Bùi Tiến Tuấn, một hành trình không chỉ có tranh lụa
Với nhiều công phu trong việc hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam, cùng dấu ấn riêng biệt nên tên tuổi Bùi Tiến Tuấn được mặc định với chỉ riêng tranh lụa, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nhìn lại hành trình 30 năm sáng tác, Bùi Tiến Tuấn không chỉ có tranh lụa.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn sinh năm 1971 tại Hội An. Ảnh: NVCC
“Kể từ triển lãm cá nhân gần nhất vào năm 2021, sau khi thế giới đi qua trận đại dịch Covid-19, từ góc độ cá nhân, với tư cách là một nghệ sĩ tôi thấy mình như sống chậm lại hơn với những chiêm nghiệm về đời sống, đặc biệt là cuộc sống thị thành sôi động đương thời. Trong sự chiêm nghiệm ấy, trong tôi luôn có hồi tưởng về ký ức với những sáng tác suốt thập niên 1990 và những năm đầu thiên niên kỷ. Những hình ảnh hồi tưởng ấy không ngừng đan xen với những thước phim về đô thị phồn hoa không ngừng lột xác đang diễn ra trong tâm tưởng tôi. Tôi dùng ngôn ngữ nghệ thuật để biểu lộ cái thế giới đang căng đầy trong tâm hồn mình.
Chính vì vậy, sau 4 năm tôi mới quyết định trình làng solo lần thứ 12 với tên gọi Bùi Tiến Tuấn – Một hành trình", họa sĩ Bùi Tiến Tuấn nói về triển lãm cá nhân lần thứ 12 của mình.
Anh chia sẻ thêm: "Hy vọng các nhà sưu tập, giới chuyên môn, các khán giả yêu nghệ thuật sẽ được thấy thêm nhiều khía cạnh khác của tôi: ngoài Tuấn của “tân mỹ nhân” trên lụa, mọi người sẽ thấy Tuấn của thời kỳ hậu sinh viên với sự trăn trở về hiện thực thị thành cùng những “hình nhân đường phố”, Tuấn nhuộm thắm và lật trở suy tư trên chất liệu giấy dó, Tuấn vừa trắc ẩn vừa phiêu bồng nơi “hội chợ phù hoa” với những bức tranh acrylic khổ lớn… Nghĩa là công chúng sẽ được nhìn thấy một bức tranh rộng lớn hơn, nhiều mảng ghép hơn, toàn cảnh hơn về hành trình sáng tạo của Tuấn”.
Khi còn là sinh viên (những năm 1994-1995), Bùi Tiến Tuấn đã tập tành sáng tác, đến nay xem lại những tác phẩm thời kỳ này, vẫn thấy được ý hướng thẩm mỹ mà anh đã theo đuổi, khám phá suốt 30 năm qua. Vì vậy mà, triển lãm song hành và nhìn lại lần này mới có tên là Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình/ An artistic exploration.
Từ cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, vài người cùng thế hệ họa sĩ Bùi Tiến Tuấn đã có công giúp hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam. Mấy thập niên liền trước đó, tranh lụa như bị thoái trào, vì nhiều quan niệm là cũ kĩ, nặng lối mòn tuyên truyền. Ngay trong trường mỹ thuật loại hình nghệ thuật này cũng chưa có được vị trí xứng đáng. Vì có nhiều công phu trong việc hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam, cùng dấu ấn riêng biệt, nên tên tuổi Bùi Tiến Tuấn được mặc định với chỉ riêng tranh lụa, cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nhìn lại hành trình 30 năm sáng tác, Bùi Tiến Tuấn không chỉ có tranh lụa - vốn đang rất chín muồi - mà còn có tranh sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần đây là tranh acrylic khổ lớn.

Tranh tĩnh vật bằng sơn dầu của Bùi Tiến Tuấn.

