C500 – Tình yêu còn mãi!
Vào một ngày cuối Thu năm 2024, gần 300 cựu học viên khóa D11 (1979-1984) tề tựu tại Học viện An ninh nhân dân, ghi dấu chặng đường ngót nửa thế kỷ kể từ ngày 528 'tân binh' từ mọi miền Tổ quốc bước vào 'cánh cổng C500' – tên gọi thân thương của Học viện An ninh nhân dân ngày nay.
“Về Trường – Một thời để nhớ”! Trong sâu thẳm, cựu binh của C500 luôn coi mái trường này là “ngôi nhà thứ hai”, nơi thổi hồn cho họ. Khác với trước đó, lần này, “nửa kia” của những cựu binh cũng được mời tới để hiểu thêm và tự hào về mảnh đời của cựu binh D11 đã có được từ mái trường thân yêu, nơi đã trở thành “biểu tượng trồng người” của lực lượng Công an nhân dân. Đơn vị hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân này từng 8 lần được đón Bác Hồ, là cái nôi của nhiều đồng chí sau này trưởng thành, là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và của ngành Công an, mà một trong những cá nhân đặc biệt xuất sắc là Đại tướng Tô Lâm, hiện giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thủa ấy, hơn 500 “tân binh” D11 với 12 cô gái được phiên chế thành 5 lớp với 10 trung đội (B). Có đến một phần ba là cán bộ đi học, còn lại là học sinh phổ thông trúng tuyển Đại học, độ tuổi chênh nhau đến một con giáp. Những tháng đầu ai cũng đánh vật với môi trường mới, cán bộ đi học khổ sở với các kiến thức văn hóa, nhất là toán học và ngoại ngữ, học sinh phổ thông thì khổ sở với đủ thứ quy định kỷ cương, kỷ luật gò bó. D11 đi vào tâm thức của các thế hệ sinh viên sau này là khóa “nghịch ngợm nhất”, đứng chữ chót trong công thức “cổ-linh-tinh-quái” mà các thầy cô từng tổng kết về “lính C500”.
Nhưng rồi với thời gian, với sự hướng đạo của thầy cô và tình đồng chí, mọi người cũng dần hòa nhập vào cuộc sống mới. Sự già dặn, kinh nghiệm của cán bộ đi học đàn anh hòa quyện với sự tươi trẻ đến bồng bột của đàn em phổ thông tạo nên một đời sống phong phú, đa sắc màu. Ngày ấy, nhiều học viên khóa D11, trong đó có 12 “hoa hậu”, là nhân tố nổi trội trong các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của trường, để lại nhiều dấu ấn trong những thành tích trên các lĩnh vực này của Học viện ANND và toàn lực lượng Công an nhân dân.
Thời đó, cơ ngơi nhà trường còn rất đơn sơ. Nhiều hội trường, phòng học, nhà ở chỉ là nhà tranh vách đất; ngoài giờ lên lớp học viên trồng rau để cải thiện bữa ăn, đóng gạch để xây trường. Đất nước khi đó vừa ra khỏi cuộc chiến tranh vệ quốc lâu dài và khốc liệt nhất của thế kỷ XX, rồi lại gồng mình chiến đấu để bảo vệ biên giới phía Nam, phía Bắc, những chàng trai, cô gái măng tơ thường xuyên bị dựng dậy giữa đêm bởi tiếng còi báo động và chỉ có vài phút để chuẩn bị đầy đủ “hành trang” trong một chiếc ba lô cho những cuộc hành quân thâu đêm. Những ngày “ba cùng” với nhân dân ở vùng nông thôn hẻo lánh trong những dịp đi thực tế, thực tập thổi vào tâm hồn người chiến sỹ một tình yêu với đất nước, với nhân dân mà vì nó, các “chiến binh D11” tự nguyện hy sinh, cống hiến cả phần đời còn lại của mình.
Tháng 7 năm 1984, sau 5 năm vật vã với hơn 70 lần thi, kiểm tra, gần 500 sinh viên khóa D11 tỏa về khắp mọi miền Tổ quốc, người lên Lạng Sơn, Cao Bằng, Móng Cái - nơi vẫn còn vang tiếng súng, người về với miền biển Cà Mau, người lên núi rừng Tây Nguyên nơi tình hình an ninh còn bộn bề phức tạp. Vẫn với bộ quân phục “dưa khú”, “mắm tôm” và chiếc ba lô trên lưng như ngày đầu, nhưng giờ đây tất cả đều đã trưởng thành, rắn rỏi. Họ chỉ mềm lòng khi nắm chặt tay nhau và ngoái nhìn lại cổng trường lần cuối trước khi dấn thân vào cuộc chiến đấu thầm lặng, cam go ở phía trước.
