Bước tiến quan trọng của Liên hợp quốc

Với lá phiếu ủng hộ của 143 thành viên, Liên hợp quốc đã thông qua 'Hiệp ước cho tương lai' bao hàm 56 đề xuất cụ thể định hướng cho hoạt động của tổ chức này và gợi mở ý tưởng chính sách cho các quốc gia thành viên trong thời gian tới.

Tất cả những nội dung trong “Hiệp ước cho tương lai” của Liên hợp quốc đều tập trung và trước hết vào việc cải tổ Liên hợp quốc và củng cố trật tự thế giới đa phương. Cuộc cải tổ Liên hợp quốc đã được các nước thành viên khởi động từ cách đây khá lâu nhưng tiến triển cho đến nay rất chậm chạp. Diễn biến tình hình thế giới trên mọi phương diện từ nhiều năm trở lại đây đã làm tổn hại nhiều đến vị thế, vai trò và ảnh hưởng của Liên hợp quốc.

Trong bối cảnh như vậy, việc thông qua "Hiệp ước cho tương lai" là bước tiến có ý nghĩa rất quan trọng đối với Liên hợp quốc. Điều này thể hiện cụ thể trên hai phương diện.

Thứ nhất, "Hiệp ước cho tương lai" làm sâu sắc thêm sự cần thiết phải cải tổ thực sự thực chất và toàn diện Liên hợp quốc cũng như các tổ chức và thể chế đa phương quốc tế khác; đồng thời làm cho công cuộc cải tổ có được tính thời sự mà nó xứng đáng có trong chính trị thế giới hiện tại.

Thứ hai, "Hiệp ước cho tương lai" có ý nghĩa và tác động thực tiễn như sự khởi đầu mới cho công cuộc cải tổ Liên hợp quốc trong bối cảnh tình hình mới. Trong đó bao hàm những nội dung cốt lõi cụ thể của cuộc cải tổ. Cho nên mới nói rằng ở trong đó thể hiện nhận thức mới của các thành viên về cải tổ Liên hợp quốc và trách nhiệm của các thành viên về tiến bước mạnh mẽ trên con đường cải tổ Liên hợp quốc.

Cách tiếp cận ở đây rất thức thời và đúng đắn. Chỉ khi tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có cùng quyết tâm và hành động, cùng nhận thức và đề xuất mới có thể vượt qua được những thách thức mang tính toàn cầu như bảo đảm hòa bình, tăng cường an ninh, củng cố ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chống biến đổi khí hậu trái đất, ứng phó thiên tai và dịch bệnh, giải quyết các cuộc chiến tranh và xung khắc thông qua đàm phán chính trị hòa bình. Chỉ như thế, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mới có thể thực hiện thành công và kịp thời những cam kết đơn phương cũng như đa phương liên quan đến những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Bước tiến này của Liên hợp quốc rất tích cực và đáng được khích lệ. Dù vậy, việc thực thi nó tới đây không dễ dàng gì. Cốt lõi của cuộc cải tổ thật sự thực chất và toàn diện Liên hợp quốc là cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Khó khăn nhất ở chuyện cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là thay đổi thực trạng tồn tại từ khi thành lập Liên hợp quốc (năm 1945) đến nay về số lượng thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (hiện vẫn là 5) và quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của 5 thành viên thường trực là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.

Mục đích của cuộc cải tổ là làm cho Liên hợp quốc có tính đại diện cao hơn, dân chủ hơn, minh bạch hơn, gắn kết mọi thành viên hiệu quả và có trách nhiệm hơn,như nêu rõ ở Điều 39 của "Hiệp ước cho tương lai". Mục đích này có đạt được hay không thể hiện rõ ràng nhất ở kết quả cụ thể của việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

"Hiệp ước cho tương lai" chưa phải là hoàn hảo, nhưng là bước tiến quan trọng, cần thiết và đúng hướng của Liên hợp quốc!

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/buoc-tien-quan-trong-cua-lien-hop-quoc-679104.html
Zalo