Bước đệm phát triển sau sáp nhập
Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi phường Hương Hồ và xã Hương Thọ (quận Phú Xuân) 'về chung một nhà' với tên gọi mới – phường Long Hồ. Việc sáp nhập 2 phường, xã này vừa tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mở ra nhiều cơ hội khai thác tối đa lợi thế du lịch, dịch vụ.
Với diện tích tự nhiên trên 80km², Long Hồ không chỉ là phường có diện tích lớn nhất của quận Phú Xuân mà còn có nhiều tiềm năng phát triển vượt bậc về kinh tế, du lịch và dịch vụ.
Chủ tịch UBND phường Long Hồ, ông Lê Văn Thìn thông tin: Sau sáp nhập, bộ máy hành chính nhanh chóng được kiện toàn, tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý và phục vụ người dân. Cấp trên đã chỉ định nhân sự, tổ chức bầu các chức danh chủ chốt trong Đảng ủy, HĐND và UBND phường, giúp đảm bảo tính liên tục trong công tác lãnh, chỉ đạo và điều hành.
Hiện phường có 39 cán bộ, công chức, chưa kể lực lượng cán bộ không chuyên trách. Để giảm bớt khó khăn trong hoạt động quản lý, thành phố, quận đã xây dựng phương án điều động công chức dôi dư sang các đơn vị khác, vừa giảm áp lực nhân sự, vừa đảm bảo tính hợp lý trong công việc chuyên môn.
Hầu hết người dân tại hai địa bàn sáp nhập đều bày tỏ sự đồng tình với việc thành lập phường Long Hồ. Bà Nguyễn Thị Lan, người dân tại Hương Hồ phấn khởi: “Tôi thấy việc sáp nhập là đúng đắn, giúp các cơ quan chính quyền tập trung nguồn lực để phục vụ tốt hơn cho bà con. Chúng tôi mong chính quyền tiếp tục quan tâm đến hạ tầng, nhất là giao thông và các tiện ích công cộng”.
Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, trước đó, chính quyền địa phương cũng tích cực đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Các tuyến đường giao thông, hệ thống chiếu sáng và trường học đã được nâng cấp, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Bên cạnh những thuận lợi, việc quản lý một địa bàn rộng lớn như phường Long Hồ cũng đặt ra nhiều thách thức. Ông Thìn cho hay: Địa hình phức tạp với nhiều diện tích rừng và đất đai rộng lớn khiến công tác quản lý đất đai trở thành một bài toán nan giải. Ngoài ra, người dân khu vực Hương Thọ (cũ) gặp không ít khó khăn khi có việc phải di chuyển đến trụ sở hành chính phường tại trung tâm để thực hiện các thủ tục hành chính. Việc đi lại trên Quốc lộ 1 với lưu lượng giao thông lớn gây nguy cơ mất an toàn cao.
“Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương đã kiến nghị các cấp sớm nghiên cứu xem xét xây dựng khu trung tâm hành chính phường tại TDP Hải Cát (Hương Thọ), nằm giáp ranh giữa hai khu vực. Trước đây, theo dự kiến quy hoạch phân khu, các cấp đã phê duyệt dự kiến khu trung tâm phường mới nằm ở đây. Điều này không chỉ thuận tiện hơn cho bà con mà còn giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước”, ông Thìn nói.
Tận dụng tiềm năng để bứt phá
Phường Long Hồ đặt mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng “Dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp”. Để hiện thực hóa điều này, chính quyền phường tập trung đẩy mạnh các chương trình phát triển dịch vụ, du lịch, phát triển các làng nghề truyền thống và du lịch sinh thái, hướng đến mô hình kinh tế xanh, an toàn, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho người dân sinh sống và phát triển ổn định.
Địa phương đang sở hữu nhiều điểm di tích lịch sử, các khu du lịch tâm linh và làng nghề tiểu thủ công nghiệp, là điều kiện lý tưởng để xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng. Việc kết nối các tour tham quan nhà vườn, làng nghề với các điểm du lịch, lăng tẩm được xem là giải pháp chiến lược nhằm thu hút du khách.
“Chúng tôi mong muốn được thành phố và quận hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, tạo việc làm cho người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống”, Chủ tịch UBND phường Long Hồ bày tỏ.
Ngoài ra, Long Hồ cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử và nâng cao hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính. Đây là bước đi phù hợp với xu thế phát triển, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho cả chính quyền và Nhân dân.
Năm 2025, Long Hồ phấn đấu thu ngân sách trên 11 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ bao phủ rừng trên 70% và giảm trên 8 hộ nghèo theo chuẩn đa chiều… Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp đồng bộ được phường đề ra. Trong đó, khuyến khích người dân tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn, áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích trồng các cây ăn quả đặc sản như bưởi, thanh trà. Song song, xây dựng nhãn hiệu OCOP cho các sản phẩm nông nghiệp sạch. Chính quyền địa phương cũng sẽ phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp, hộ gia đình có nhu cầu đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
“Phường sẽ đẩy mạnh công tác đấu giá đất để thu hút đầu tư vào hạ tầng cơ sở; triển khai có hiệu quả các dự án đã được cấp trên phê duyệt. Đồng thời, thúc đẩy khai thác có hiệu quả các khu nghỉ dưỡng sinh thái, các khu du lịch tâm linh; tập trung phát triển các loại hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng kết hợp với tham quan gia trại, trang trại, điểm di tích, cảnh quan trên địa bàn. Mục tiêu là vừa quảng bá văn hóa địa phương, vừa tạo thêm thu nhập cho người dân”, ông Thìn nói.