Bước qua giai đoạn 'lấy ngắn nuôi dài', doanh nghiệp bất động sản dự báo tăng trưởng 2 chữ số
Không còn khó khăn như trước và nhiều gam màu sáng đã xuất hiện giai đoạn cuối năm, nhưng nhìn chung, lượng giao dịch của toàn thị trường bất động sản năm 2024 vẫn chưa cải thiện nhiều, doanh nghiệp vẫn chưa thể hồi phục, vận hành một cách trơn tru. Tuy nhiên, năm 2025, sự thông thoáng từ cơ chế, đi kèm việc phục hồi của thị trường một cách có lộ trình như tiếp thêm động lực phát triển, đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp địa ốc.
Doanh nghiệp bất động sản lấy ngắn nuôi dài
Khi dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 chỉ còn vài tuần là đến nhưng anh Nguyễn Dương - Giám đốc đối ngoại của một tập đoàn bất động sản lớn có trụ sở đặt tại TP. Hồ Chí Minh, vẫn chưa thấy không khí “xuân về”, bởi tình hình lương thưởng của công ty năm nay vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Anh Dương tiết lộ, sau mấy năm vật lộn để tồn tại, giờ tập đoàn vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn. Hiện tại tuy đã không còn tình trạng nợ lương kéo dài, lương tháng 1/2025 đã thanh toán 50%, nhưng thưởng tháng 13 chắc chắn không có vì đến nay vẫn chưa nhận được kế hoạch từ ban giám đốc.
Không khó để nhận ra, bức tranh tài chính của anh Nguyễn Dương chỉ là điển hình chung của hệ thống nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phía Nam. Vì, nếu tính cả năm nay, chủ đầu tư vẫn tiếp tục không có dự án mới để mở bán, dự án cũ chưa thể tiếp tục triển khai thì vấn đề không có nguồn cung, dẫn đến tình trạng kinh doanh tắc nghẽn, không có dòng tiền để “đài thọ” cán bộ, công nhân viên là điều hiển nhiên.
Ở một khía cạnh khác, báo cáo tài chính cũng cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào tình trạng lấy ngắn nuôi dài, hoạt động tài chính được xem là cứu cánh. Cụ thể, theo báo cáo tài chính gần nhất năm 2024 của Công ty CP Vạn Phát Hưng (VPH), tổng doanh thu của doanh nghiệp 18.368 tỷ đồng.
Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR), quý III/2024, doanh nghiệp ghi nhận tổng doanh thu 2,6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 1,3 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận tài chính lên tới 120 tỷ đồng, gấp 92,3 lần so với lợi nhuận gộp nhờ thương vụ chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết. Việc chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết cũng là định hướng của Chủ tịch Nguyễn Phát Đạt nêu ra trong cuộc họp với nhà đầu tư. Công ty bán bớt tài sản nhằm duy trì được dòng tiền kinh doanh, chuẩn bị cho chu kỳ mới.
Lãi ròng tăng vọt lên 183 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay. Song, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý này đạt gần 222 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lợi nhuận hoạt động tài chính 266 tỷ đồng. Đây là số tiền đến từ thương vụ Vạn Phát Hưng chuyển nhượng 99% cổ phần tại Công ty CP Bất động sản Nhà Bè.
Công ty Taseco Land (TAL) cũng đã tăng 65% doanh thu thuần so với cùng kỳ, đạt gần 311 tỷ đồng, báo lãi sau thuế 185 tỷ đồng, cao gấp gần 21 lần so với cùng kỳ. Động lực chính cho sự tăng trưởng lợi nhuận của Taseco Land tới từ hoạt động tài chính, khi doanh nghiệp chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Công ty CP Đầu tư TAH, chủ đầu tư dự án Tổ hợp Văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ tại lô đất B2CC4 thuộc quần thể Khu đô thị Starlake. Trên chỉ là ít trong số các doanh nghiệp bất động sản đang sống nhờ nguồn thu đến từ đầu tư tài chính.
