Bừng sáng Mỹ Thủy

Những ngày cuối năm 2024, công trường xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, nhộn nhịp và hối hả hơn. Nhà thầu huy động tối đa máy móc, nhân lực để tăng tốc thi công công trình, phấn đấu đưa vào khai thác một cầu cảng trong năm 2025 theo đúng tiến độ đề ra. Sau gần 4 năm 'im ắng', dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy đã được tái khởi động và triển khai thi công từ tháng 3/2024, hứa hẹn mở ra cơ hội thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh, là động lực thúc đẩy xây dựng và phát triển KT - XH của tỉnh.

Lễ triển khai thi công Khu bến cảng Mỹ Thủy vào tháng 3/2024 - Ảnh: T.T

Lễ triển khai thi công Khu bến cảng Mỹ Thủy vào tháng 3/2024 - Ảnh: T.T

Lòng dân thuận, việc khó cũng thành

Làng biển Mỹ Thủy những ngày này, mối bận tâm của người dân là câu chuyện giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời miếu làng để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy.

Khi dự án này được tái khởi động và triển khai thi công từ khoảng đầu năm đến nay, địa phương rốt ráo thực hiện GPMB để thu hồi 133,67 ha đất, trong đó có 56 hộ dân bị ảnh hưởng và 1 miếu làng buộc phải di dời. Những bậc cao niên trong làng cho biết, miếu làng có từ 600 -700 năm nay, từ khi lập làng, việc động vào miếu làng là điều cấm kỵ. Khi có chủ trương của Nhà nước là phải di dời miếu để làm cảng biển, ai cũng tâm tư, vì đấy là việc tâm linh chưa từng có tiền lệ.

Ông Đặng Minh Cảnh, Trưởng thôn, Hội chủ làng Mỹ Thủy nhớ lại, để đưa ra quyết định, ký vào biên bản làm việc với chính quyền địa phương về việc di dời miếu làng là một việc khó, không ai dám quyết. Trước đó, đã có gần 10 cuộc họp giữa lãnh đạo huyện, xã với những người là hội chủ, thủ bộ, tộc trưởng trong làng để bàn bạc về vấn đề này.

Cuối tháng 10/2024, một cuộc họp Hội đồng Tộc trưởng làng Mỹ Thủy được tổ chức để thống nhất lần cuối cùng về việc di dời tạm miếu làng Mỹ Thủy đến tại vị trí miếu âm hồn, cho đến khi khu tái định cư (TĐC) tâm linh hoàn thiện thì tiếp tục di dời cả hai miếu vào đó. Chủ trương di dời miếu làng đã được dân làng đồng thuận, chờ thống nhất phương án hỗ trợ chi phí để thực hiện thủ tục tâm linh theo phong tục của cư dân vùng biển.

Triển khai thực hiện giai đoạn 1 của dự án, có 54 trường hợp phải di chuyển chỗ ở khi thu hồi đất, trong đó có 52 trường hợp được bố trí TĐC và giao đất có thu tiền sử dụng đất. UBND xã Hải An đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại vận động 15 hộ dân ra nhận đất ở khu TĐC.

Toàn cảnh thi công công trình Khu bến cảng Mỹ Thủy - Ảnh: T.T

Toàn cảnh thi công công trình Khu bến cảng Mỹ Thủy - Ảnh: T.T

Ông Nguyễn Đình Trung, năm nay hơn 70 tuổi, gắn bó gần cả cuộc đời với nghề biển, với mảnh đất hương hỏa do tổ tiên để lại ở xóm Mới, thôn Mỹ Thủy. Là hộ dân nằm trong diện di dời, ông Trung đã chấp thuận chủ trương và nhận số tiền bồi thường GPMB hơn 6,3 tỉ đồng. “Người dân đã bàn giao đất, nhận tiền bồi thường.

Bây giờ nguyện vọng lớn nhất của chúng tôi là sớm được giao đất nhằm xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống tại khu TĐC để an cư lạc nghiệp”, ông Trung chia sẻ. Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Thuyết, thôn Mỹ Thủy bộc bạch: “Bao đời nay người dân bám biển sinh sống, quen đất quen làng, nay vì chủ trương chung nên chúng tôi chấp hành chuyển đến khu TĐC. Mong rằng trong tương lai gần khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho con em quê hương”.

Để phục vụ công tác di dời, GPMB thi công dự án, UBND tỉnh đã có các quyết định phê duyệt dự án TĐC xã Hải An, gồm giai đoạn 1 với diện tích khoảng 16,5 ha, tổng mức đầu tư hơn 71 tỉ đồng và có 278 lô đất; giai đoạn 2, với diện tích 43,6 ha, tổng mức đầu tư hơn 268 tỉ đồng và có 222 lô đất. Đến nay, Khu TĐC xã Hải An (giai đoạn 1) đã hoàn thành.

Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Lê Đức Thịnh cho biết, huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường rà soát, thẩm định, trình phê duyệt phương án chi tiết giao đất TĐC đối với các trường hợp đủ điều kiện, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Đó là trường hợp nào đủ điều kiện thì trình phê duyệt trước để kịp thời thực hiện thủ tục giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đồng thời yêu cầu UBND xã Hải An phối hợp với Hội đồng GPMB xác định cụ thể các trường hợp có đất ở, nhà ở hợp pháp khác trên địa bàn xã để phục vụ lập phương án giao đất TĐC đảm bảo quy định.

