'Bước ngoặt lịch sử' trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ

Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris sắp bước vào cuộc tranh luận gay cấn trên ABC vào ngày 10/9. Sự kiện này được đánh giá là 'bước ngoặt lịch sử' trong một kỳ bầu cử đầy bất ngờ.

Vào tháng 6, Tổng thống Joe Biden đã hy vọng cuộc tranh luận với cựu Tổng thống Donald Trump sẽ giúp xoay chuyển cuộc đua vốn đang dần trượt khỏi tầm kiểm soát của ông.

Giờ đây, ông Trump cũng có thể phải đặt cược “ván bài” tương tự sau khi thay đổi quyết định và đồng ý tham gia cuộc tranh luận trên ABC vào tháng 9, nhằm ngăn cản đà tiến mạnh mẽ của bà Kamala Harris - đối thủ mới từ đảng Dân chủ.

CNN nhận định dù ông Trump có thể không rơi vào thế bế tắc như ông Biden, việc thay đổi quyết định và đề nghị tiến hành thêm hai cuộc tranh luận trên NBC và Fox News, cho thấy cựu tổng thống đang đối mặt một thực tế mới trong cuộc bầu cử lần này.

Sau một tuần bùng nổ với bà Harris và người đồng hành mới - Thống đốc bang Minnesota Tim Walz - ông Trump đột nhiên trông như những bản tin đã cũ. Trải nghiệm này có thể tạo áp lực nặng nề lên một cựu tổng thống luôn tự hào về khả năng thu hút dư luận.

Thách thức lớn cho cả hai ứng viên

Cuộc tranh luận ngày 10/9 có thể sẽ rất căng thẳng. Tính chất gấp rút của chiến dịch mới cũng có khả năng tạo ra một bước ngoặt lịch sử khác trên con đường đến Nhà Trắng.

Cuộc đối đầu sắp tới đặt ra thử thách lớn cho bà Harris. Phó tổng thống từng có nhiều thành tích tranh luận, cho thấy phong thái tự tin trong các sự kiện đầu chiến dịch tranh cử năm 2020. Tuy nhiên, trong một số sự kiện sau đó, bà Harris lại có màn thể hiện kém ấn tượng hơn. Thái độ lúng túng khi được yêu cầu giải thích lập trường hoặc trả lời câu hỏi khó từ phóng viên đã trở thành điều gây thất vọng trong sự nghiệp chính trị của bà.

Song bà Harris đang cho thấy màn trình diễn tự tin hơn với vai trò ứng cử viên đảng Dân chủ. Sau 4 năm, bà đã trở thành một chính trị gia giàu kinh nghiệm hơn và những người ủng hộ rất mong chờ bà tận dụng kỹ năng công tố viên để đối đầu với cựu tổng thống từng 4 lần bị truy tố.

Bà Harris đã chế giễu ông Trump vì thay đổi quyết định tham gia cuộc tranh luận trên ABC và khẳng định sẵn sàng thảo luận về cuộc đối đầu thứ hai.

“Tôi rất vui vì cuối cùng ông ấy đã đồng ý tham gia cuộc tranh luận ngày 10/9. Tôi mong chờ nó và hy vọng ông ấy sẽ xuất hiện”, bà nói với các phóng viên ở Detroit.

Sau khi bà Harris đảo ngược tình thế của đảng Dân chủ trong chưa đầy 3 tuần, ông Trump dường như vẫn đang loay hoay tìm cách phản công hiệu quả.

Cựu tổng thống tiếc nuối cuộc đua với ông Biden và phủ nhận thành công ban đầu của bộ đôi mới từ đảng Dân chủ. Khi được hỏi tại sao không tích cực vận động hơn, ông Trump lập luận: “Tôi đang dẫn trước rất nhiều. Tôi sẽ để cho đại hội của họ diễn ra”.

Ông khẳng định bản thân không “phải điều chỉnh lại chiến lược gì", đồng thời lặp lại các lập luận rằng nước Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách mở cửa biên giới và tình trạng tội phạm nhập cư.

Song ngày càng nhiều tín hiệu cho thấy chiến dịch của ông Trump cần được khởi động lại. Bà Harris đã xóa bỏ lợi thế trước đây của cựu tổng thống trước ông Biden. Theo cuộc thăm dò mới nhất của CNN, cuộc đua hiện rất sát sao. Cuộc thăm dò mới được Đại học Marquette công bố hôm 8/8 cũng cho thấy bà Harris đang dẫn trước ông Trump với cách biệt 52% - 48% trên toàn quốc.

 Chiến dịch của ông Trump đang loay hoay tìm chiến lược mới. Ảnh: New York Times.

Chiến dịch của ông Trump đang loay hoay tìm chiến lược mới. Ảnh: New York Times.

Trên thực tế, ông Trump không thiếu luận điểm để chống lại bộ đôi Harris - Walz. Hàng triệu người Mỹ đang gặp khó khăn vì giá cả tăng cao và tình trạng bất an kinh tế. Thế giới ngày càng nguy hiểm hơn và quyền lực của Washington đang bị thách thức. Bà Harris cũng có mối liên hệ mật thiết với các chính sách không được lòng dân của chính quyền đương nhiệm.

Đội ngũ mới của đảng Dân chủ chưa đưa ra chính sách cụ thể để giải quyết những vấn đề này, và phó tổng thống vẫn chưa trả lời các câu hỏi chi tiết từ phóng viên hoặc thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình.

