Bước tiến mới trong cuộc sống của người Rơ Măm

Thuộc nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) có khó khăn đặc thù, nhưng đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đang có những bước tiến dài trong cuộc sống nhờ chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.

Con đường liên thôn trước đây lầy lội, đi lại khó khăn, giờ đây đã được bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Dũng Phùng

Con đường liên thôn trước đây lầy lội, đi lại khó khăn, giờ đây đã được bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: Dũng Phùng

Mô Rai là xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, đặc biệt khó khăn, cách trung tâm tỉnh Kon Tum 130km, cách trung tâm huyện Sa Thầy 70km. Toàn bộ xã Mô Rai nằm ở độ cao trung bình từ 500 đến 1.500m so với mực nước biển. Cả xã Mô Rai có 5.224 người với 1.514 hộ gia đình, các DTTS chiếm gần 73%. Còn làng Le là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Rơ Măm - DTTS dưới 1.000 người và thuộc nhóm có khó khăn đặc thù của nước ta. Làng Le hiện có 177 hộ/617 khẩu; đồng bào Rơ Măm chiếm 88% dân số trong làng.

Những năm trước, đường giao thông đến với bản làng người Rơ Măm vô cùng khó khăn, cách trở. Người dân địa phương sinh sống hoàn toàn dựa vào làm nương rẫy theo lối sản xuất tự cung, tự cấp nên đời sống rất khó khăn, thiếu thốn... Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước đã quan tâm thực hiện nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ đối với các DTTS rất ít người. Người Rơ Măm ở tỉnh Kon Tum được thụ hưởng Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, với tổng kinh phí gần 91 tỷ đồng. Đề án đặt mục tiêu xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng Le, phấn đấu theo định hướng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, các trục giao thông chính trong làng đã được cứng hóa, giao thông thông suốt đến trung tâm xã, huyện, tỉnh. Điện lưới đã đến tận hộ dân. Hệ thống nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi được đầu tư phục vụ sản xuất và đời sống.

Ông Ngô Công Phương, Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai cho biết: "Nhiều hộ đã biết trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp dài ngày như mía, cao su, cây ăn quả... Hiện nay, người Rơ Măm đã không còn bị đói, rét, bệnh tật; nhiều gia đình đã có ti vi để xem, có đài thu thanh để nghe tin tức, có điện thoại để kết nối thông tin liên lạc, có xe máy để đi lại, thậm chí có hộ còn mua được xe công nông, xe ô tô tải để phục vụ sản xuất. Tất cả con em người Rơ Măm hiện đã được đi học, được cấp sách vở, được phát thẻ bảo hiểm y tế; nhiều cháu đã đỗ vào các trường cao đẳng, đại học"...

Khi đời sống vật chất, tinh thần của người Rơ Măm được cải thiện, những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Rơ Măm đã có điều kiện để bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống mang đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Già A Blong cho biết, trong quá khứ, Rơ Măm vốn là một dân tộc có kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc, với những nét nổi bật về tri thức dân gian và kinh nghiệm canh tác nương, rẫy; những câu truyện cổ, bài ca, điệu múa, trò chơi, biểu diễn cồng - chiêng - trống và nhiều loại nhạc cụ độc đáo. Người Rơ Măm quan niệm mọi sự vật, hiện tượng đều có thần linh ngự trị. Vì vậy, mọi phong tục, tập quán của người Rơ Măm đều gắn kết với hệ thống lễ nghi, nổi bật là Lễ cúng cơm mới, Lễ tạ thần lúa...

Người Rơ Măm tái hiện Lễ hội mở cửa kho lúa trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên. Ảnh: Dũng Phùng

Người Rơ Măm tái hiện Lễ hội mở cửa kho lúa trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên. Ảnh: Dũng Phùng

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều DTTS rất ít người khác, thời gian qua, văn hóa truyền thống của người Rơ Măm đang đứng trước nguy cơ mai một. Trước thì do khó khăn về kinh tế nên ít tổ chức các lễ hội, người già không có điều kiện lưu giữ, bảo tồn và truyền dạy văn hóa dân tộc cho con cháu. Khi đời sống kinh tế được cải thiện thì lại bị tác động bởi thông tin, văn hóa hiện đại làm cho những người trẻ ngại tiếp cận với văn hóa truyền thống. Trước năm 2017, không còn người Rơ Măm nào biết dệt vải dẫn đến trang phục truyền thống với những nét hoa văn đặc sắc của dân tộc Rơ Măm đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.

Với quan điểm văn hóa còn thì dân tộc còn, trong Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội DTTS rất ít người Rơ Măm, tỉnh Kon Tum đã tập trung hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào. Ngân sách Nhà nước đã được cấp để tiến hành một loạt hoạt động như nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng bộ chữ cái và biên soạn từ điển ngôn ngữ của người Rơ Măm; hỗ trợ bảo tồn nghề dệt truyền thống và đan lát; hỗ trợ phục dựng lễ hội; hỗ trợ khôi phục chế tác nhạc cụ, trang phục dân tộc; hỗ trợ trang thiết bị cho nhà rông văn hóa, thành lập và duy trì đội văn nghệ làng; hỗ trợ một điểm bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào.

Về phía già làng A Blong cùng với những người cao tuổi khác trong xã đã chủ động sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc người Rơ Măm. Những người cao tuổi còn biết, còn thuộc các câu chuyện cổ, bài ca, điệu múa, trò chơi, biểu diễn cồng - chiêng - trống và nhiều loại nhạc cụ độc đáo... chia nhau tập hợp, truyền dạy cho con cháu. Họ cũng phối hợp với ngành văn hóa địa phương sưu tầm, phục dựng những lễ hội và các thiết chế văn hóa truyền thống. Già A Dóc là người nổi tiếng trong làng vì đã đổi 150 triệu đồng để lấy 3 bộ chiêng quý.

Theo già làng A Blong và nhiều người cao tuổi khác thống kê, trong 7 làng DTTS ở Mô Rai hiện còn lưu giữ được gần 190 bộ cồng - chiêng quý, riêng làng Le giữ được 34 bộ. Làng đang duy trì được một số lễ hội như “thổi tai”, “ma chay”, “bỏ mả”, “phát rẫy”, “trỉa lúa”, “mở kho lúa”, “mừng lúa mới”, “mừng nhà rông mới”... Đồng bào đã lưu giữ và phát huy được các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: cồng - chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên, sử thi... cùng một số nghề truyền thống: đan lát nông cụ, dệt vải thổ cẩm...

Đặc biệt, trong quá trình sưu tầm, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng bào đã mạnh dạn thay đổi, loại bỏ các hủ tục, thói quen lạc hậu gây ảnh hưởng xấu đến giống nòi như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chôn chung người chết... A Thái tâm sự, với sự truyền dạy của những người cao tuổi trong làng, anh và những người trẻ khác đã hiểu và thêm trân quý, quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đồng chí Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum khẳng định, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đồng bào DTTS, nhất là những DTTS có khó khăn đặc thù như dân tộc Rơ Măm. Cuối năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 81/NQ-HĐND phê duyệt làng Le thuộc đối tượng đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Nghị quyết là căn cứ để các cấp, các ngành tiếp tục triển khai đầu tư, tạo cơ hội để đồng bào phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo dựng những bước tiến mới trên hành trình xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn ở nơi phên dậu Tổ quốc.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/buoc-tien-moi-trong-cuoc-song-cua-nguoi-ro-mam-post479925.html
Zalo