Bứt phá từ những 'gạch nối vàng'
Quảng Ngãi kỳ vọng sẽ bứt phá khi những 'gạch nối vàng' đã được tô đậm trên đồ án Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Những dự án lan tỏa
Hai mươi năm trước, Chính phủ quyết định thành lập Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thuộc Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên (nay là Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung), Quảng Ngãi được định vị là một trong 5 hạt nhân lan tỏa. Tiếp tục sứ mệnh hạt nhân của vùng trọng điểm, 20 năm sau, con đường phát triển của Quảng Ngãi trở nên thênh thang hơn bao giờ hết. Quảng Ngãi đang chuyển hóa tầm nhìn đến năm 2030 vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Niềm tin này càng được củng cố khi tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2024 tiếp tục tăng. Và niềm tin của Quảng Ngãi ngày càng vững chắc khi mà bước vào mùa xuân mới, Quy hoạch tỉnh đã định hình rõ nét hành lang kinh tế thông qua trục hạ tầng Bắc - Nam, Đông - Tây.
Quốc lộ 1, tuyến huyết mạch được xây dựng từ lâu, đến nay vẫn đang mang trọng trách vận tải chính. Tương lai không xa, khi hạ tầng giao thông đối nội, đối ngoại đi qua Quảng Ngãi hoàn thành như cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường sắt cao tốc, hệ thống cảng hàng không được đầu tư tại địa phương và các tỉnh lân cận, đường ven biển nối từ Dung Quất đến Sa Huỳnh lộng gió sẽ tạo nên những “gạch nối vàng” về một “địa chỉ đỏ”. Một địa chỉ mà từ đất liền đến đảo Lý Sơn còn ẩn chứa nhiều tiềm năng trên các lĩnh vực mà Quảng Ngãi đang định hướng thu hút đầu tư.
Hãy hình dung vào một mùa xuân không xa, du khách trong và ngoài nước đến Quảng Ngãi sẽ có nhiều lựa chọn cho mình phương tiện di chuyển bằng máy bay. Đó có thể là xuôi theo tuyến Trường Sa, Hoàng Sa ven sông Trà Khúc nhập vào đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đến với cảng Sa Kỳ, lên tàu cao tốc, ngắm đại dương chừng 30 - 45 phút là cập cảng hàng không Lý Sơn. Hoặc ngược hướng Tây Nguyên chừng 70km theo cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum lên với cảng hàng không Măng Đen đi theo lịch trình đã chọn. Hay ngược ra phía bắc 30km với cảng hàng không Chu Lai, huyện Núi Thành (Quảng Nam). Cơ sở để Quảng Ngãi sẽ là tâm điểm của 3 cảng hàng không là ngày 1/11/2024, Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nêu rõ: Dự án Cảng hàng không Lý Sơn và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sẽ được phân kỳ đầu tư từ 2026 - 2030, nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước và vốn ngân sách. Trong khi đó, cảng hàng không Măng Đen đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ đề án nghiên cứu khả năng xây dựng, khái toán chi phí đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng, công suất 1 triệu lượt khách/năm. Riêng cảng hàng không Chu Lai đã được khai thác nhiều năm qua. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, điều kiện cần đã có, vấn đề còn lại là đủ quyết tâm, đủ nguồn lực, đủ cơ chế... thì những tiềm năng trên sẽ được khai thác, và Quảng Ngãi sẽ là địa phương được hưởng lợi rất lớn.
Khai thác tiềm năng
Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều thú vị là huyện Ba Tơ bao trùm ở hai không gian phát triển. Đó là hành lang Đông - Tây phía nam kết nối Sa Huỳnh với tiềm năng về kinh tế biển - huyện Ba Tơ với kinh tế nông nghiệp và rừng xanh, rồi vươn đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum). Một tương lai mới đang định hình và lan tỏa từ Ba Tơ khi tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum dài 136km đang được đề xuất, lập thủ tục đầu tư xây dựng. Sẽ không còn xa nữa, phương tiện di chuyển trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông qua TX.Đức Phổ sẽ bắt gặp nút giao với bảng chỉ dẫn hướng Kon Tum. Ra khỏi nút giao này, với tốc độ từ 80 - 100km/giờ, chỉ mất khoảng nửa giờ đồng hồ là có thể chạm vào “Đà Lạt” thu nhỏ của Tây Nguyên - Măng Đen. Và biết đâu đó, Ba Vì, thị tứ nằm khép mình trên tuyến Quốc lộ 24; một thị tứ không ồn ào, giao thoa giữa các nền văn hóa đồng bằng và miền núi đặc sắc sẽ là điểm “đặc biệt” trên hành trình tạo nên “đặc sản” cho Quảng Ngãi.
Trong quy hoạch vùng Ba Tơ đã được phê duyệt, Ba Vì sẽ là đô thị loại V; là khu đô thị mới, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, cực tăng trưởng kinh tế phía tây của huyện và của tỉnh. Trong đó, trọng tâm phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên đẹp như đèo Vi ô lắc, thác Tà Manh...
Nếu Ba Vì đang như viên ngọc chờ tỏa sáng, thì tuyến Mỹ Khê - Dốc Sỏi đang được đầu tư nối Quảng Ngãi với sân bay Chu Lai mở ra một dư địa phóng khoáng khi kết nối các huyện Sơn Tịnh - Bình Sơn - TP.Quảng Ngãi. Với các nhà đầu tư, hẳn cũng đang chờ trục giao thông này hoàn thành sẽ mở ra một quỹ đất rộng lớn, thênh thang đón các dự án KCN, đô thị và dịch vụ tiến về. “Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thông qua hoàn thiện hạ tầng, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh tại Hội nghị Quảng Ngãi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh đầu tháng 10/2024.