Cánh “cửa biển” đã mở...

Ngày 23/8/2008, tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo để thảo luận, làm rõ và hoàn chỉnh đề án, tạo cơ sở trình Chính phủ xin chủ trương. Ngày 22/9/2008, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý chủ trương xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và phát triển KKT Đông Nam Quảng Trị.

Những dự báo tiềm năng đã trở thành hiện thực, dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 16/2019 do Công ty Cổ phần Liên doanh cảng quốc tế Mỹ Thủy (MTIP) làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích 685 ha, tổng quy mô 10 bến (phát triển theo 3 giai đoạn), tổng vốn đầu tư 14.234 tỉ đồng với tiến độ thực hiện từ năm 2018 - 2035, bảo đảm tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn. Trong đó giai đoạn 1 từ 2018- 2025, với quy mô 4 bến, vốn đầu tư 4.946 tỉ đồng.

Nhà thầu huy động máy móc để khẩn trương thi công công trình, đảm bảo tiến độ đề ra - Ảnh: T.T

Nhà thầu huy động máy móc để khẩn trương thi công công trình, đảm bảo tiến độ đề ra - Ảnh: T.T

Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh Phạm Ngọc Minh cho biết, đến nay, nhà thầu đã thi công hoàn thành các hạng mục xây dựng đê, kè chắn sóng phía Đông, bãi chứa, bãi đúc, đường giao thông và các khối xếp loại 1A, 1B, 2B, 2A của hạng mục bến tạm. Đồng thời các hạng mục khác như đê chắn sóng, trạm cân, trạm trộn bê tông, đường, sân bãi, giếng khoan... đang triển khai đảm bảo tiến độ.

Dự án đã hoàn thành được nhiều thủ tục pháp lý liên quan như: Quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phê duyệt thiết kế cơ sở, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (F/S), phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công, giao khu vực biển, cấp phép thi công đợt 1 khoảng 320 m hạng mục kè chắn sóng phía Tây, đưa dự án ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Phương án nạo vét khu nước, vũng quay tàu đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất.

Theo nghiên cứu của TS. Bùi Quốc Nghĩa - Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam, chủ nhiệm Đề án “Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, cảng biển nước sâu Mỹ Thủy”, cảng sau khi hình thành sẽ là cảng đào sâu vào đất liền đầu tiên của Việt Nam. Vị trí khu vực biển Mỹ Thủy thuận lợi trong việc xây dựng cảng biển nước sâu cho tàu có tải trọng lớn. Hiện nay, các cảng biển ở miền Trung như Đà Nẵng, Chân Mây độ sâu chỉ đủ cho tàu có tải trọng tối đa 50.000 tấn. Khu vực ngoài khơi Mỹ Thủy cách bờ chỉ 1 km đã đạt độ sâu 17 - 18 m, đảm bảo cho tàu có tải trọng đến 100.000 tấn cập cảng.

Đối với diện tích GPMB giai đoạn 1 bổ sung và giai đoạn 2, 3, sau khi hoàn thành các thủ tục đo đạc, quy chủ thu hồi đất, UBND huyện Hải Lăng triển khai các thủ tục GPMB và thu hồi đất để bàn giao mặt bằng sạch cho MTIP trong quý II/2025.

Ông Đoàn Danh Tiến, Trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy giai đoạn 1 chia sẻ, năm 2025, đơn vị triển khai xây dựng 1.400 m đê chắn sóng, cùng với đó sẽ thi công hai bến cảng số 1 và số 2, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác bến cảng số 1.

Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy được đánh giá là công trình quan trọng phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh Quảng Trị và khu vực, là cửa ngõ thông ra Biển Đông gần nhất trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây, có vị trí chiến lược về vận tải hàng hóa. Tương lai không xa, khi hình thành cảng nước sâu Mỹ Thủy và hệ thống giao thông kết nối thuận tiện như tuyến đường sắt xuyên Á kết nối Mỹ Thủy tới Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quốc lộ 15D kết nối đi Cửa khẩu quốc tế La Lay và trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ rút ngắn được quãng đường vận tải trên biển từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương .

Đây chính là lợi thế giúp cảng Mỹ Thủy trở thành một đầu mối giao thông quan trọng, đáp ứng không chỉ nhu cầu của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị mà còn có tiềm năng vươn tầm quốc tế để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa liên vùng và hàng quá cảnh sang các nước trong khu vực như Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanma.

Mặt khác, dự án mở ra cơ hội giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động trực tiếp và gián tiếp với nhiều ngành nghề đa dạng, góp phần đẩy mạnh xuất nhập khẩu, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các nước trên thế giới, tạo bước đột phá để chuyển dịch nền kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Triển khai thi công dự án trọng điểm này cùng với các dự án động lực khác như Khu công nghiệp Quảng Trị, Cảng hàng không Quảng Trị, các dự án Quốc lộ 15D nối từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng nước sâu Mỹ Thủy, dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư... là những hạ tầng kỹ thuật quan trọng, tiền đề để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trở thành một khu kinh tế năng động, hiện đại, có tầm cỡ ở miền Trung cũng như cả nước và khu vực.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/bung-sang-my-thuy-190776.htm
Zalo