Bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - châu Phi

'Việt Nam chính thức trở thành Quan sát viên của Liên minh châu Phi (AU) là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và châu Phi nói chung và với tổ chức khu vực AU nói riêng...'. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh trong trả lời phỏng vấn báo Thế giới và Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.

Thưa Thứ trưởng, ngày 15/12/2023, Việt Nam đã chính thức hoàn tất thiết lập quan hệ với Liên minh châu Phi (AU). Xin Thứ trưởng đánh giá về sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - AU trong những năm qua và cho biết ý nghĩa của sự kiện này?

Ngày 15/12/2023, Việt Nam đã chính thức trở thành Quan sát viên của Liên minh châu Phi (AU). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và châu Phi nói chung và với tổ chức khu vực AU nói riêng, là kết quả sau 2 năm tích cực triển khai Đề án “Phát triển quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Phi giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4/2021.

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, truyền thống với các đối tác châu Phi và mong muốn tăng cường hợp tác với khu vực cả ở cấp độ song phương và đa phương. Đây là những người bạn đã sát cánh cùng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Trong nhiều năm trước khi thiết lập quan hệ chính thức với AU, Việt Nam đã luôn quan tâm, theo sát những bước phát triển và đánh giá cao vai trò của AU trong đời sống chính trị - an ninh, kinh tế, xã hội của châu Phi. Chúng ta cũng luôn ủng hộ AU ngày càng có tiếng nói, vị thế quan trọng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Về hợp tác kinh tế, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và châu Phi đạt 5,78 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2022, trong đó có 2 đối tác thương mại lớn trên 1 tỷ USD là Bờ Biển Ngà với 1,35 tỷ USD và Nam Phi với 1,16 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch nhiều mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi có sự gia tăng đáng kể, như cà phê sang Algeria tăng 88,4%, Nam Phi tăng 37% và Ai Cập tăng 28%; gạo sang Ghana tăng 57%...

Trong bối cảnh các nước châu Phi đang nỗ lực thực hiện Chương trình Nghị sự 2063 với Tầm nhìn “Một châu Phi hội nhập, thịnh vượng và hòa bình, hoạt động vì nhân dân châu Phi và đại diện một lực lượng năng động trên trường quốc tế”, thời gian qua, với tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực vào những thành tựu ban đầu đáng khích lệ của Chương trình, đặc biệt trên 4 lĩnh vực là giữ gìn an ninh, hòa bình; đảm bảo an ninh lương thực; phát triển cơ sở hạ tầng số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cùng Đại sứ các nước châu Phi tại Hà Nội, ngày 7/12/2023.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cùng Đại sứ các nước châu Phi tại Hà Nội, ngày 7/12/2023.

Thứ nhất, châu Phi là châu lục đầu tiên và duy nhất Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đến nay, Việt Nam đã triển khai 792 lượt quân nhân và công an tới 03 Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, khu vực Abyei và 01 Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi.

Sự tham gia của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, AU, chính phủ và người dân các nước sở tại ghi nhận, đánh giá rất cao, không chỉ trong việc hỗ trợ bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân tại khu vực triển khai lực lượng mà còn giúp nâng cao đời sống, cải thiện các dịch vụ y tế, giáo dục, thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và các nước. Trong quá trình đó, chúng ta cũng đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của AU và các nước thành viên liên quan để hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại các Phái bộ.

Thứ hai, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững với các nước châu Phi như Mozambique, Guinea, Benin, Senegal và Sierra Leone..., giúp nhiều nước châu Phi nâng cao năng suất canh tác, gia tăng giá trị nông sản góp phần bảo đảm an ninh lương thực thông qua các mô hình hợp tác Nam - Nam và ba bên hoặc đối tác công tư.

Thứ ba, trong lĩnh vực truyền thông, hạ tầng số, Tập đoàn Công nghiệp và Viễn thông Quân đội (Viettel) của Việt Nam đã triển khai nhiều dự án đầu tư rất thành công ở châu Phi như tại Burundi, Mozambique và Tanzania, giúp người dân các nước, đặc biệt là những người dân ở vùng xa xôi hẻo lánh tiếp cận công nghệ thông tin, tri thức và phát triển, thực hiện các dự án chuyển đổi số cho chính phủ các nước, giúp rút ngắn khoảng cách về số hóa giữa các vùng trong một quốc gia và giữa các quốc gia trong một châu lục.

Thành công của Viettel trong lĩnh vực viễn thông thời gian qua đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của AU về tăng cường kết nối và cung cấp các dịch vụ số cho người dân, hướng đến phát triển bao trùm, bền vững.

Thứ tư, Việt Nam đã hỗ trợ nhiều nước châu Phi trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Riêng năm 2023, các trường đại học của Việt Nam đã tiếp nhận hơn 200 sinh viên châu Phi sang theo học tại nhiều chuyên ngành đào tạo khác nhau. Các sinh viên sau khi được đào tạo đã đóng góp cho sự phát triển tại các quốc gia châu Phi và là cầu nối hữu nghị cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi.

