Bước chuyển mình của 'người kiến tạo hình thể'

Là môn thể thao xuất hiện khá sớm, nhưng phải sau dịch COVID-19 khi mọi người nhận ra sức khỏe là quan trọng nhất, phong trào tập gym mới vươn mình trở thành bộ môn thể hình có sức hút mạnh mẽ, nhất là với giới trẻ. Cùng với nhu cầu tập luyện phát triển, số phòng gym ở Huế và người làm nghề PT (huấn luyện viên cá nhân) cũng tăng nhanh.

Phong trào tập gym phát triển hơn từ sau đại dịch

Phong trào tập gym phát triển hơn từ sau đại dịch

Duyên với nghề

Có ngoại hình khá đậm, Phan Lê Anh Chương (sinh 1993) đến với gym ngoài nhu cầu rèn luyện sức khỏe còn vì tự ti về ngoại hình. Chương chọn gym từ năm mới vào lớp 10 nhưng không trụ được bao lâu. Cho đến khi trở thành sinh viên năm 3 Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế, Chương bị tai nạn đứt dây chằng trong chuyến thực tập, một lần nữa lại tìm đến với gym để phục hồi chức năng. Khi vết thương khỏi hẳn, cơ thể cũng thay đổi theo hướng tích cực và nhận ra giá trị thực tiễn mà gym mang lại, Chương gắn kết luôn với bộ môn này. Rồi có lẽ cũng vì “duyên”, Chương không theo nghề y mà trở thành một PT chuyên nghiệp.

PT là một nghề dễ vào nhưng khó đi xa. Trước đây, việc trở thành một PT khá đơn giản, chỉ cần có một ngoại hình đẹp, biết một số bài tập cơ bản cộng một ít kinh nghiệm, một ít thời gian gắn bó với gym… là có thể hành nghề. Cũng có những huấn luận viên được đào tạo bài bản nhưng người theo nghề làm PT chuyên nghiệp ở Huế không nhiều. Chỉ gần đây khi nhu cầu tập luyện lên cao, số lượng PT mới phát triển và tăng khá nhanh. Các khóa huấn luyện PT cũng xuất hiện và thu hút học viên. Các phòng gym vì nhu cầu khách hàng ngày càng chú trọng đến chất lượng dịch vụ, nên yêu cầu PT phải có chứng chỉ đào tạo chuyên nghiệp, bảo đảm kiến thức và kỹ năng. Nhưng, không phải phòng gym nào cũng đáp ứng được yêu cầu của “thượng đế”.

Anh Chương cho biết: “Hiện nay, để hành nghề các PT phải đảm bảo nhiều yêu cầu hơn so với trước. Đầu tiên vẫn là hình thể đẹp để tạo động lực và sự tin tưởng cho khách hàng, tiếp đến là chất lượng chuyên môn. Ngoài thể hình, các PT còn cần phải có các chứng chỉ hành nghề từ Liên đoàn Cử tạ, Thể hình Việt Nam, chứng chỉ bằng cấp của một số trung tâm tổ chức có tiếng của nước ngoài”. Huấn luyện viên ngoài kiến thức về bài tập thể hình còn phải có kiến thức về cơ thể học và một chút hiểu biết về y học. Từ đó, mới xác định được học viên của mình cần những bài tập gì, động tác nào, nên ăn uống theo chế độ ra sao để đem lại kết quả tốt nhất cho người theo tập.

Đào Minh Cường, sinh viên năm 3 Khoa Ngữ văn, chuyên ngành Hán Nôm (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) cho biết, bản thân bị đau lưng do ngồi sai cách trong thời gian dài. “Lúc ấy em vô tình thấy quảng cáo dịch vụ giãn cơ của các phòng gym ở trên facebook nên có đăng ký thử. Sau một thời gian ngắn nhìn thấy sự hiệu quả của các dịch vụ ở đây, em dần tò mò về bộ môn này rồi bắt đầu dấn thân vào lúc nào không hay”, Cường chia sẻ.

