Bước đi đầu tiên quyết liệt tháo gỡ vướng mắc với hoạt động khoa học công nghệ

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển đất nước. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện hành còn nhiều vướng mắc, bó buộc các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Vì thế, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết lãnh đạo tháo gỡ và Chính phủ, Quốc hội đang có bước đi đầu tiên để quyết liệt tháo gỡ vấn đề này.

Nhận định về lý do khiến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua chưa phát triển mạnh mẽ, nhiều ý kiến cho rằng do vướng mắc quá nhiều về thể chế, pháp lý.

Sự bó buộc của pháp luật khiến các nhà khoa học không thể “bung” hết sức để nghiên cứu, hoặc kết quả nghiên cứu ra không được ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Nghiên cứu khoa học là hoạt động thường xuyên tại Nhà máy Z117, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Nghiên cứu khoa học là hoạt động thường xuyên tại Nhà máy Z117, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, phạm vi của các vấn đề liên quan tới khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quá lớn, đụng vào cái gì cũng khó khăn do vướng mắc bởi quy định của pháp luật. Đây là bài học cho thấy thể chế đúng là điểm nghẽn, gây cản trở sự phát triển.

Đề cập tới những vướng mắc cụ thể khiến khoa học, công nghệ chưa thể phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo quy định hiện hành, khi Nhà nước bỏ tiền ra chi cho công tác nghiên cứu khoa học thì kết quả nghiên cứu sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước. Khi kết quả nghiên cứu khoa học được trả về cho Nhà nước, nhiều kết quả chỉ “nằm trong ngăn kéo”, không đi được vào thực tiễn cuộc sống.

Vướng mắc thứ hai là quy định của pháp luật hiện hành không cho phép nhà khoa học, nhà nghiên cứu là viên chức nhà nước được tham gia sản xuất, kinh doanh. Do vậy, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu không thể được nhà khoa học, nhà nghiên cứu hiện thực hóa vào sản xuất, kinh doanh.

Vướng mắc thứ ba là trong nghiên cứu khoa học có rất nhiều rủi ro. Phó thủ tướng Thường trực nêu ví dụ, để làm ra một cái cốc, có khi phải làm tới 10 thí nghiệm, 9 thí nghiệm đầu thất bại, đến thí nghiệm thứ 10 mới thành công.

Vướng mắc thứ tư là pháp luật hiện hành chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học với rất nhiều quy định bó buộc. Trong khi đó, dù quy định của pháp luật yêu cầu Nhà nước phải dành từ 2-3% GDP cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, nhưng nguồn lực ấy cũng không thể đủ.

Vướng mắc thứ năm là pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở khoán chi phí nhân công trong nghiên cứu khoa học, công nghệ. Để triển khai nghiên cứu khoa học, công nghệ thì nhà khoa học, nhà nghiên cứu phải mua nguyên vật liệu. Mà mua nguyên vật liệu thì phải qua đấu thầu.

Cùng với đó, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng phải tập hợp hết mọi hóa đơn, chứng từ chứng minh các chi phí phục vụ cho hoạt động khoa học, công nghệ. Điều đó khiến cho “kết quả nghiên cứu khoa học có khi chỉ mỏng khoảng 100 trang, nhưng hồ sơ thanh toán lại dày cả gang tay”. Trong khi đó, “nhà khoa học vốn rất giỏi về khoa học, nhưng lại dở về thanh toán, có khi bị kỷ luật oan vì câu chuyện bất đắc dĩ phải làm”.

Tháo gỡ vướng mắc như thế nào?

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đều nhấn mạnh, vướng mắc về thể chế với hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số rất nhiều.

Tất cả những vấn đề đó đã được nhận diện trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, không thể giải quyết hết những vướng mắc ấy cùng một lúc, bởi phải sửa đổi rất nhiều luật chuyên ngành và luật có liên quan. Hơn nữa, chờ đợi sửa đổi các luật chuyên ngành, luật liên quan đòi hỏi phải có thời gian.

Do vậy, Chính phủ xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, trình Quốc hội quyết định theo thẩm quyền tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín để giải quyết những vướng mắc trước mắt.

“Đây là bước thứ nhất. Bước thứ hai, Chính phủ sẽ tiếp tục trình Quốc hội sửa đổi một loạt các luật, như Luật Ngân sách nhà nước, các luật thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ…”, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nói.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc tới 5 cơ chế đặc biệt để gỡ vướng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Đó là cơ chế trong phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cơ chế cho quản lý, quản trị hoạt động khoa học công nghệ; cơ chế cho các nhà khoa học có thể thương mại hóa các công trình khoa học; cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro với người soạn thảo, xây dựng chính sách; cơ chế thu hút nguồn nhân lực cho cả khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo nghị quyết của Quốc hội cho phép nhà khoa học là viên chức không phải trả kết quả nghiên cứu khoa học cho Nhà nước, mà được phép ứng dụng vào sản xuất ngay; nhà khoa học cũng được phép tham gia sản xuất kinh doanh để hiện thực hóa kết quả nghiên cứu của mình. Chúng ta lấy hiệu quả cuối cùng là kết quả nghiên cứu khoa học, thành tựu nghiên cứu khoa học mang lại lợi ích cho cuộc sống, làm hiệu quả xã hội.

Dự thảo nghị quyết cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số bằng cách cho phép tính chi phí nghiên cứu khoa học vào chi phí sản xuất và giảm trừ các loại thuế liên quan. Nhà khoa học cũng được khoán chi toàn diện các chi phí phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học.

Như vậy, nghị quyết thí điểm rất nhiều chính sách vượt trội nhằm khuyến khích các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Hy vọng dự thảo nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo bước phát triển mạnh mẽ về các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, để phục vụ cho mục tiêu trước mắt là tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm 2025 và lâu dài hơn là mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn sắp tới, đưa Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình thành công và bước vào hàng ngũ những nước phát triển, có thu nhập cao theo đúng lộ trình mà Đảng ta đã đề ra.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/buoc-di-dau-tien-quyet-liet-thao-go-vuong-mac-voi-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-5038102.html
Zalo