Trong khi đó, nhiều cử tri Cộng hòa và cử tri độc lập có xu hướng bảo thủ đang dần tiếp nhận lập luận của ông Trump về cuộc khủng hoảng biên giới phía nam, ngay cả khi số lượng người nhập cư không giấy tờ đã giảm bớt từ khi chính quyền ông Biden thắt chặt chính sách hồi đầu năm nay.

Tuy nhiên, ông Trump chưa khai thác được các điểm này khi còn bận trầm ngâm với những bất bình cá nhân. Điều đó được thể hiện rõ trong cuộc họp báo thiếu trọng tâm tại dinh thự của cựu tổng thống ở Florida, hôm 8/8.

Tại buổi họp báo, ông khăng khăng chỉ trích việc đảng Dân chủ thay đổi ứng viên là vi hiến. “Chúng ta có hiến pháp. Đó là tài liệu rất quan trọng mà chúng ta phải tuân theo”, ông nói.

Dường như ông Trump không nhận thức được sự mỉa mai khi bình luận này lại đến từ một cựu tổng thống từng cố gắng lật đổ kết quả bầu cử năm 2020, đe dọa nền dân chủ Mỹ, CNN nhận định.

Trong một tuyên bố, chiến dịch của bà Harris đang cố gắng tận dụng những phát ngôn của ông Trump để cho thấy ông đang mất phong độ.

“Ông Donald Trump đã tạm ngừng việc nghỉ ngơi và tổ chức một cuộc họp báo công khai trong cơn giận dữ”, tuyên bố viết. “Ông ấy đã không vận động (tranh cử) suốt cả tuần, cũng sẽ không đến một bang chiến địa nào trong tuần này. Nhưng rõ ràng ông ấy tức giận vì bà Kamala Harris và ông Tim Walz đang thu hút được đám đông lớn tại các bang chiến địa”.

Viễn cảnh u tối

Trong khi đó, cựu Tổng thống Trump tiếp tục trở lại với những thông điệp u ám. Đây là “thời kỳ nguy hiểm nhất mà tôi từng thấy đối với đất nước chúng ta”, ông nói, đồng thời cảnh báo một cuộc Đại suy thoái và Thế chiến 3 sẽ xảy ra nếu ông không đắc cử.

Dù có lo ngại về thời kỳ suy thoái kinh tế mới, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn đang ở mức 4,3% và tăng trưởng kinh tế ổn định. Không có nhà kinh tế học đáng tin cậy nào dự đoán tỷ lệ thất nghiệp có thể chạm mức 25% như thời kỳ Đại suy thoái vào thập niên 1930. Và dù quyền lực của Mỹ đang bị thách thức và các cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông hay Ukraine, không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc chiến toàn cầu thứ ba sắp xảy ra.

 Bà Harris và ông Walz vẫn còn nhiều thử thách phải đối mặt. Ảnh: New York Times.

Bà Harris và ông Walz vẫn còn nhiều thử thách phải đối mặt. Ảnh: New York Times.

Không khí chiến dịch năm nay đã thay đổi với tốc độ đáng kinh ngạc. Ba tuần trước, các cử tri Cộng hòa rời đại hội ở Milwaukee trong tâm thế hân hoan. Nhiều người dự đoán ông Trump sẽ có chiến thắng áp đảo nhờ phản ứng kiên quyết trong vụ ám sát hụt. Giờ đây, ông Trump dường như đang mắc kẹt.

Tuy nhiên, cựu tổng thống cũng sẽ không loay hoay quá lâu. Toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông là ví dụ điển hình về việc nắm bắt và sử dụng các mối đe dọa để tạo lợi thế chính trị.

Sau tất cả, đây là một cựu tổng thống, người đã sử dụng bức ảnh chụp tội phạm trong nhà tù ở Georgia để xây dựng một chiến dịch sơ bộ “nghiền nát” các đối thủ với lập luận rằng ông đang bị tấn công vì lợi ích chính trị.

Trong khi đó, tính đến nay, bà Harris mới chỉ thu hẹp khoảng cách và đưa cuộc đua về lại thế cân bằng. Con đường giành 270 phiếu đại cử tri của đảng Dân chủ vẫn còn nhiều thách thức.

Hôm 8/8, các trợ lý của ông Trump khẳng định sự khởi đầu mạnh mẽ của bà Harris là điều họ đã đoán trước.

“Họ đang ăn mừng vì giành lại được những cử tri mà họ lẽ ra phải có ngay từ đầu”, một quan chức nói với phóng viên. “Cả họ và chúng tôi đều biết các yếu tố cơ bản của cuộc đua vẫn không thay đổi”.

Đó là lý do nhiều cử tri Cộng hòa tin rằng ứng viên của họ sẽ sớm khẳng định lại vị thế.

“Thời kỳ trăng mật sẽ kết thúc”, ông Trump nhấn mạnh. Song có rất ít dấu hiệu cho thấy cựu tổng thống biết cách hiện thực hóa tuyên bố này.

Video hiện trường vụ tiêu diệt nghi phạm ám sát hụt ông Trump Video từ camera bodycam mới được công bố hôm 23/7 cho thấy cảnh sát địa phương và nhân viên mật vụ Mỹ đứng trên mái nhà, hiện trường vụ tiêu diệt tay súng ám sát hụt ông Trump.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/buoc-ngoat-lich-su-trong-ky-bau-cu-tong-thong-my-post1491225.html
Zalo