'Bước tiến vững chắc' trong xây dựng nền giáo dục nông thôn mới

Với tỷ lệ gần 87% trường đạt chuẩn quốc gia và 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa đã khẳng định vai trò tiên phong trong Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2021-2025. Những kết quả đạt được không chỉ góp phần nâng cao dân trí mà còn tạo nền tảng vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa).

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa).

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, tính đến cuối năm 2024 toàn tỉnh có 1.706/1.968 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 86,7%). Đặc biệt, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Yên Định, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Triệu Sơn và Như Thanh đã được kiểm định chất lượng giáo dục.

100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Đáng chú ý, có tới 555 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,46%) đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 - mức cao nhất. Tất cả các địa phương đều đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và được xếp loại “Cộng đồng học tập cấp xã” từ loại khá trở lên. Đặc biệt, trong tổng số 465 xã XDNTM, đã có 433 xã đạt tiêu chí trường học, 461 xã đạt tiêu chí GD&ĐT, 387 xã đạt cả hai tiêu chí trường học và GD&ĐT.

Về cơ sở vật chất, giai đoạn 2021-2025 các địa phương đã cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới 1.179 phòng học ở các cấp; ngành GD&ĐT đang tiếp tục triển khai các dự án mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường ở các cấp học. Tổng nguồn lực thực hiện chương trình NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2024 đạt khoảng 25.553 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 4.184 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt và giá trị ngày công lao động, vật tư, vật liệu, hiến đất.

Có được những kết quả trên là nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh xuống cơ sở. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban, với sự tham gia của chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều duy trì và kiện toàn ban chỉ đạo cấp huyện, xã, đảm bảo triển khai chương trình một cách liên tục và bài bản.

Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về NTM lĩnh vực GD&ĐT tới tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn cụ thể từng nội dung thuộc lĩnh vực đến các cơ sở giáo dục; hướng dẫn các phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy trong các trường học theo hướng chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức XDNTM” được triển khai mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên và người dân tham gia. Nhiều giáo viên trở thành tấm gương điển hình trong việc hiến đất làm đường, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”.

Nổi bật là các hoạt động đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, tập trung hoàn thành các tiêu chí liên quan đến GD&ĐT trong XDNTM, phát triển các câu lạc bộ giáo dục thể chất cho học sinh như dạy bơi trong dịp hè, nhảy dân vũ tập thể, võ thuật truyền thống và các câu lạc bộ thể dục, thể thao rèn luyện thể lực, kỹ năng.

Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia, đóng góp trí tuệ, công sức, kinh phí để phát triển cơ sở vật chất trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, song ngành GD&ĐT vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Đáng chú ý, 93,7% số xã chưa đạt chuẩn NTM (90/96 xã) tập trung ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện rất khó khăn. Một số địa phương sau khi được công nhận đạt chuẩn chưa quan tâm đúng mức đến việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Việc lồng ghép từ các chương trình mục tiêu khác hiệu quả chưa cao, đầu tư còn dàn trải, mang tính chắp vá, khiến một số công trình đầu tư cho các nhà trường chưa đúng tiến độ, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định...

Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 38 xã đạt cả hai tiêu chí trường học, GD&ĐT; 96 xã đạt tiêu chí giáo dục theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao; 42 xã đạt tiêu chí giáo dục theo bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; 3 huyện đạt chuẩn NTM và 6 huyện đạt NTM nâng cao.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ, tăng cường phân cấp cho cơ sở, đẩy mạnh XDNTM ở khu vực miền núi và NTM nâng cao, kiểu mẫu ở khu vực đồng bằng. Dự kiến tổng nhu cầu huy động nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2026-2030 khoảng 36.725 tỷ đồng.

Với những nỗ lực không ngừng và định hướng đúng đắn, ngành GD&ĐT đang từng bước xây dựng một nền giáo dục nông thôn toàn diện, hiện đại, góp phần quan trọng vào sự nghiệp XDNTM trên địa bàn tỉnh, hướng tới mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2030.

Bài và ảnh: Ngân Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/buoc-tien-vung-chac-trong-xay-dung-nbsp-nen-giao-duc-nong-thon-moi-246039.htm
Zalo