Bước ngoặt nhận thức về giáo dục công dân tại Việt Nam đầu thế kỷ XX

Trước sự tiếp biến với văn hóa phương Tây, xã hội Việt Nam đã dần chuyển đổi từ ý thức thần dân sang công dân, đề cao trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng.

 PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - nguyên Viện phó Viện Văn học - chia sẻ tại buổi ra mắt sách Công dân giáo dục sáng ngày 26/11. Ảnh: Đức Huy.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - nguyên Viện phó Viện Văn học - chia sẻ tại buổi ra mắt sách Công dân giáo dục sáng ngày 26/11. Ảnh: Đức Huy.

Việc chuyển đổi từ ý thức thần dân sang ý thức công dân tại Việt Nam là một trong những bước ngoặt tư tưởng quan trọng của thế kỷ 20 được thể hiện rõ nét qua các bài viết của tác giả Hoàng Đạo trên tờ báo Ngày Nay giai đoạn 1939 - 1940.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - nguyên Viện phó Viện Văn học - loạt bài về chủ đề Công dân giáo dục của Hoàng Đạo không chỉ phản ánh sự tiếp xúc văn hóa Đông Tây mà còn đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong nhận thức về quyền và nghĩa vụ của con người trong xã hội hiện đại.

Trước thế kỷ 20, người Việt Nam chủ yếu sống dưới chế độ phong kiến, nơi ý thức thần dân chi phối mọi mặt đời sống. PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn nhận định: “Con người phải tuân theo phận vị trong Nho giáo đề ra. Dù có khó khăn, họ chỉ biết phục tùng, chấp nhận số phận”. Hệ tư tưởng này không chỉ ràng buộc cá nhân trong khuôn khổ gia đình và xã hội mà còn hạn chế sự phát triển tự do và trách nhiệm của mỗi người. Do đó, ý thức công dân chưa thực sự được khai mở.

Bước sang thế kỷ 20, quá trình giao thoa văn hóa Đông Tây và sự tiếp xúc với các tư tưởng dân chủ phương Tây đã tạo điều kiện cho sự chuyển biến nhận thức trong xã hội Việt Nam. Loạt bài viết của tác giả Hoàng Đạo trên báo Ngày Nay đã góp phần truyền bá những giá trị mới, đặc biệt là ý thức công dân. Nhà văn Hoàng Đạo nhấn mạnh vai trò của một công dân trong việc xây dựng xã hội: “Công dân là người có trách nhiệm, đồng thời có nghĩa vụ. Họ không chỉ sống cho bản thân mà còn vì cộng đồng, trong khuôn khổ các chuẩn mực và khế ước xã hội”.

Các bài viết của tác giả Hoàng Đạo không dừng lại ở việc kêu gọi thay đổi tư duy mà còn đi sâu vào việc phân tích nguyên tắc làm người. Ông đề cập đến tự do cá nhân không phải là tự do vô điều kiện, mà cần được đặt trong mối tương quan với quyền lợi của cộng đồng.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn cho rằng những thông điệp của tác giả Hoàng Đạo hay các nhà tư tưởng đầu thế kỷ 20 có thể khai thác thêm. Đặc biệt trong thời kỳ đất nước đang hướng tới một kỷ nguyên mới, Việt Nam cần nhìn nhận lại các di sản văn hóa từ giai đoạn tiếp biến này. Từ đó, các nhà hoạch định có thể rút ra những bài học quan trọng trong việc gìn giữ văn hóa trước làn sóng hội nhập.

“Chúng ta đang bù đắp những khoảng trống văn hóa và văn học sử qua việc tái khám phá các giá trị từng bị lãng quên, như phong trào Thơ mới hay các bài viết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn”, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn nói.

 Cuốn sách Công dân Giáo dục được PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn, tập hợp các bài viết của tác giả Hoàng Đạo về chủ đề ý thức công dân. Ảnh: Đức Huy.

Cuốn sách Công dân Giáo dục được PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn, tập hợp các bài viết của tác giả Hoàng Đạo về chủ đề ý thức công dân. Ảnh: Đức Huy.

Việc tái xuất bản và nghiên cứu những di sản này, bao gồm cả các bài viết của cây bút Hoàng Đạo, góp phần làm sáng tỏ những giá trị lịch sử. Ý thức công dân mà Hoàng Đạo truyền tải, với trọng tâm là tự do, trách nhiệm và khế ước xã hội, vẫn mang tính thời sự trong bối cảnh hiện tại.

Những tư tưởng của Hoàng Đạo về quyền và nghĩa vụ công dân không chỉ giúp người Việt Nam đầu thế kỷ 20 thức tỉnh mà còn là bài học quý báu cho thời đại ngày nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc xây dựng một xã hội dựa trên ý thức công dân mạnh mẽ là điều kiện để phát triển bền vững.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/buoc-ngoat-nhan-thuc-ve-giao-duc-cong-dan-tai-viet-nam-dau-the-ky-xx-post1513878.html
Zalo