Bứt phá nhờ môi trường đầu tư thân thiện, Thái Nguyên thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ
Thái Nguyên đang vươn mình trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ những nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng và thân thiện với doanh nghiệp.
Với sự linh hoạt trong cải cách thủ tục hành chính, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, và các chính sách ưu đãi hấp dẫn, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, góp phần tạo sức bật cho nền kinh tế.
Thái Nguyên hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi thu hút dòng vốn FDI
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm gần thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế lớn, đồng thời là cửa ngõ kết nối với khu vực, Thái Nguyên có lợi thế lớn trong việc giao thương, vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, Thái Nguyên còn có diện tích đất rộng, tạo thành “quỹ dự trữ phát triển công nghiệp và đô thị”, là một lợi thế tuyệt đối để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là trong phạm vi Bắc Bộ, nơi có Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ. Đất nền làm khu công nghiệp (KCN) - đô thị của Thái Nguyên có chất lượng tốt, giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư. Đây cũng là một thế mạnh trong cạnh tranh thu hút đầu tư.
Nhờ những điều kiện thuận lợi trên, Thái Nguyên đã và đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà còn cho các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao.
Hàng năm có hơn 100 lượt nhà đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,… tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo đánh giá Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu tỉnh về đầu tư FDI, chiếm khoảng 80% tổng vốn FDI trong các KCN. Đặc biệt, sự hiện diện của tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên đã có những đóng góp lớn, tác động mạnh mẽ đến định hướng phát triển nền công nghiệp theo hướng hiện đại của tỉnh, cũng như ảnh hưởng tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, lũy kế đến nay, đã có 313 dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, có 175 dự án FDI số vốn đăng ký 11,33 tỷ USD và 138 dự án DDI với số vốn đăng ký 22,365 nghìn tỷ đồng.
Có nhiều dự án của các tập đoàn lớn, sử dụng công nghệ cao và thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đến đầu tư, tạo nên nguồn lực mới quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công nghiệp của tỉnh trong những năm tiếp theo. Trong năm qua có những dự án đáng chú ý như sản xuất tấm silic đơn tinh thể và pin năng lượng mặt trời của Trina Solar Cell Việt Nam với mức đầu tư trên 450 triệu USD, PVC Huali Việt Nam tại khu công nghiệp Điềm Thụy với tổng vốn 40 triệu USD, và Nhà máy KHVATEC Thái Nguyên tại khu công nghiệp Yên Bình với tổng vốn 25 triệu USD.
Với những kết quả trên, chỉ trong vòng 3 năm, Chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được VCCI công bố hàng năm) của Thái Nguyên tăng liên tiếp, từ vị trí thứ 28 (năm 2021) lên vị trí thứ 23 (năm 2023), điều này cho thấy môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được cải thiện rất nhiều so với giai đoạn trước. Sức hút đầu tư của Thái Nguyên được thể hiện mạnh mẽ với dòng vốn FDI đang dịch chuyển dần và Thái Nguyên đang khẳng định là điểm đến hấp dẫn thu hút “làn sóng” dịch chuyển đầu tư.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Để có được những con số nổi bật kể trên, bên cạnh những lợi thế sẵn có, tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư.
Một trong những giải pháp quan trọng là việc thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp; duy trì sự tương tác chặt chẽ với doanh nghiệp để hiểu rõ khó khăn, vướng mắc và kịp thời đưa ra các hỗ trợ cần thiết, từ đó đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động ổn định và hiệu quả.
Thái Nguyên cũng chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc tiếp cận thông tin về đất đai và quy hoạch. Các thông tin quan trọng như kế hoạch sử dụng đất, vị trí các khu công nghiệp và quy hoạch hạ tầng được công khai minh bạch, giúp các doanh nghiệp dễ dàng trong việc lập kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất. Nỗ lực này không chỉ giúp thu hút thêm các dự án đầu tư mới mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp hiện hữu phát triển bền vững.
Trong công tác thu hút đầu tư, tỉnh cũng nổi bật nhờ sự năng động trong cải cách thể chế và công tác quy hoạch đồng bộ. Thái Nguyên liên tục cải thiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép và đơn giản hóa các quy trình pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án lớn. Hạ tầng kết nối, như các tuyến giao thông đường bộ và đường cao tốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và tiếp cận thị trường.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư mới, Thái Nguyên còn chú trọng vào việc phát triển hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ công và hỗ trợ doanh nghiệp sau đầu tư, giúp các dự án nhanh chóng đi vào hoạt động. Tất cả những yếu tố này đã góp phần khẳng định vị thế của Thái Nguyên như một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn và tiềm năng hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Với sự phát triển vượt bậc về hạ tầng, quy hoạch đồng bộ và sự linh hoạt trong cải cách thể chế, Thái Nguyên đang dần khẳng định vai trò là một trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước , đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo ra môi trường đầu tư ổn định, thu hút thêm nhiều nguồn vốn chất lượng trong tương lai.
6 cam kết mạnh mẽ với nhà đầu tư
Để Thái Nguyên sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong tương lai, Thái Nguyên đưa ra 6 cam kết mạnh mẽ với nhà đầu tư:
(1) Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp;
(2) Hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là việc cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư;
(3) Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp;
(4) cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo, cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật, đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động cho các doanh nghiệp;
(5) Cam kết cung cấp đủ điện, nước 24/24 giờ cho các doanh nghiệp. Đầu tư lưới điện đến chân hàng rào dự án cho các doanh nghiệp đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp;
(6) Áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ Việt Nam.
Với tư duy đổi mới và tầm nhìn xa tích cực, tỉnh Thái Nguyên cam kết trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sẽ luôn nhận được sự đồng hành của chính quyền, bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên nói chung và tăng trưởng trong khu vực công nghiệp và thu hút đầu tư FDI nói riêng.