Bước chuyển mang tính cách mạng về tác chiến trong xung đột Nga-Ukraine
Thiết bị bay không người lái (UAV) điều khiển bằng cáp quang có thể xâm nhập hơn 20 km vào tuyến phòng thủ của kẻ thù mà không bị phát hiện bởi hệ thống tác chiến điện tử.
Thiết bị bay không người lái (UAV) điều khiển bằng cáp quang, có khả năng xâm nhập 20 km vào tuyến phòng thủ của đối phương và tấn công mục tiêu với hình ảnh độ phân giải cao, đã trở thành công cụ quan trọng trong xung đột Nga-Ukraine.
Với tầm hoạt động lên đến 20 km, những thiết bị bay không người lái này bay ở độ cao thấp, tránh bị phát hiện và đánh chặn.
Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đã thu thập thông tin về thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang được sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine từ các nguồn mở và phát hiện thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang đã tạo ra bước chuyển mang tính cách mạng về tác chiến trong xung đột Nga-Ukraine.
Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi, ngày 5/1 thông báo rằng Ukraine đã tấn công hơn 54.000 mục tiêu của Liên bang Nga trong tháng 12/2024, với 49% các cuộc tấn công này được thực hiện bằng thiết bị bay không người lái cảm tử.
Tướng Syrskyi lưu ý rằng việc Liên bang Nga gia tăng sử dụng thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang gây ra rủi ro đáng kể đối với an ninh của binh sĩ và Ukraine cũng đã bắt đầu triển khai công nghệ tương tự.
Xem video ghi lại hình ảnh về cuộc đấu giữ các thiết bị bay không người lái của Liên bang Nga và của Ukraine. Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine/X
Miễn nhiễm với tác chiến điện tử
Thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) thường là các mẫu quadcopter (loại máy bay hoạt động nhờ lực nâng tạo ra từ bốn động cơ được bố trí ở bốn góc) giá rẻ hoặc model tương tự, được điều khiển theo thời gian thực qua kính đeo của người vận hành.
Trong xung đột Nga-Ukraine, các nghiên cứu cho thấy các thiết bị tác chiến điện tử đã bắn hạ từ 75% đến 90% thiết bị bay không người lái, bằng cách gây nhiễu liên lạc vô tuyến giữa phi công và thiết bị bay không người.
Tuy nhiên, thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang không bị phát hiện và miễn nhiễm với tác chiến điện tử, hơn nữa còn có thể truyền video độ phân giải cao mà không cần tín hiệu vô tuyến.
Không chỉ có vậy, những thiết bị bay không người lái này không giống như thiết bị bay không người lái điều khiển bằng sóng vô tuyến. Chúng bay ở độ cao thấp, tránh các chướng ngại vật và giảm nguy cơ bị phòng không bắn hạ.
Để duy trì kết nối an toàn, thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang sử dụng cuộn cáp quang bền bỉ, được thả ra trong quá trình bay.
Lệnh điều khiển và dữ liệu video được truyền dưới dạng tín hiệu ánh sáng qua cáp quang với tốc độ cao.
Thiết bị bay không người lái trinh sát được trang bị camera độ phân giải cao mang lại lợi thế quan trọng trong việc phát hiện vị trí đối phương.
Nhưng ngoài nhiệm vụ trinh sát, thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang có thể mang bom, chất nổ hoặc đầu đạn chống tăng để thực hiện các nhiệm vụ tấn công.
Với thế mạnh của mình, thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang đã tạo ra một “vùng cấm” trong bán kính 20 km cho các phương tiện bọc thép, vì chúng không bị phát hiện và miễn nhiễm với tác chiến điện tử, từ đó làm gián đoạn các cuộc tấn công bằng xe bọc thép và hạn chế các biện pháp phòng thủ.
Dẫu vậy có thể thấy thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang cũng có một số hạn chế như việc sử dụng cáp quang làm tăng trọng lượng, giảm tầm hoạt động.
Bên cạnh đó, thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang có tốc độ chậm hơn so với thiế bị bay không người lái điều khiển bằng sóng vô tuyến.
Chúng cũng dễ rơi vào tình trạng bị rối cáp và khó điều hướng ở các góc cua vượt quá 45 độ.
Ngoài ra, nếu như thiết bị bay không người lái điều khiển bằng sóng vô tuyến có thể hoạt động trong phạm vi từ 5 đến 200 km, thì thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang hiện nay đang bị giới hạn ở phạm vi 20 km.
Dưới đây là một số loại thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang trong kho vũ khí của Liên bang Nga và Ukraine
Thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang trong kho vũ khí của Ukraine
Ukraine đã thử nghiệm nhiều loại thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang, bao gồm:
• HCX (Argus 30): Tầm hoạt động 20 km, trọng lượng 1,2 kg, có camera quang học và nhiệt, mang tải trọng 4 kg.
• Khyzak REBOFF: Thiết bị bay không người lái cảm tử có tầm cáp 5 km, phiên bản nâng cấp đạt 10 km và mang được 2 kg chất nổ.
• E-Banshee: Thiết bị bay không người lái sáu cánh quạt, được thử nghiệm thành công trong việc thả bom, nhưng một cuộn cáp 10 km bị rối trong một lần thử nghiệm.
• Black Widow Web 10: Thiết bị bay không người lái cảm tử có tầm cáp 5 km, mang tải trọng 2 kg chất nổ.
Ngày 2/1, Bộ Quốc phòng Ukraine công bố đã thử nghiệm hơn 12 thiết bị bay không người lái điều khiển bằng cáp quang sản xuất trong nước, mỗi chiếc mang được tối đa 3 kg chất nổ.
Thiết bị bay không người điều khiển bằng cáp quang trong kho vũ khí của Liên bang Nga
Từ năm 2024, Liên bang Nga đã triển khai thiết bị bay không người lái Knyaz Vandal of Novgorod (KVN), do NPC Ushkuy phát triển tại Novgorod. Thiết bị bay không người lái này có tầm hoạt động 20 km, mang được 3,5 kg chất nổ và được trang bị đầu đạn chống tăng PG-7V. Phía Ukraine đã thu giữ được một thiết bị bay không người lái KVN và phát hiện nó được trang bị cáp dài 10,8 km.
Ngoài KVN, Liên bang Nga còn sử dụng thiết bị bay không người lái Piranha-5, mang 1 kg chất nổ, hỗ trợ bộ binh trong phạm vi 1 đến 3 km, và Piranha-13, một thiết bị bay không người lái đa dụng có tải trọng lớn hơn cùng thiết bị bay không người lái cảm tử Product 55, do ZALA phát triển.