Bứt phá để cất cánh - lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế; Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ, đầy tính hiệu triệu, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bước vào giai đoạn hành động quyết liệt, vượt qua các thách thức để đưa đất nước cất cánh.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ngày 1-12. Ảnh: BÁO NHÂN DÂN

Những luận điểm mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra khẳng định những thành quả đã đạt được, chỉ rõ những điểm nghẽn cần tháo gỡ và những yêu cầu cấp thiết để hiện thực hóa khát vọng phát triển dân tộc trong kỷ nguyên mới.

1. Thông điệp của Tổng Bí thư trước hết khẳng định rằng thời cơ và điều kiện để đưa đất nước phát triển đã đủ chín muồi. "Câu trả lời là: Đã đủ", Tổng Bí thư tuyên bố, khi đặt ra câu hỏi về ý chí và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, thời cơ luôn đi kèm với thách thức. Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng, nếu không nhanh chóng tận dụng cơ hội, chúng ta sẽ tụt lại phía sau, có lỗi với Nhân dân và lịch sử.

Đất nước ta đã đạt được những chuyển biến mạnh mẽ kể từ Hội nghị Trung ương 10 tháng 9-2024 với các quyết sách quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn về kinh tế, xã hội và tổ chức bộ máy. Nhưng để đạt mục tiêu thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số. Đây là thách thức vô cùng lớn, đòi hỏi tư duy đổi mới, hành động bứt phá và ý chí vượt lên chính mình từ cả hệ thống chính trị lẫn toàn xã hội.

Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh rằng muốn "cất cánh", phải tháo gỡ ngay lập tức các điểm nghẽn về thể chế. Đây là trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, của từng cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Tổng Bí thư gọi việc đổi mới thể chế là "liều thuốc đủ mạnh" để trị căn bệnh trì trệ, quan liêu và sợ trách nhiệm. Phải loại bỏ triệt để các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, cố tình làm chậm công việc hoặc đổ lỗi cho thể chế để thoái thác trách nhiệm. Tinh thần hành động mạnh mẽ, dứt khoát được Tổng Bí thư thể hiện rõ qua tuyên bố: “Các chủ trương, chính sách đã đầy đủ, bây giờ là lúc hành động”.

Tổng Bí thư kêu gọi các địa phương và từng cấp, ngành phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trên cơ sở đặc thù của từng địa phương, không chờ đợi chỉ đạo từ trên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, sẵn sàng hy sinh, đổi mới để phục vụ đất nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế không thể tách rời khỏi các vấn đề xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh và nâng cao đời sống của Nhân dân. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhắc đến trách nhiệm giải quyết các vấn đề như xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm bợ, nhà dột nát - những nhiệm vụ thể hiện rõ bản chất nhân văn của chế độ.

2. Tổng Bí thư cũng đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV. Đây là nhiệm vụ chính trị, là cơ hội để toàn Đảng nhìn nhận lại, đưa ra tầm nhìn và nhiệm vụ cụ thể để đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng các văn kiện của Đại hội phải "bám sát hơi thở cuộc sống", phải ngắn gọn, súc tích và dễ thực hiện. Đó là kim chỉ nam, phải trở thành công cụ tra cứu thực tiễn, giúp các cấp, ngành triển khai công việc một cách hiệu quả nhất.

Đặc biệt, công tác nhân sự được Tổng Bí thư nhấn mạnh như một trụ cột quan trọng quyết định sự thành bại của mọi kế hoạch. Người đứng đầu Trung ương Đảng yêu cầu các cấp ủy phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu mới. Những hiện tượng tiêu cực như "giữ an toàn", "thủ thế", hay tính toán lợi ích cá nhân, gia đình, cánh hẩu phải được loại bỏ triệt để. Tổng Bí thư cũng kêu gọi cán bộ tự giác học hỏi, nâng cao năng lực, sẵn sàng nhường chỗ nếu không đáp ứng được nhiệm vụ. Đây vừa là lời nhắc nhở vừa là yêu cầu mang tính bắt buộc để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

3. Tinh gọn bộ máy tổ chức - một nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể trì hoãn - được Tổng Bí thư xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết nhất. Tổng Bí thư thừa nhận rằng việc tinh gọn bộ máy sẽ đụng chạm đến lợi ích cá nhân và tổ chức, nhưng để đất nước phát triển, đôi khi phải chấp nhận những “liều thuốc đắng” hoặc “phẫu thuật khối u”. Đó không chỉ là vấn đề giảm số lượng mà còn cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng bộ máy tinh gọn nhưng hiệu quả.

Tổng Bí thư kêu gọi các cấp, ngành và toàn hệ thống chính trị gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ với tinh thần "không chờ đợi lẫn nhau". Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng, cải cách tổ chức bộ máy phải đi đôi với cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, chuyển đổi số và xã hội hóa các dịch vụ công. Mỗi quyết sách cần được triển khai nhanh chóng, không để khoảng trống hoặc gián đoạn trong công việc. Quan trọng hơn, Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng mọi cải cách phải đặt lợi ích của Nhân dân làm trọng tâm, không để cơ quan nhà nước trở thành "vùng trú ẩn an toàn" cho những cán bộ yếu kém.

4. Kết thúc bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc nhở rằng “thời gian không chờ đợi chúng ta”. Tổng Bí thư kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hành động ngay, hành động quyết liệt, để hoàn thành các mục tiêu của năm 2024 và 2025, chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội XIV và toàn bộ giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Lời hiệu triệu của Tổng Bí thư đã thể hiện rõ sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ và truyền cảm hứng về một khát vọng dân tộc - khát vọng vươn mình sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó là trách nhiệm, là cơ hội để mỗi người Việt Nam, từ lãnh đạo cấp cao đến từng người dân, cùng chung tay viết nên những trang sử mới đầy tự hào cho đất nước.

TRỌNG NGHĨA

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/ban-luan/but-pha-de-cat-canh-loi-hieu-trieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-23407.html
Zalo