Với việc chính thức trở thành Quan sát viên của AU, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng tăng cường hợp tác với AU trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục đến tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại châu Phi, qua đó đóng góp trực tiếp cho những nỗ lực chung của AU nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn theo Chương trình Nghị sự 2063, vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của châu Phi. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác với AU cũng sẽ mang lại những lợi ích quan trọng về nhiều mặt, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã triển khai 792 lượt quân nhân tới 03 Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, khu vực Abyei và 01 Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi. (Nguồn: TTXVN)

Đến nay, Việt Nam đã triển khai 792 lượt quân nhân tới 03 Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, khu vực Abyei và 01 Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi. (Nguồn: TTXVN)

Xin Thứ trưởng cho biết phương hướng hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Phi trong thời gian tới?

Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp như hiện nay, tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế nhất là giữa các nước đang phát triển để tranh thủ cơ hội từ các xu thế mới được nhiều quốc gia, tổ chức khu vực ngày càng quan tâm.

Tiếp tục quán triệt Nghị quyết 34-NQ/TW ngày 09/01/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng và bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án “Phát triển quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Phi giai đoạn 2021-2025”, Việt Nam sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác với AU một cách thiết thực, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu, lợi ích của mỗi bên. Trên tinh thần đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cùng đối tác AU triển khai hợp tác theo các phương hướng sau:

Một là, tăng cường các hoạt động tiếp xúc giữa các cấp lãnh đạo của hai bên, trước mắt, Việt Nam sẽ cử đại diện tham dự các hoạt động quan trọng của AU. Bên cạnh đó, hai bên sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế hợp tác giữa Việt Nam với các cơ quan liên quan trực thuộc AU, phối hợp lập trường và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương để đề cao vai trò, tiếng nói và lợi ích của các nước đang phát triển; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh và hòa bình, ứng phó với các thách thức toàn cầu, cũng như kinh nghiệm về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.

Hai là, về kinh tế, thương mại, đầu tư và nông nghiệp, với dân số 1,4 tỷ người và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, châu Phi là một thị trường quan trọng và đang dần trở thành một cực tăng trưởng mới của kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh các nước thành viên AU đang ưu tiên triển khai Hiệp định Thương mại tự do toàn châu Phi (AfCFTA) nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2063 về thúc đẩy hội nhập kinh tế, việc ta tham gia chủ động, tích cực vào quá trình thực hiện Hiệp định này của AU sẽ đem đến những cơ hội hợp tác rất lớn giữa hai bên, giúp tạo đột phá cho hợp tác thương mại.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ phối hợp với AU trong việc tìm kiếm, vận động đối tác hỗ trợ triển khai các dự án hợp tác nông nghiệp nhiều bên tại châu Phi, trong đó Việt Nam hỗ trợ về công nghệ và chuyên gia nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho người dân châu lục.

Ba là, về hợp tác văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân và du lịch, hai bên sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch, giao lưu văn hóa nhân các sự kiện quan trọng của mỗi bên, tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhằm thắt chặt tình hữu nghị và gia tăng hiểu biết giữa người dân Việt Nam và châu Phi cũng như thúc đẩy du lịch, lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai bên.

Trong lĩnh vực truyền thông, hạ tầng số, Tập đoàn Công nghiệp và Viễn thông Quân đội (Viettel) của Việt Nam đã triển khai nhiều dự án đầu tư rất thành công ở châu Phi như tại Burundi, Mozambique và Tanzania... (Nguồn: O.Económico)

Trong lĩnh vực truyền thông, hạ tầng số, Tập đoàn Công nghiệp và Viễn thông Quân đội (Viettel) của Việt Nam đã triển khai nhiều dự án đầu tư rất thành công ở châu Phi như tại Burundi, Mozambique và Tanzania... (Nguồn: O.Económico)

Trên nền tảng vững chắc của mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai bên, với kết quả hợp tác tích cực trong những năm vừa qua, sự ủng hộ, quyết tâm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, AU, các nước thành viên và nhân dân, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - AU trên những tầm cao mới, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững của mỗi bên, mỗi khu vực.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Liên minh châu Phi (AU) có tiền thân là Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) được thành lập vào năm 1963 tại Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với 32 quốc gia thành viên sáng lập. AU hiện nay đã quy tụ toàn bộ 55 quốc gia châu Phi với diện tích 29,7 triệu km2, dân số khoảng 1,4 tỷ người và GDP khoảng 3.000 tỷ USD. AU đã thiết lập quan hệ với 119 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có các nước ASEAN như Cambodia, Indonesia và Singapore.

Tháng 8/2018, nhân chuyến thăm Trụ sở AU tại Ethiopia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hai bên đã nhất trí thúc đẩy việc thiết lập quan hệ chính thức. Sau quá trình tham vấn, trao đổi thống nhất giữa hai bên, ngày 15/12/2023, Đại sứ Việt Nam tại Tanzania, kiêm nhiệm Ethiopia Nguyễn Nam Tiến đã trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lên Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) Moussa Faki Mahamat, trở thành đại diện Việt Nam tại AU, qua đó hoàn tất việc thiết lập quan hệ chính thức với AU.

Nhất Phong

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/buoc-phat-trien-moi-trong-quan-he-viet-nam-chau-phi-260059.html
Zalo