Với Hoàng Trần Trọng An, một người từng bị liệt vì thoát vị đĩa đệm, gym vừa là đam mê, vừa là phương thuốc giúp anh chữa bệnh. Sau khi vượt qua bệnh tật, Trọng An không chỉ trở thành một vận động viên Powerlifting, từng đạt top 3 cuộc thi Vietnam Powerlifting Competition 2 năm liền (2023, 2024), mà còn trở thành một PT chuyên nghiệp. Bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên môn về hình thể, An dành thời gian để theo học các khóa về cơ thể như Chứng chỉ Huấn luyện viên thể hình và Thẩm mỹ cơ thể của NASM (NASM Certificate of Bodybuilding and Physique - một chứng chỉ chuyên biệt do Học viện Y học Thể thao Quốc gia (NASM) của Hoa Kỳ cấp).

Sẽ tạo điều kiện nếu muốn tham gia các cuộc thi

Làm một vận động viên thể hình thì dễ, còn làm huấn luyện viên thể hình đúng nghĩa thì không hề dễ, đây là điều mà bất cứ ai trong nghề đều hiểu. Sự khác biệt ở đây là vận động viên quan tâm nhất cơ thể của bản thân, còn với huấn luyện viên, cơ thể của khách hàng mới là ưu tiên hàng đầu. Để trở thành một PT tốt không chỉ cần kỹ năng hay kiến thức chuyên môn, mà còn cần khả năng giao tiếp hiệu quả để truyền đạt kiến thức, tạo động lực và xây dựng mối quan hệ tốt với học viên. Nhiều người đi tập gym thường tự ti về hình thể hay có rào cản sức khỏe, bản thân không tự vượt qua được mới tìm đến huấn luyện viên. Chính vì vậy, sự giao tiếp, cảm thông của huấn luyện viên rất quan trọng để tiếp thêm động lực, đồng hành cùng học viên trong quá trình thay đổi bản thân. “Điều tiên quyết để có thể trở thành một PT tốt là phải đặt tâm lên đầu, thực sự mong muốn giúp đỡ cho khách hàng đẹp hơn về thể hình và cải thiện tốt sức khỏe”, anh Chương nhấn mạnh.

Theo đánh giá của giới chuyên môn và những người yêu thích tập gym, so với mặt bằng chung, phong trào tập gym ở Huế không thua bất kỳ tỉnh, thành nào. Thế nhưng, về “độ mạnh” thì có phần kém hơn. Ông Huỳnh Quốc Việt, Trưởng phòng Quản lý Thể dục Thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Huế cho biết: “Phong trào tập gym của Huế đang phát triển rất tốt, tuy nhiên, tại các cuộc thi thì chưa có thành tích quá xuất sắc”. Điều này khá dễ hiểu khi các trung tâm thể hình đều do tư nhân mở ra, là hoạt động nghiêng về làm kinh tế, dẫn đến huấn luyện viên các bộ môn như thể hình, cử tạ, powerlifting… đa phần chắp vá, thiếu hẳn sự chuyên nghiệp nhất định. Không như các môn Karate, Taekwondo…, gym là một môn tự phát, không nằm trong danh mục các môn đào tạo của ngành văn hóa thể thao. Chính vì vậy, quá trình tập luyện hay tập hợp đội tuyển đều là các phòng gym tự chọn người, tự đăng ký đi thi đấu.

“Mặc dù vậy, nếu có một đội nào đó muốn thi đấu dưới tên của thành phố, Sở sẽ tạo điều kiện hết sức để họ có thể thuận lợi trở thành bộ mặt Cố đô để tham gia cuộc thi”, ông Việt khẳng định.

Bài, ảnh: PHẠM PHƯỚC CHÂU

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/buoc-chuyen-minh-cua-nguoi-kien-tao-hinh-the-153261.html
Zalo