Bước ngoặt mới cho hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Guinea-Bissau

Nhân dịp Tổng thống Cộng hòa Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló cùng Phu nhân thăm chính thức Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Morocco kiêm nhiệm Guinea-Bissau Lê Kim Quy đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về ý nghĩa chuyến thăm cũng như những hướng phát triển quan hệ song phương thời gian tới.

Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-8/9. (Nguồn: ecowas.int)

Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-8/9. (Nguồn: ecowas.int)

Xin Đại sứ đánh giá mục đích và ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló?

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embaló cùng Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-8/9. Chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với cả Việt Nam và Guinea-Bissau, thể hiện ở các điểm chính như sau:

Việc đón Tổng thống Cộng hòa Guinea-Bissau là bước triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng về độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Chuyến thăm cũng góp phần thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025".

Chuyến thăm của Tổng thống Umaro Sissoco Embaló đánh dấu việc nối lại hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước sau tròn 3 thập niên, là chuyến thăm cấp nguyên thủ đầu tiên giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Chuyến thăm mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Guinea-Bissau, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đón Tổng thống Guinea-Bissau ngay trong những tháng đầu trên cương vị mới thể hiện sự coi trọng, tình cảm gắn bó, thủy chung của Việt Nam đối với Guinea-Bissau nói riêng và các nước bạn bè truyền thống châu Phi nói chung. Khởi nguồn từ sự ủng hộ chí tình dành cho nhau trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu lục không ngừng được củng cố, vun đắp trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, trở thành hình mẫu và minh chứng cho sức mạnh của hợp tác Nam-Nam.

Việt Nam và Guinea-Bissau thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/9/1973. Đâu là những điểm nhấn nổi bật của quan hệ song phương trong hơn 5 thập niên qua, thưa Đại sứ?

Việt Nam và Guinea-Bissau chính thức lập quan hệ ngoại giao ngày 30/9/1973, tức chỉ một tuần sau khi Guinea-Bissau tuyên bố độc lập và Việt Nam đang trong thời kỳ kháng chiến thống nhất đất nước.

Trong hơn 5 thập niên qua, hai nước duy trì quan hệ chính trị tốt đẹp. Hai bên đã tiến hành trao đổi đoàn, trong đó có cấp cao từ cuối những năm 1970. Guinea-Bissau tích cực ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn đa phương. Tháng 7 vừa qua, Guinea-Bissau là một trong hai nước châu Phi cử đoàn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong lĩnh vực kinh tế, nổi bật là hợp tác thương mại song phương. Mặc dù còn khiêm tốn nhưng kim ngạch trao đổi giữa Việt Nam và Guinea-Bissau không ngừng tăng, từ 56,1 triệu USD năm 2020 lên gần 170 triệu USD năm 2023. Guinea-Bissau hiện là một trong 5 nước châu Phi cung ứng điều nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Guinea-Bissau.

Tuy nhiên, hợp tác giữa hai nước còn chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của mỗi bên.

Nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 7 vừa qua, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Guinea-Bissau Nancy Raisa Cardoso khẳng định, Guinea-Bissau coi Việt Nam là đối tác hợp tác ưu tiên trong chính sách đối ngoại và sẵn sàng mở rộng hợp tác thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới.

Chuyến thăm lần này của Tổng thống Umaro Sissoco Embaló là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức tháng 2/2020 và diễn ra trong bối cảnh hai nước mới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2023. Chuyến thăm không chỉ là cơ hội để hai bên đánh giá lại chặng đường đã qua mà được kỳ vọng tạo bước ngoặt mới cho quan hệ hợp tác nhiều mặt trong thời gian tới.

Đại sứ Lê Kim Quy trình bản sao Thư ủy nhiệm lên Bộ trưởng Ngoại giao, hợp tác châu Phi và người Morocco ở nước ngoài Nasser Bourita, tháng 3/2024. (Ảnh: TT)

Đại sứ Lê Kim Quy trình bản sao Thư ủy nhiệm lên Bộ trưởng Ngoại giao, hợp tác châu Phi và người Morocco ở nước ngoài Nasser Bourita, tháng 3/2024. (Ảnh: TT)

Như trên Đại sứ có nhắc tới, trong chuyến thăm Việt Nam và viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 vừa qua, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Guinea-Bissau Nancy Raisa Cardoso khẳng định, Guinea-Bissau luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, mong muốn tăng cường hợp tác hiệu quả giữa hai nước và hai Bộ Ngoại giao nhằm tạo đột phá cho hợp tác song phương. Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để tạo đột phá cho hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực chủ chốt như kinh tế, thương mại, nông nghiệp?

Quan hệ chính trị tốt đẹp là tài sản chung, vốn quý giữa hai nước, cần tiếp tục được củng cố và phát huy, tạo nền tảng và xung lực cho việc mở rộng quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là kinh tế.

Trên cơ sở đó, hai bên cần tích cực thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, trong đó có đoàn các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương để tăng cường hiểu biết và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh của nhau.

Hai bên cũng cần phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ nhau tăng cường hợp tác ở cấp độ khu vực như Liên minh châu Phi, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), ASEAN…

Hai bên cùng xác định những lĩnh vực hợp tác ưu tiên, phù hợp với nhu cầu và thế mạnh mỗi bên như thương mại, nông nghiệp, vận tải biển, hạ tầng… Để góp phần đa dạng hóa nguồn lực, bên cạnh khuôn khổ song phương, hai bên nghiên cứu thúc đẩy hợp tác theo mô hình ba, bốn bên.

"Quan hệ chính trị tốt đẹp là tài sản chung, vốn quý giữa hai nước, cần tiếp tục được củng cố và phát huy, tạo nền tảng và xung lực cho việc mở rộng quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là kinh tế".

Về trao đổi thương mại, bên cạnh mặt hàng chủ lực như hạt điều, hai bên cần tạo điều kiện trong việc tiếp cận thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng trao đổi như nông sản, dệt may, máy móc nông nghiệp…

Hai bên cũng cần tăng cường khuôn khổ pháp lý cho hợp tác thông qua thúc đẩy đàm phán, ký kết các văn kiện quan trọng về thương mại, nông nghiệp, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần…

Để góp phần triển khai các định hướng lớn này, Bộ Ngoại giao hai nước cần tiếp tục chủ động, tích cực phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, cầu nối, tham mưu, phối hợp và đồng hành hỗ trợ các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương hai bên trong triển khai hợp tác.

Vậy Đại sứ quán đã có kế hoạch gì nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin, tạo cơ hội hợp tác, và kết nối doanh nghiệp giữa hai nước?

Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển được xác định là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của ngành Ngoại giao nói chung, mỗi Cơ quan đại diện nói riêng. Quán triệt chủ trương chung đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco kiêm nhiệm Guinea-Bissau sẽ chú trọng đưa nội dung hợp tác kinh tế vào các hoạt động đối ngoại, nhất là hoạt động trao đổi đoàn các cấp.

Đại sứ quán luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá cũng như xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh.

Bên cạnh đó, Cơ quan sẽ phát huy vai trò trong công tác nghiên cứu, thông tin, tư vấn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong hợp tác với các đối tác Guinea-Bissau.

Đại sứ quán cũng sẽ là nhân tố tích cực trong thúc đẩy đàm phán, ký kết văn kiện hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực.

Trong khi hai nước chưa mở Đại sứ quán tại thủ đô của nhau, Đại sứ quán sẽ tích cực tìm kiếm, tiến cử Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Guinea-Bissau trong thời gian tới.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/buoc-ngoat-moi-cho-hop-tac-nhieu-mat-giua-viet-nam-va-guinea-bissau-285061.html
Zalo