Tranh lụa Nguyệt sáng gương trong 4.
Bùi Tiến Tuấn không chỉ có chủ đề thiếu nữ thị thành, phù phiếm, yêu kiều, mà còn có phong cảnh Hội An thơ mộng, hiện thực đường phố trần trụi, tinh thần hậu biểu hiện và cả trừu tượng. Ở bất kỳ vật liệu, chất liệu, hoặc đề tài nào, Bùi Tiến Tuấn cũng luôn tỏ rõ sự sung mãn, quyến rũ và đặc biệt là giữ được bản sắc, phong cách của riêng mình.
Triển lãm lần này của Bùi Tiến Tuấn bày hơn 90 tranh, giúp công chúng yêu hội họa có dịp thưởng lãm và nhìn ngắm một cách toàn vẹn hành trình sáng tác của anh. Nhận định về Bùi Tiến Tuấn, giám tuyển Lý Đợi viết: “Nhìn lại hơn 90 năm của hành trình tranh lụa Việt Nam, thấy Bùi Tiến Tuấn khá giống tiền bối Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) ở khía cạnh tạo thân phận cho các nhân vật đời thường. Những phụ nữ của cả hai như chiếm trọn không gian của cả bức tranh, đôi khi lấn lướt, thay thế mọi sự, mọi vật. Nếu so với cấu trúc phổ biến kiểu thiên-địa-nhân của một bức tranh lụa truyền thống (trừ tranh thờ, tranh vẽ vua quan), thì Bùi Tiến Tuấn chỉ lấy nhân làm trung tâm, đôi khi không cần thiên hoặc địa.
Nhìn lại lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam, trừ những tranh lụa được vẽ vì mục đích chiến đấu, tuyên truyền là có mang thân phận của một tập thể, một tinh thần cách mạng, một nhóm lao động - sản xuất, còn đa số (chắc trên 75%) chỉ có hình thể, bố cục, hành động… chứ không có thân phận cá nhân, hoặc có thì khá mờ nhạt, chỉ như một cái cớ nhỏ của tạo hình, của thị giác.
Phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn thường không có dấu vết của nông thôn và nông nghiệp, mà thường là dân thị thành, chuộng thời trang, đôi khi hơi phù phiếm, thụ hưởng. Họ yêu mến và đề cao bản thân, tự lập trong suy nghĩ và hành vi của mình. Vì tự lập nên nỗi niềm, sự hân hoan, thậm chí sự cô đơn của họ cũng rất khác với những người phụ nữ lao động, tảo tần vì cuộc sống. Vì vậy mà bảng màu tranh lụa Bùi Tiến Tuấn cũng khác, thời trang hơn, tân kỳ hơn, tạo được sự phá cách”.
Còn nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đã có một nhận định thú vị khi nhìn thấy yếu tố thời đại và đô thị ẩn dưới tác phẩm của Bùi Tiến Tuấn:“Có một đô thị ẩn giấu trong tranh của Bùi Tiến Tuấn, một đô thị mà ta không nhìn thấy nhà cửa hay ánh đèn, nhưng lại cảm nhận được nhịp sống của nó qua từng nhân vật. Phụ nữ trong tranh của anh là hiện thân của đô thị ấy: họ vừa đẹp đẽ, quyến rũ, lại vừa mang một chút gì đó xa cách và mơ hồ. Không còn là những dáng hình e ấp, khép nép, phụ nữ trong tranh anh xuất hiện với sự tự tin, những ánh nhìn xa xăm nhưng đầy kiểm soát, và rất nhiều tư thế gợi cảm nhưng không dung tục.
Họ tô son, họ kẻ lại mi mắt, họ chìm trong những khoảnh khắc rất riêng tư nhưng lại để cho người xem một cảm giác như đang đứng ngoài khung cửa sổ, dõi theo một bí mật nào đó.
Cái tài tình của Bùi Tiến Tuấn nằm ở việc anh không "gói gọn" người phụ nữ trong bất kỳ một định nghĩa nào. Họ vừa hiện thực, vừa siêu thực. Có lúc họ như bước ra từ một giấc mơ, lúc khác lại mang dáng dấp của những người bạn gái, người vợ, người tình, thậm chí những cô gái trong quán bar mà ta đã từng gặp đâu đó. Anh tôn vinh vẻ đẹp của họ, nhưng cũng để lại khoảng trống đủ lớn để người xem tự lấp đầy những suy tưởng của mình. Nhưng không thể không nhận thấy một sự phản kháng âm thầm của những gương mặt phụ nữ ấy, những “gái hư” của thời hiện đại trong tất cả cái vẻ xa cách và thách thức của họ”.

Thông tin về triển lãm.
Bùi Tiến Tuấn sinh năm 1971 tại Hội An. Đến nay, anh đã có 12 triển lãm cá nhân, nhiều triển lãm nhóm, hội chợ nghệ thuật trong và ngoài nước. Triển lãm Bùi Tiến Tuấn – Một hành trình diễn ra song song tại hai nơi, 92 Lê Thánh Tôn, quận 1 và 106 Nguyễn Văn Hưởng, TP. Thủ Đức từ 22.2 đến 9.3.2025.