Trong 45 năm ấy, với bản lĩnh chính trị vững vàng và trình độ nghiệp vụ tinh thông được C500 đào tạo, các chiến binh D11 đã phương trưởng. Khóa D11 đã có 6 bạn được phong hàm Phó Giáo sư, 17 bạn có học vị Tiến sĩ, 22 bạn được thăng hàm cấp Tướng; gần 50 bạn được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo cấp tổng cục, cấp cục, ban giám đốc tỉnh, thành và hơn 200 bạn được bổ nhiệm chánh, phó các đơn vị cấp phòng.
Nhiều bạn do yêu cầu công tác được điều động sang giữ cương vị cấp vụ ở một số cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước, tại nhiều ban thường vụ, ban nội chính cấp tỉnh thành, quận huyện. Có vài bạn nay vẫn tiếp tục tham gia lãnh đạo tại một số tổ chức chính trị-xã hội quan trọng của đất nước. Có bạn thành công trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, say mê đóng góp cho đời sống nghệ thuật nước nhà. Có bạn trở thành thương nhân thành đạt, mải miết với những kế hoạch từ thiện, nhân đạo giúp đỡ đồng bào nghèo khó… Khóa D11 tự hào báo cáo trước Tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cố Bộ trưởng Bộ Nội vụ/Bộ Công an, với các thầy cô về những chiến công được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Gặp nhau hôm nay, những mái đầu bạc của lớp chiến binh già chụm lại, ồn ào kể chuyện xưa, nhiều “bí mật để đời” được công bố trong bầu không khí tươi trẻ nguyên sơ. Những bài ca tự biên về trường, về ngành vang lên hôm ấy như nói hộ lòng người về tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn của học viên khóa D11 với mái trường xưa. Cảm xúc trào dâng. Sôi nổi. Tự hào! Vậy nhưng trong sâu thẳm thì ai cũng như muốn níu kéo, như “ước muốn cho thời gian trở lại”.
Không phải tất cả thầy, trò của ngày ấy còn được gặp nhau trong dịp này. Có thầy cô đã khuất bóng. Có đồng đội đã hòa vào hồn, vào đất ở những chiến trường xưa. Hẳn những thầy cô, bạn bè ở nơi đó cảm nhận được hơi ấm nghĩa tình mà đồng đội dành cho mình trong một phút giây lặng lẽ.
“Càng đi về phía cuối con đường của cuộc đời thì bước chân dường như chậm lại mà thời gian thì trôi nhanh hơn. Liệu 5 năm nữa có còn gặp nhau ở trường nữa hay không..?”. Thông điệp đó từng được nhắc tới trong diễn văn kỷ niệm 40 năm ngày tựu trường của khóa D11 vào tháng 9 năm 2019. 5 năm sau gặp lại, cựu học viên D11 có mặt còn đông đủ hơn và còn có cả "nửa kia" của mình. Nhưng rồi khi chia tay, họ vẫn nói với nhau thông điệp đó, như 5 năm trước vậy.
Lứa học viên khóa D11-C500 nay đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Phần lớn họ đã trở thành những ông, những bà. Dẫu tuổi không còn trẻ nữa, dẫu cuộc đời nhiều xáo động, nhưng trong sâu thẳm mỗi cựu sinh viên khóa D11 vẫn luôn vang lên câu ca ngày nào: “Từ mái trường này, chúng tôi ra đi tung cánh khắp bốn phương trời. Từ mái trường này, một lòng vì Đảng vì Dân, mang theo niềm tin chiến thắng…”. C500 – Học viện ANND ngày nay, luôn hâm nóng trái tim của họ, luôn là động lực giúp họ giữ niềm tin, tình yêu, tinh thần khỏe khoắn để cùng nhau bước tiếp con đường vinh quang của lực lượng Công an nhân dân Anh hùng, vì Tổ quốc, vì Nhân dân./.