Bước tiến mới về nhận thức xã hội và hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật

Trong xã hội hiện đại, nhận thức về người khuyết tật đã và đang trải qua những thay đổi quan trọng. Những rào cản xã hội, văn hóa và thể chất mà họ phải đối mặt không còn được xem là một phần không thể thay đổi của cuộc sống. Thay vào đó, xã hội bắt đầu nhìn nhận khuyết tật như một vấn đề cần giải quyết thông qua sự cải cách về môi trường, chính sách và thái độ cộng đồng.

Khóa tập huấn bình đẳng và hòa nhập về người khuyết tật tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.

Khóa tập huấn bình đẳng và hòa nhập về người khuyết tật tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.

Những bước tiến mới dành cho người khuyết tật không chỉ phản ánh sự thay đổi này mà còn khẳng định tầm quan trọng của việc tạo ra một xã hội công bằng và hòa nhập, nơi mọi cá nhân đều có cơ hội sống và phát triển bình đẳng. Những nỗ lực này không chỉ giúp người khuyết tật vươn lên mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng đa dạng và bền vững.

Thúc đẩy sự hiểu biết về người khuyết tật từ góc độ mô hình xã hội

Mô hình xã hội của khuyết tật nhấn mạnh rằng người khuyết tật không phải là những cá nhân yếu thế hay không có khả năng đóng góp cho cộng đồng. Thực tế, hạn chế mà họ gặp phải chủ yếu là do các rào cản xã hội, khiến họ không thể tham gia vào các hoạt động cộng đồng một cách bình đẳng và phát huy hết tiềm năng của mình. Mô hình xã hội khuyến khích sự thay đổi từ cộng đồng và xã hội, tạo ra cơ hội hòa nhập và loại bỏ những yếu tố cản trở sự tham gia của người khuyết tật.

Tại các khu vực như quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, việc tập huấn mô hình xã hội về khuyết tật của Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ đã giúp các Trưởng ấp/Trưởng khu vực hiểu rõ hơn về người khuyết tật. Việc trang bị kiến thức này là rất quan trọng nhằm truyền đạt những hiểu biết này đến cộng đồng, giúp mọi người hiểu rõ hơn về khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật trong việc hòa nhập xã hội.

Bà Huỳnh Ngọc Hồng Nhung, Chủ tịch Hội Người Khuyết tật Cần Thơ chia sẻ “Hội người khuyết tật thành phố Cần Thơ đã tổ chức các buổi tập huấn nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết về lớp Bình đẳng và Hòa nhập dành cho 91 Trưởng ấp/Trưởng khu vực hiểu rõ hơn về mô hình xã hội khuyết tật, và những chính sách và hoạt động hỗ trợ người khuyết tật đã được triển khai tại địa phương. Đây là dự án ứng dụng kiến thức từ khóa tập huấn “Hành trình Hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo”, do Trung tâm Việt-Úc tổ chức, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết về khuyết tật từ góc độ mô hình xã hội và việc áp dụng mô hình này trong đời sống. Thông qua dự án, chúng ta cùng hiểu rõ người khuyết tật không còn bị xem là đối tượng cần sự thương hại, mà là những người có quyền bình đẳng, có khả năng đóng góp cho xã hội nếu được tạo điều kiện và hỗ trợ phù hợp. Sự thay đổi nhận thức này sẽ thúc đẩy sự tôn trọng, chấp nhận và hòa nhập của người khuyết tật vào cộng đồng”.

Việc cung cấp thông tin chi tiết về các quyền lợi của người khuyết tật, cũng như các chính sách hỗ trợ trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, việc làm, giao thông và hòa nhập cộng đồng là vô cùng cần thiết. Cũng quan trọng không kém là việc chia sẻ kiến thức về các mô hình hỗ trợ hiệu quả cho người khuyết tật, bao gồm mô hình xã hội, mô hình dựa trên quyền, các dịch vụ tiếp cận công cộng. Việc này giúp người tham gia hiểu rõ hơn về các quyền lợi mà người khuyết tật được hưởng và các mô hình hỗ trợ đang hiện diện trong cộng đồng.

Kết hợp giữa kiến thức, đào tạo và thay đổi nhận thức là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự hòa nhập. Cả Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội và Hội Người khuyết tật đều đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiểu biết và hỗ trợ người khuyết tật. Thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục, đào tạo và xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ, chúng ta có thể tạo ra một môi trường mà trong đó người khuyết tật không chỉ nhận được sự hỗ trợ mà còn có cơ hội tham gia bình đẳng vào mọi lĩnh vực của xã hội.

