Sau siêu bão Yagi và mưa lũ, hàng trăm ha trồng phật thủ tại xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) bỗng chốc trở thành củi khô do héo mòn hoàn toàn.
Người dân trồng phật thủ mất trắng, cả cơ ngơi biến thành củi khô vì nước lũ.
Đã gần 2 tuần kể từ khi cơn bão số 3 (Yagi) càn quét qua, gây lũ lụt kinh hoàng tại huyện Đan Phượng. Giờ đây, nước lũ đã rút nhưng vẫn để lại những thiệt hại nặng nề, cuốn theo tài sản, cơ ngơi của rất nhiều nông dân.
Những khu vực sản xuất nông nghiệp tại huyện Đan Phượng như xã Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà từ lúc bạt ngàn màu xanh của các loại cây trồng, hoa màu đến nay sau lũ chỉ còn một màu nâu đỏ của bùn đất, cùng cảnh khô héo của cây, phủ kín một vùng. Trong đó, những vườn phật thủ từng giúp người trồng "hái ra tiền" bỗng chốc biến thành củi.
Phật thủ là loài cây "khó tính" chỉ ưa đất tơi xốp, pha cát ven sông, đòi hỏi người nông dân phải tốn nhiều công sức chăm sóc. Chính vì thế, nhiều năm trở lại đây người dân Đắc Sở (huyện Hoài Đức) đã phải tìm thuê nhiều diện tích đất ven sông ở các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng để trồng phật thủ.
Đang đi kiểm tra vườn phật thủ đã chết khô sau mưa lũ, anh Nguyễn Bá Quyền buồn bã nói: "Tôi gắn bó với nghề trồng phật thủ hơn 20 năm rồi. Hai năm gần đây, gia đình tôi thuê đất ven sông tại xã Liên Hồng để trồng 2 vườn, đầu tư mỗi vườn hơn 700 triệu đồng. Nhưng mới thu hoạch được 1 vụ để bù vốn, sang đến năm nay dự kiến bắt đầu thu lời thì nước lũ ập đến làm chết toàn bộ. Ngay khi cơn bão đến, chúng tôi đã biết hết hy vọng, vì không chết bởi nước lũ thì những cây phật thủ cũng hư hỏng do gió bão quật gãy".
"Bùn đất lấp kín gốc khiến cây không thở được, khả năng cứu cây rất khó, mà nếu hồi sinh được thì chi phí cũng rất cao, có thể lên tới 50 - 70 triệu đồng. Ngoài ra, cây được cứu rễ cũng sẽ kém hơn trước và không thể cho năng suất tốt", anh Quyền nói.
Chỉ tay về dấu tích của vết nước lũ dâng cao nhất tại vườn, anh Quyền cho biết ngày lũ ập về, anh cùng các hộ dân tại đây cũng nỗ lực cất đồ đạc làm vườn, máy móc để hạn chế thiệt hại nhưng nước lũ lên quá nhanh khiến mọi người không kịp trở tay. "Nước lũ về nhanh quá, 1 tiếng lên thêm 1 mét, thời điểm nước dâng cao nhất phải đến 6 mét, cao bằng đỉnh lán, trại. Nếu nước lũ ngập hơn nửa cây thì còn có hy vọng cứu được, nhưng ngập qua cả ngọn cây thì đành bó tay", anh Quyền nói.
Bao năm nay, cây phật thủ trở thành nguồn thu nhập chính của anh Quyền cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Đắc Sở. Phần lớn họ phải vay vốn ngân hàng để làm ăn. Trong vài ngày ngắn ngủi, nước lũ đã cuốn trôi tất cả tài sản khiến anh Quyền giờ đây vô cùng lo lắng vì phải gây dựng lại từ đầu trong khi không biết xoay vốn ở đâu. "Mỗi vụ phật thủ trong dịp Tết với vườn đẹp thì tôi thu được 600 - 700 triệu đồng, vườn xấu thì thu khoảng 500 triệu đồng. Nhưng đến năm nay, tất cả đã bị nước lũ cuốn trôi hết, đúng lúc tôi đang mừng thầm vì sắp đến giai đoạn hưởng lãi", anh Quyền xót xa nói.
Hơn 29 mẫu đất của 14 hộ trồng phật thủ đều trắng tay do nước lũ ngập sâu làm chết khô toàn bộ cây trồng.
Hiện tại nước lũ đã rút, bãi đất trồng phật thủ rộng bạt ngàn vẫn chìm trong bùn đất, nơi nông nhất đến đầu gối, nơi sâu nhất bùn cao đến 0,5m. "Muốn khôi phục và trồng lại phật thủ tại đây phải mất 2,3 năm để cây cỏ mọc lên, ăn bớt đất phù sa, giúp đất tơi xốp. Giờ nông dân chúng tôi đã hết vốn, cũng không thể đi tìm thuê chỗ khác để trồng", anh Quyền chia sẻ thêm.
Toàn bộ đồ đạc, thiết bị điện, xe cộ, đường lát bê tông được anh Quyền và những người trồng phật thủ đầu tư hơn 100 triệu đồng đều bị nước lũ nhấn chìm, gây hư hại nặng nề.
Đường vào những bãi đất trồng cây nông nghiệp hiện vẫn vô cùng khó khăn vì bùn đất lầy lội.
Những khu vườn phật thủ xanh tươi, đợi đến ngày hái quả nhưng nay chỉ đã chết khô, ngập trong bùn lầy.