Bước ngoặt thuế quan của Mỹ - Bài cuối: 'Ngày Giải phóng'
Quan chức Mỹ gợi ý họ sẽ dựa trên một số biện pháp để áp dụng thuế quan 'có đi có lại', bao gồm thuế suất của các quốc gia khác, chính sách thuế và quản lý tiền tệ. Nhưng chưa có biện pháp rõ ràng.

Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Foster City, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Đồng quan điểm với bài viết trên tờ Wall Street Journal, theo bài viết có tiêu đề tạm dịch là ‘Ngày giải phóng’ của ông Trump sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ" của The Economist, một loạt mức thuế quan "có đi có lại" dự kiến được Mỹ công bố vào ngày 2/4 sẽ không những không mang lại lợi ích thực sự cho nước Mỹ mà còn gây tổn hại đến tăng trưởng, lạm phát và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.
Ông Trump đã hứa rằng “Ngày giải phóng” sẽ đánh dấu một bước ngoặt khi nước Mỹ bắt đầu giành lại sự tôn trọng và tiền bạc đã mất trong nhiều thập kỷ. Trên thực tế, sẽ không có gì đảm bảo điều đó. Trong hai tháng kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ đưa mức thuế quan chung của Mỹ lên mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Một số chuyên gia cho rằng điều này nhiều khả năng khiến đất nước tăng trưởng chậm hơn, lạm phát cao hơn, bất bình đẳng nhiều hơn và rất có thể là rắc rối về tài chính.
Mọi thứ sẽ tệ đến mức nào? Kết quả có thể sẽ là một hỗn hợp các mức thuế quan khác nhau, có thể là các bậc thuế khác nhau được áp dụng cho từng quốc gia. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói rằng Nhà Trắng sẽ chủ yếu nhắm vào nhóm “Dirty 15”, hay khoảng 15% các quốc gia mà theo ông có mức thuế quan đáng kể đối với Mỹ. Các mục tiêu có thể đến từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ khi họ liệt kê 21 nền kinh tế có thặng dư thương mại hàng hóa lớn với “chú Sam”, bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
Các quan chức Mỹ đã gợi ý rằng họ sẽ dựa trên một số biện pháp để áp dụng thuế quan "có đi có lại", bao gồm thuế suất của các quốc gia khác, chính sách thuế và quản lý tiền tệ. Nhưng không có biện pháp nào rõ ràng.
Dù sao đi nữa, một vài điều có vẻ đã rất rõ ràng. Rõ ràng nhất là ông Trump quyết tâm tăng thuế để tái thiết mô hình kinh tế Mỹ, hay nói chính xác hơn là để kéo lùi nó lại một thế kỷ. Với nhiều đợt thuế quan đã áp dụng đối với Trung Quốc, Canada và Mexico - ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - cộng với mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu được công bố vào tuần trước, dự kiến có hiệu lực vào ngày 3/4, ông Trump đã nâng mức thuế quan thực tế của Mỹ lên khoảng 8%, tăng từ 2% vào năm ngoái. Đây là mức cao nhất kể từ những năm 1940. Bất cứ điều gì ông làm vào “Ngày Giải phóng” đều sẽ khiến thuế tăng cao hơn.
Thị trường chứng khoán đang chững lại không khiến ông Trump lo lắng như trong nhiệm kỳ đầu của mình. Ông tin rằng mình đang làm điều cần thiết để xây dựng lại ngành sản xuất của Mỹ. Và “Ngày Giải phóng” gần như chắc chắn không phải là kết thúc. Ông Trump đã nói về nhiều mức thuế quan theo ngành hơn, bao gồm mọi thứ từ chất bán dẫn đến dược phẩm. Nếu các quốc gia khác trả đũa, như họ sẽ làm, ông Trump tuyên bố sẽ đáp trả. Một số người tin rằng cuối cùng ông muốn đưa các quốc gia vào bàn đàm phán, để thiết lập lại quan hệ kinh tế. Chuyên gia Chris Desmond của PwC dự đoán rằng: “Mục tiêu thực sự, giống như với Mexico và Canada, là đàm phán các thỏa thuận thương mại”.
Bất kể chi tiết về chiến lược lớn của ông Trump là gì, tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm lại. Mặc dù các quốc gia phụ thuộc vào thương mại với Mỹ - đặc biệt là Canada và Mexico - sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn, nhưng “chú Sam” không miễn nhiễm với tình trạng gián đoạn thương mại. Tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Lạm phát cũng sẽ tăng, đặc biệt là trong ngắn hạn. Deutsche Bank tính toán rằng nếu ông Trump áp dụng mức thuế tối đa, lạm phát có thể tăng thêm 1,2 điểm phần trăm, đạt trên 3% theo năm. Các cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng nghĩ rằng lạm phát có thể lên tới 5% trong năm tới.
Trong khi đó, với việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn đang vật lộn để đưa lạm phát xuống mức bình thường trước đại dịch, chi phí nhập khẩu cao hơn sẽ làm phức tạp thêm vấn đề, khiến các nhà hoạch định chính sách cảnh giác với việc cắt giảm lãi suất mặc dù tăng trưởng đang chậm lại. Sau đó là hậu quả về mặt phân phối. Phần lớn tiền lương của người lao động thu nhập thấp được dùng để tiêu dùng và phần lớn chi tiêu của họ là cho các mặt hàng thiết yếu như quần áo và thực phẩm, sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
Tổng thống Trump nói về thuế quan như một nguồn thu nhập dồi dào cho chính phủ. Tuy nhiên, có một nghịch lý ở đây. Nếu thuế quan khuyến khích các công ty chuyển nhà máy sang Mỹ, điều đó sẽ làm giảm nguồn thu mà các khoản thuế mang lại. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đã xem xét đề xuất ban đầu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử về mức thuế quan 60% đối với Trung Quốc và 10% đối với phần còn lại của thế giới. Văn phòng kết luận các mức thuế này sẽ làm giảm thâm hụt ngân sách của Mỹ khoảng 2.700 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Dù vậy, đó không phải là điểm kết thúc của câu chuyện. Thuế quan gây ra những biến dạng kinh tế lớn. Lợi ích của chúng được nắm giữ bởi những nhà sản xuất kém hiệu quả. Ngoài ra còn có mối quan tâm chính trị. Với niềm tin vững chắc rằng thuế quan là nguồn thu nhập, ông Trump muốn sử dụng chúng để giúp trang trải chi phí cắt giảm thuế mạnh tay vào cuối năm nay. Các khoản cắt giảm này sẽ diễn ra vào thời điểm thâm hụt ngân sách của Mỹ đã ở mức cao. Nếu Mỹ trở nên phụ thuộc vào nguồn thu thuế quan, chúng sẽ khó bị xóa bỏ hơn, bất chấp chi phí kinh tế của chúng.