Bứt phá trong nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ và hội nhập quốc tế
Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Trong 5 năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Trong 5 năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên được triển khai đồng bộ, hiệu quả gắn với Đề án 4 về phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật và công bố công trình quốc tế.
Đại học Thái Nguyên đã chủ động ký kết thỏa thuận hợp tác với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên, giảng viên và doanh nghiệp địa phương.
Công tác xét duyệt, triển khai đề tài các cấp được thực hiện đúng quy chế, kịp thời, công khai và minh bạch, đảm bảo tính cạnh tranh và chất lượng khoa học. Đáng chú ý, 95% số đề tài đến hạn đều được nghiệm thu đúng thời gian quy định, thể hiện sự nghiêm túc và cam kết của đội ngũ nghiên cứu trong toàn Đại học.
Song song với đó là kết quả nổi bật trong công bố khoa học: có 2.166 bài báo quốc tế thuộc hệ thống WoS/Scopus; 1.468 bài báo quốc tế khác; 5.914 bài báo trong nước
Hằng năm, số lượng bài báo quốc tế tăng trung bình 10%; tỷ lệ bài báo quốc tế WoS/Scopus đạt 0,18 bài/giảng viên/năm, trong khi bài báo trong nước duy trì ở mức 0,5 bài/giảng viên/năm – những con số cho thấy sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ nghiên cứu trong toàn trường.
Đặc biệt, Đại học Thái Nguyên đã thành lập 4 trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, cùng với đó là 3 doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động hiệu quả.
Hiện nay, toàn Đại học có 50 nhóm nghiên cứu mạnh hoặc chuyên sâu, trong đó 1 nhóm đạt chuẩn nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia, đây là minh chứng rõ nét cho năng lực nghiên cứu chuyên sâu và định hướng phát triển bền vững.
Đáng ghi nhận, có 60 sản phẩm khoa học công nghệ được đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó 15 sản phẩm đã được chuyển giao và thương mại hóa, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng trung du miền núi phía Bắc.
Đặc biệt, nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước chiếm trên 30% tổng kinh phí KHCN, cho thấy khả năng huy động xã hội hóa nguồn lực cho nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo ngày càng hiệu quả.
Hoạt động hợp tác quốc tế của Đại học Thái Nguyên tiếp tục được mở rộng cả về quy mô, chiều sâu và hiệu quả.
Trong giai đoạn 2020–2025, Đại học Thái Nguyên đã khai thác và thực hiện 22 dự án hợp tác quốc tế, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó nổi bật có các dự án Erasmus+ hợp tác với các đối tác châu Âu, hỗ trợ trao đổi sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Đại học Thái Nguyên cũng tổ chức thành công 35 hội thảo quốc tế về các lĩnh vực: y học, nông nghiệp, kỹ thuật công nghiệp, khoa học, giáo dục và kinh tế.
Ngoài ra, còn có hơn 100 hội nghị, hội thảo chuyên đề và các lớp tập huấn quốc tế, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng hội nhập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Đại học hiện đang hỗ trợ các đơn vị thành viên triển khai: 16 chương trình tiên tiến; 10 chương trình liên kết đào tạo quốc tế; 56 chương trình hợp tác đào tạo quốc tế (thực tập nghề nghiệp, trao đổi giảng viên – sinh viên, hướng dẫn sau đại học, trại hè quốc tế…).
Mạng lưới đối tác hợp tác của trường trải rộng khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Philippines, Pháp, Vương quốc Anh, Úc, Malaysia…, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tiếp cận với môi trường học tập và nghiên cứu hiện đại mang tầm quốc tế.

Hoạt động hợp tác quốc tế của Đại học Thái Nguyên tiếp tục được mở rộng cả về quy mô, chiều sâu và hiệu quả.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp từ giảng đường đại học
Xác định rõ vai trò quan trọng của giáo dục khởi nghiệp trong môi trường đại học, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để đưa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo.
Các học phần khởi nghiệp được lồng ghép trong các ngành đào tạo, không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo, quản lý dự án, giải quyết vấn đề, những yếu tố then chốt cho hành trình khởi nghiệp sau này.
Việc giảng dạy kết hợp giữa lý thuyết và tình huống thực tiễn, hoạt động thực hành tại phòng thí nghiệm và mô hình kinh doanh mô phỏng đã giúp sinh viên tiếp cận cách nghĩ, cách làm của người khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi ghế giảng đường.
Hằng năm, Phân hiệu đều tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên” từ cấp Khoa đến cấp Trường, thu hút hàng trăm sinh viên tham gia.
Các vòng thi được tổ chức bài bản, có sự đồng hành của đội ngũ giảng viên cố vấn. Nhiều ý tưởng sáng tạo, có tính ứng dụng cao đã được vinh danh, giới thiệu và tranh tài ở các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh và quốc gia.
TS Nguyễn Thành Luân – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Ươm tạo Công nghệ Khởi nghiệp cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng từ việc trang bị kiến thức, kỹ năng đến kết nối các nguồn lực phục vụ đam mê nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên. Tinh thần sáng tạo, ý chí vượt khó của các em chính là động lực để chúng tôi tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Phân hiệu.”
Trong thời gian tới, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai sẽ tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo khởi nghiệp theo hướng tích hợp các xu hướng hiện đại như: trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Đây không chỉ là những hướng đi bắt kịp xu thế toàn cầu, mà còn là cơ hội để sinh viên địa phương bắt nhịp với sự phát triển mới, tạo ra khác biệt và giá trị bền vững cho cộng đồng.