ông Khắc nhăn mặt tỏ vẻ ân hận, tiếc nuối như cảm thấy có lỗi gì đó. Vừa lúc đó, cơn gió xuân thoảng qua khiến cuộc ra viện của ông Khắc cứ dùng dằng mãi.