Năm 2025 - doanh nghiệp tiếp tục trên đà phục hồi
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, nhận định kể từ quý II/2023 đến nay, thị trường bất động sản đã bắt đầu phục hồi trở lại, liên tục nhưng với tốc độ chậm theo xu thế khó khăn giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản cũng dần vượt qua khó khăn nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp có thẩm quyền. Xu thế phục hồi, tăng trưởng trở lại của thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh và cả nước cho đến nay là chắc chắn và không thể đảo ngược.
Đồng quan điểm, các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services cho hay, tính đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản đã “xa rời” vùng đáy. Đặc biệt, khi 4 bộ luật quan trọng là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực sớm từ 1/8/2024, kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho sự phát triển minh bạch, ổn định trong chu kỳ mới. Điều này, cũng phần nào hỗ trợ thúc đẩy tiến độ phát triển dự án và gia tăng nguồn cung nhà ở mới.
Bên cạnh đó, đây là thời điểm thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng, các điểm nghẽn còn tồn đọng dần được khơi thông với hàng loạt chính sách, quy định mới được ban hành. Sau thời điểm này, thị trường tuy chưa thể phục hồi nhanh nhưng các bộ luật được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho sự phát triển minh bạch, ổn định với chu kỳ mới.
Trong năm 2025 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với nguồn cung mới được cải thiện đáng kể so với năm 2024. Ngoài ra, nhờ sự điều phối của Chính phủ thông qua hàng loạt các chính sách, kết hợp với đặc thù nhu cầu thực tế của từng địa phương, thị trường bất động sản Việt Nam đã xuất hiện rõ vai trò của các vùng thị trường “dẫn sóng” và vùng thị trường “theo sóng”. Sức cầu năm 2025 dự báo cải thiện khá hơn; sức mua tập trung chính tại thị trường là các đô thị lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh..
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), dự báo từ giờ đến hết năm 2025, các quy định của luật mới chưa được áp dụng hoàn toàn, vẫn có sự giao thoa với chính sách cũ nên có sự linh hoạt trong tính toán giá đất...
Do đó, các chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới bất động sản cần chủ động cập nhật và nắm bắt kịp thời các thay đổi mới về hành lang pháp lý, đồng thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với hành lang pháp lý và xu hướng phát triển thị trường. Các chủ đầu tư cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm theo đúng xu hướng và khả năng chi trả của phần đông người dân. Các sàn giao dịch bất động sản phải nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định pháp lý dự án, nhằm đảm bảo lựa chọn những dự án chất lượng tham gia phân phối.
Ông Đính khuyến nghị, các chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới bất động sản nên tập trung vào thế mạnh, tránh “dàn trải, ôm đồm” làm giảm hiệu quả hoạt động, phân tán nguồn lực và khó đạt được kết quả tối ưu. Trong mọi hoạt động cần lấy thị trường chung làm trọng yếu. Cần xác định rõ “thị trường có khỏe” thì doanh nghiệp, môi giới bất động sản mới khỏe; khi đó khách hàng và nhà đầu tư mới yên tâm.
Doanh số bán bất động sản nhà ở sẽ tăng mạnh trong năm 2025
Theo nhận định của các chuyên gia, với môi trường lãi suất cho vay ổn định và thấp, các bộ luật mới có hiệu lực, Chính phủ hỗ trợ tăng nguồn cung (như hỗ trợ thúc đẩy tính tiền sử dụng đất hoặc ban hành nghị quyết thí điểm chuyển đổi đất không phải đất ở thành dự án thương mại), và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt, thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Thị trường Hà Nội sẽ diễn biến tốt với sự gia tăng nguồn cung mới, giá sơ cấp sẽ ổn định với tỷ lệ hấp thụ thấp hơn trong hai năm tới, tương tự như giai đoạn năm 2016-2020. Đối với thị trường TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung căn hộ mới cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, tỷ lệ hấp thụ và giá bán dự kiến sẽ cao hơn so với năm 2024. Hoạt động bán hàng trên toàn quốc sẽ tăng mạnh trong năm 2025 từ các dự án mới và đang triển khai. Doanh số bán hàng của các chủ đầu tư niêm yết dự kiến tăng trưởng 2 chữ số.