Buýt vi vu: Uống cà phê vợt, xem hầm bí mật của Biệt động Sài Gòn cùng buýt số 3

Khi vi vu cùng tuyến buýt số 3, đi từ chợ Bến Thành (quận 1) đến bến phường Thạnh Xuân (quận 12), du khách sẽ có dịp ghé qua những điểm đến thú vị ở TPHCM như quán cà phê vợt trên đường Phan Đình Phùng, nhà thờ Tân Định hay di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn…

Cà phê vợt Phan Đình Phùng

Cà phê vợt ở số 330/2 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận là một trong những quán cà phê nổi tiếng ở TPHCM. Tồn tại gần 70 năm qua, quán cà phê này là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của những ai từng đặt chân đến đây.

Ảnh: Thái Bảo

Ảnh: Thái Bảo

Khác với cà phê phin, cà phê vợt được pha bằng cách cho bột cà phê vào vợt vải, nhúng trong nước sôi đến khi cà phê tiết ra hết tinh chất. Quán cà phê này cũng là nơi lui tới của nhiều bạn trẻ đến thưởng thức, trò chuyện “xuyên đêm”.

Nhà thờ Tân Định

Nhà thờ được khởi công vào năm 1870 và khánh thành vào năm 1876. Nhà thờ Tân Định là một trong những kiến trúc đẹp bậc nhất thành phố. Tổng thể kiến trúc mang phong cách Gothic kết hợp Roman, pha chút Baroque ở những nét trang trí.

Ảnh: Thái Bảo

Ảnh: Thái Bảo

Màu sơn hồng và những đường nét hoa văn trang trí màu trắng làm cho toàn bộ công trình nổi bật trên nền trời xanh. Nhìn từ phía mặt tiền, du khách có thể thấy tòa tháp chính và hai tháp phụ. Trên đỉnh tháp là chóp hình bát giác với cây thánh giá đồng cao 3m. Trong tháp có 5 quả chuông, nặng tổng cộng 5,5 tấn.

Lăng Võ Tánh

Lăng Võ Tánh nằm ở số 19 đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, được vua Gia Long lập năm 1802 nhằm tưởng nhớ vị danh tướng Võ Tánh. Năm 2019, lăng Võ Tánh được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Ảnh: Phương Ly

Ảnh: Phương Ly

Kiến trúc mộ tại lăng mang đặc trưng kiến trúc mộ cổ vùng Nam Bộ đầu thế kỉ 19, với đủ kết cấu như bình phong tiền, trụ cổng, sân thờ, bệ thờ, nấm mộ, bình phong hậu, tường bao. Cùng với đó là đền thờ Võ Tánh, cũng được xây dựng theo lối kiến trúc đình làng truyền thống Nam Bộ.

Lăng Võ Di Nguy

Lăng Võ Di Nguy nằm tại số 19 đường Cô Giang, phường 2, quận Phú Nhuận. Lăng mộ của Võ Di Nguy được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng Nam Bộ, chỉ dành cho bậc đại công thần. Đến nay, lăng đã tồn tại hơn 200 năm tuổi và được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1993.

Ảnh: Phương Ly

Ảnh: Phương Ly

Qua trao đổi với người dân sống xung quanh khu vực này, hiện nay, lăng Võ Di Nguy không mở cửa tiếp đón khách tham quan thường xuyên, mà chỉ mở cửa vào ngày giỗ ông (15 và 16 tháng Giêng âm lịch) để người dân vào nhang khói tưởng niệm.

Quán cà phê Đỗ Phủ – cơm tấm Đại Hàn

Di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của biệt động Sài Gòn nằm trên đường Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1. Nơi đây có căn hầm bí mật, nơi ẩn náu của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Ảnh: Thái Bảo

Ảnh: Thái Bảo

Ngày nay, khu di tích kết hợp quán cà phê Đỗ Phủ – cơm tấm Đại Hàn không chỉ là điểm đến quen thuộc của những người yêu thích ẩm thực, mà còn là nơi để du khách tìm hiểu về lịch sử của lực lượng chiến sĩ biệt động Sài Gòn.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/buyt-vi-vu-uong-ca-phe-vot-xem-ham-bi-mat-cua-biet-dong-sai-gon-cung-buyt-so-3/
Zalo