BYD Tang sẽ không đổi tên tại Việt Nam dù gây tranh cãi?

Nếu được mang về Việt Nam tương tự bản nội địa, BYD Tang sẽ được bán với 3 tùy chọn động cơ, bao gồm cả bản dẫn động 2 cầu.

Theo một số nguồn tin, BYD có thể sẽ sớm ra mắt mẫu SUV cỡ D mang tên Tang tại Việt Nam. Chia sẻ với truyền thông, lãnh đạo BYD Việt Nam cho biết mẫu xe này sẽ không "thay tên đổi họ" tại thị trường Việt Nam.

Chia sẻ với truyền thông, ông Võ Minh Lực - Giám đốc điều hành BYD Việt Nam cho biết "BYD Tang vẫn sẽ giữ nguyên tên gốc của xe cho thị trường Việt Nam, nhằm đồng bộ với tên sản phẩm ở các thị trường quốc tế".

 BYD Tang sẽ không đổi tên khi về Việt Nam. Ảnh: Carnewschina.

BYD Tang sẽ không đổi tên khi về Việt Nam. Ảnh: Carnewschina.

Trong tiếng Trung Quốc, Tang có nghĩa là Đường - tên một triều đại kéo dài gần 3 thế kỷ (618-907). Trong phiên âm tiếng Việt, "tang" mang ý nghĩa đau buồn về cái chết. Trước đây Việt Nam từng có hãng hàng không mang tên "Tăng Tốc" khi viết không dấu cũng mang ý nghĩa đau buồn, hãng này gặp nhiều khó khăn kể từ khi xuất hiện, phải đổi tên thành Indochina Airlines và phá sản sau hơn 4 năm thành lập.

Chia sẻ thêm về những rủi ro trong tên gọi, ông Lực cho biết hãng biết rõ về vấn đề này và đã nghiên cứu rất kỹ, tuy nhiên vẫn sẽ giữ nguyên tên gọi của BYD Tang khi ra mắt ở thị trường Việt Nam, đồng thời chia sẻ hãng không đặt nặng mục tiêu doanh số mà muốn mang sản phẩm về Việt Nam "nhanh nhất" cho khách hàng trải nghiệm.

Như vậy có thể BYD Tang sẽ sớm có mặt tại Việt Nam trong thời gian tới, dù gây tranh cãi trong tên gọi. Thời điểm ra mắt của BYD Tang vẫn chưa rõ ràng, khi BYD Việt Nam mới khẳng định sẽ đưa 2 mẫu xe là M6 và Han về trong tháng 10, mẫu xe thứ 3 vẫn là ẩn số.

Trên thực tế, BYD Tang ngay cả khi thay đổi tên gọi vẫn là mẫu xe rất khó bán tại Việt Nam khi nó sẽ có giá không rẻ (tầm giá 1,5 tỷ đồng) và cạnh tranh với nhiều cái tên "lão làng" như Ford Everest (1,099-1,545 tỷ), Hyundai Santa Fe (1,069-1,365 tỷ) hay Toyota Fortuner (1,055-1,362 tỷ đồng).

BYD Tang có kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 4.795 x 1.855 x 1.835 mm, chiều dài cơ sở 2.745 mm. Số đo này có phần nhỏ hơn so với một số đối thủ cùng phân khúc, ví dụ Santa Fe (4.830 x 1.900 x 1.720 mm, 2.815 mm).

 BYD Tang. Ảnh: Carnewschina.

BYD Tang. Ảnh: Carnewschina.

Nhìn bên ngoài, mẫu SUV này có thiết kế đặc trưng của những chiếc ôtô thuần điện nhưng không quá cầu kỳ. Mặt ca lăng tràn viền với cặp đèn pha LED đặt ở 2 viền nắp ca pô.

Nội thất của BYD Tang gợi nhớ đến những mẫu xe hạng sang từ Lexus với 3 màu nâu, đen, xanh. Khu vực táp lô nổi bật với màn hình giải trí trung tâm 12,3 inch. Một số trang bị có thể kể đến như cửa chỉnh điện một chạm, điều hòa 3 cùng tự động, kính chiếu hậu kỹ thuật số...

Ở bản tiêu chuẩn, Tang được trang bị một motor điện công suất 225 mã lực, mô men xoắn cực đại 350 Nm. Thông số ở bản giữa là 241 mã lực, 350 Nm. Cả 2 phiên bản đều sử dụng hệ dẫn động cầu trước.

BYD Tang. Ảnh: Carnewschina.

BYD Tang. Ảnh: Carnewschina.

Phiên bản cao cấp nhất được trang bị motor cho công suất 241 mã lực ở cầu trước và 268 mã lực ở cầu sau, mô men xoắn 350 Nm.

Hiện vẫn chưa có chi tiết về giá cũng như động cơ của phiên bản bán tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó tại Trung Quốc, xe được bán với 3 phiên bản, giá dao động 31.190-38.285 USD.

Trên thế giới, nhiều hãng xe đã đổi tên sản phẩm của mình cho phù hợp với thị trường để tránh xung đột về văn hóa, với mục đích tăng hiệu quả bán hàng cho sản phẩm. Gần đây nhất, mẫu Hyundai Custo có tên gọi mới là Custin khi ra mắt tại thị trường Việt Nam.

Đan Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/byd-tang-se-khong-doi-ten-tai-viet-nam-du-gay-tranh-cai-post1500617.html
Zalo