Bụi sao Hỏa độc hại gây nguy hiểm cho phi hành gia

Đài CNN dẫn một nghiên cứu mới cho biết bụi độc hại trên sao Hỏa sẽ khiến các sứ mệnh đến hành tinh đỏ trong tương lai trở nên cực kỳ nguy hiểm với phi hành gia, do đó cần chuẩn bị biện pháp đối phó.

Sao Hỏa thường bị bụi bao phủ - Ảnh: NASA

Sao Hỏa thường bị bụi bao phủ - Ảnh: NASA

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí GeoHealth, loạt chất như silica, thạch cao, perchlorate, oxit sắt nano trong bụi sao Hỏa có thể gây ra tác động đe dọa tính mạng phi hành gia đặt chân lên đây. Sinh viên y khoa Justin Wang (Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California) - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết: “Mối nguy lớn nhất là rủi ro với phổi của phi hành gia. Vì bụi rất mịn nên sẽ vẫn ở trong phổi, một phần được hấp thụ vào máu. Phi hành gia vốn đã có nguy cơ mắc bệnh xơ phổi do tiếp xúc bức xạ trong chuyến bay vũ trụ. Các mối nguy như silica, oxit sắt có thể gây thêm bệnh phổi nữa”.

Anh cũng nêu bật nguy cơ hợp chất perchlorate trong đất sao Hỏa gây rối loạn chức năng tuyến giáp và thiếu máu bất sản. Theo nghiên cứu, xét đến thời gian cần thiết để từ sao Hỏa về Trái đất, lẫn chậm trễ trong thông tin liên lạc giữa hai hành tinh, mấu chốt tránh nguy hiểm là tiến hành lọc bụi, vệ sinh cabin, sử dụng thiết bị đẩy tĩnh điện nhằm hạn chế tiếp xúc bụi.

Giáo sư địa chất Brian Hynek (Đại học Boulder) - đồng tác giả nghiên cứu - nhắc nhở: “Bụi liên tục rơi xuống và bao phủ mọi thứ. Cứ vài năm lại có bão quét qua toàn hành tinh tạo nên lớp phủ dày. Tàu vũ trụ, phương tiện di chuyển, tấm pin mặt trời cùng nhiều thiết bị khác sẽ cần được chú ý liên tục để duy trì hoạt động”.

“Thiết bị tự hành của chúng ta từng hứng chịu thiệt hại như vậy. Ta từng mất thiết bị khoa học hay toàn bộ sứ mệnh do tấm pin mặt trời bị bụi bám quá nhiều nên không thể sạc pin. Tất cả cũng tác động đáng kể đến con người”, ông nói thêm.

Nhà nghiên cứu Julia Cartwright (Đại học Leicester) cho biết giảm thiểu bụi là vấn đề lớn với hoạt động thám hiểm không gian: “Như các tác giả đã chỉ ra, bụi sao Hỏa ở khắp mọi nơi và hơi khác so với bụi trên Trái đất. Ở Trái đất, hầu hết bụi lẫn hạt đều trải qua hành trình vận chuyển riêng, đồng thời khá tròn khi nhìn dưới kính hiển vi vì chúng bị mài mòn theo thời gian. Còn trên Mặt trăng hay sao Hỏa, ta gặp phải hạt sắc nhọn không chịu mài mòn. Sẽ là vấn đề nếu chúng ở trong không khí mà ta đang hít thở. Chúng nhiều khả năng kích ứng màng mềm, dẫn đến vấn đề về phổi”.

Về chuyện lọc bụi sao Hỏa, bà nhắc nhở cần thay thế định kỳ bộ lọc. Do đó tàu vũ trụ cần mang theo nhiều bộ lọc.

Giáo sư vật lý vũ trụ Jonathan Eastwood (Đại học Imperial) nhấn mạnh: “Khoảng cách xa xôi từ Trái đất đến sao Hỏa loại trừ khả năng di tản nhanh về Trái đất, vì vậy cần thiết lập năng lực y tế tại chỗ. Như các tác giả đã chỉ ra, giải quyết vấn đề này đòi hỏi nỗ lực liên ngành. Các ngành y tế, kỹ thuật, khoa học phải hợp tác tìm ra giải pháp”.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bui-sao-hoa-doc-hai-gay-nguy-hiem-cho-phi-hanh-gia-230890.html
Zalo