Hội Người khuyết tật Hà Nội đột phá với tập huấn sử dụng ứng dụng AI trong truyền thông cộng đồng

Trong kỷ nguyên số hóa, việc ứng dụng AI vào truyền thông là một bước đi chiến lược giúp Hội Người khuyết tật Hà Nội tối ưu hóa hoạt động và nâng cao hiệu quả truyền thông.

Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã chủ động tiên phong ứng dụng AI vào công tác truyền thông, nhằm nâng cao khả năng truyền tải thông điệp của các tổ chức thành viên. Tuy còn nhiều thách thức, nhưng với sự nỗ lực và đầu tư, các tổ chức sẽ khai thác được tiềm năng của AI để lan tỏa các thông điệp nhân văn, kết nối và xây dựng một cộng đồng vững mạnh, hòa nhập hơn.

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác truyền thông là một bước đi quan trọng đối với các tổ chức xã hội, đặc biệt là Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, giúp tăng cường hiệu quả tiếp cận và kết nối với cộng đồng.

Ngoài ra, AI còn có thể giúp đưa ra các chiến lược truyền thông phù hợp, nhằm bảo đảm thông điệp đến được với đúng đối tượng và mang lại hiệu quả tối đa.

Bên cạnh đó, AI còn giúp tối ưu hóa quy trình truyền thông, giảm thiểu thời gian và chi phí, đồng thời nâng cao chất lượng nội dung, giúp các chiến lược truyền thông của Hội Người khuyết tật được thực hiện hiệu quả hơn, có khả năng tạo ra những thông điệp được cá nhân hóa và dễ tiếp cận, tăng cường sự tương tác và tạo dựng mối quan hệ bền chặt hơn với cộng đồng.

“Mọi người vẫn nghĩ rằng với người khuyết tật tiếp cận và làm chủ công nghệ là một việc khó có thể thực hiện được. Khóa tập huấn sử dụng AI trong việc viết tin bài truyền thông cho người khuyết tật mà Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội thực hiện với kết quả khả quan và niềm yêu thích của học viên đã cho thấy suy nghĩ trên thật phiến diện. Bằng chứng là sau khóa học, đã có 3 bài báo với sự hỗ trợ của AI do học viên viết được đăng trên bản tin Nắng Xuân của Hội và 01 clip về khóa học được hoàn thành với việc sử dụng giọng nói của AI”, bà Trịnh Thị Thu Thủy, Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội chia sẻ.

Công cụ AI hỗ trợ phân tích dữ liệu và hành vi người dùng, giúp Hội Người Khuyết tật hiểu rõ hơn về những vấn đề mà người khuyết tật đang gặp phải, cũng như những cơ hội mà họ cần. Những công cụ AI sẽ hệ thống tự động hóa nhanh chóng phản hồi các thắc mắc của người khuyết tật, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra một hệ sinh thái truyền thông linh hoạt và dễ tiếp cận, giúp người khuyết tật và cộng đồng xã hội luôn được kết nối, nhận thông tin về các hoạt động, dịch vụ và cơ hội hỗ trợ.

Nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông cho các tổ chức thành viên, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn thí điểm nâng cao kỹ năng viết bài, lên ý tưởng nội dung, và cách thức truyền tải thông điệp một cách hiệu quả qua các kênh truyền thông số. Những bài viết được tạo ra đạt chất lượng cao đã phản ánh được đặc thù và nhu cầu của cộng đồng người khuyết tật, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông của các tổ chức thành viên.

Khóa tập huấn Nâng cao kỹ năng truyền thông cho Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Khóa tập huấn Nâng cao kỹ năng truyền thông cho Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Khóa tập huấn giúp các cá nhân và tổ chức trong cộng đồng người khuyết tật cũng như các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật (OPD) cảm thấy tự tin hơn khi sử dụng công nghệ, đặc biệt là AI, trong công tác truyền thông. Việc ứng dụng AI không chỉ là bước đột phá về mặt công nghệ mà còn là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của Hội Người khuyết tật trong việc xây dựng một cộng đồng hòa nhập, sáng tạo và bền vững hơn. AI là công cụ quan trọng giúp Hội Người khuyết tật thực hiện các mục tiêu của mình, tạo cơ hội cho người khuyết tật được tham gia và phát triển trong một xã hội công bằng và bình đẳng.

LINH LANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/buoc-tien-moi-ve-nhan-thuc-xa-hoi-va-hoa-nhap-cong-dong-cho-nguoi-khuyet-tat-post848277.html
Zalo