Bức tượng thất lạc hơn 100 năm là chứng nhân của một cuộc tình ngang trái

Tác phẩm 'L'Age mur' (The Mature Age - Tuổi trưởng thành) thất lạc hơn 100 năm trước khi xuất hiện trong buổi đấu giá của nhà Philocale ở thành phố Orleáns (nước Pháp), hôm 16/2/2025. Bức tượng đã được mua với giá 3,1 triệu euro. Đây là bức tượng có giá cao thứ hai trong di sản của Camille Claudel.

 Tác phẩm "L’Age mur"

Tác phẩm "L’Age mur"

Cuộc tình có hơn hai người luôn để lại dư chấn với những người trong cuộc. Tình yêu không có lỗi, có chăng là cảm giác đau khổ và mất mát. Nỗi đau rồi cũng phai nhạt dần nhưng vết sẹo còn đó nhắc nhớ về hạnh phúc không trọn vẹn. Rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã khắc họa một cách sâu sắc sự giằng xé trong những cuộc tình tay ba. Những năm cuối thế kỷ 19, bức tượng đồng "L'Age mur" (The Mature Age - Tuổi trưởng thành) của nữ nghệ sĩ người Pháp Camille Claudel là tác phẩm đặc tả thành công đề tài này.

Trong các tác phẩm thể hiện đề tài tình tay ba, có hai thái cực: Một là sự buông tay của người đến trước để người đến sau có được tình nhân hoặc sự ê chề của người đến sau khi người được chọn không phải là mình. Ở tác phẩm "L'Age mur", một bức tượng cao 84 cm được chủ ý xây dựng với hai kích thước, kích thước lớn hơn là chân dung người đàn ông và người phụ nữ đang kéo ông rời bỏ người phụ nữ khác với kích thước nhỏ hơn đang quỳ gối với gương mặt và tư thế như đang cầu xin, van vỉ. Dễ nhận thấy người phụ nữ đang quỳ gối là một người trẻ tuổi với những đường cong cơ thể mang nét thanh xuân nhưng điều đó không ngăn được thực tế là người đàn ông vẫn rời bỏ cô. Một bức tượng chân dung ba người đã nói lên một thực tế phũ phàng sau một cuộc tình không dung thứ cho người thứ ba, cũng là người đã từng bứt người đàn ông ra khỏi quỹ đạo cuộc sống, nơi ông đã và đang có giao ước với một phụ nữ khác.

Nhân vật người phụ nữ trẻ đang quỳ gối trong tác phẩm "L'Age mur" được cho là có nguyên mẫu từ chính tác giả - nghệ sĩ Camille Claudel. Năm 20 tuổi, bà trở thành học trò, cộng sự và người tình của điêu khắc gia nổi tiếng Auguste Rodin. Lúc bấy giờ, Auguste Rodin đã 44 tuổi và đã có 20 năm gắn bó với một "nàng thơ" khác, tên Etienne Beuret, một thợ may, thợ giặt. Hai người gần như là vợ chồng dù gặp nhiều khúc mắc. Etienne Beuret cùng thế hệ với Auguste Rodin và cùng hơn Camille Claudel tới 20 tuổi. Như vậy, bức tượng đã khắc họa rõ nét các nhân vật trong mối tình tay ba ngang trái này.

Trong tiểu sử của Etienne Beuret, bà được mô tả là một phụ nữ kín đáo và nhút nhát, người đã cùng Auguste Rodin trải qua những năm tháng cơ hàn, luôn hết mình đồng hành và phụng sự ông. Còn Camille Claudel là một nghệ sĩ xinh đẹp, cá tính, táo bạo. Bà đã cưỡng lại ý muốn của gia đình để duy trì mối quan hệ tình cảm được coi là bất chính với người thầy của mình. Kết cục của cuộc tình này cũng không được vẹn toàn, sau khi Camille Claudel bỏ đi đứa con trong bụng với Auguste Rodin, cuộc tình của họ đứng trên bờ vực tan vỡ và cuối cùng chấm dứt mấy năm sau đó. Lúc bấy giờ, nữ điêu khắc gia 34 tuổi. Bức tượng "L'Age mur" được cho là ra đời trong giai đoạn 1892 - 1898, thời kỳ giằng co tình cảm giữa Auguste Rodin, Etienne Beuret và Camille Claudel. Cuối cùng, Camille Claudel phải chấp nhận thực tế đánh mất người đàn ông mà bà đã yêu nồng nhiệt cả thời tuổi trẻ, bất chấp sự ngăn cấm của gia đình.

Tính cách mạnh mẽ, dữ dội của tác giả thể hiện rõ trong tác phẩm "L'Age mur". Bà đã không màng đến điều tiếng để khắc họa tâm trạng, cảm xúc trong câu chuyện tình yêu mà chính bản thân mình là kẻ thất bại. Được biết khi điêu khắc gia Auguste Rodin nhìn thấy bức tượng mà chính bản thân là người bị giằng co giữa hai phụ nữ, đầu tiên ông khóc nhưng rồi sau đó do bị đả kích, ông đã ngừng ủng hộ sự nghiệp, cũng như tác động để giảm ảnh hưởng của người tình cũ trong giới. Sau cuộc tình này, Camille Claudel đã trải qua một thời kỳ thân tàn ma dại, sau đó bị chẩn đoán mắc chứng hoang tưởng và bị tống vào viện tâm thần rồi qua đời tại đây ở tuổi 79.

Ngày nay, trong nhìn nhận ý nghĩa mang tính đại chúng, bức tượng "L'Age mur" cũng được xem như ẩn dụ về ba giai đoạn cuộc đời người đàn ông- đại diện cho sự trưởng thành, bị một bà lão - đại diện cho tuổi già và cái chết kéo đi trong khi người phụ nữ trẻ - đại diện cho tuổi trẻ cố gắng cứu vãn tình thế. Tuy vậy, xét trong lịch sử câu chuyện của chính tác giả, đó là thực tế mà bà đã trải qua, một cuộc tình trái ngang tan vỡ và nỗi đau mãi còn ngự trị trong trái tim những người phụ nữ cho đến cuối đời.

Mộc Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/buc-tuong-that-lac-hon-100-nam-la-chung-nhan-cua-mot-cuoc-tinh-ngang-trai-20250408152519463.htm
Zalo