Bức tranh tươi sáng trên vùng đất Ba Tơ
Cách trung tâm Quảng Ngãi khoảng 60 km về phía Tây Nam, Ba Tơ từ lâu đã khắc sâu trong tâm thức người Việt như một địa danh lịch sử, nơi ra đời Đội du kích Ba Tơ vào ngày 12/3/1945 - tiền thân của Lực lượng Vũ trang Quân khu 5 ngày nay. Đất và người nơi đây, từ những năm tháng hào hùng kháng chiến đến thời bình, luôn mang trong mình ý chí quật cường và lòng trung kiên bất khuất.
Mảnh đất lịch sử và những đổi thay
Tuy nhiên, song hành cùng truyền thống cách mạng là những nỗi niềm của một vùng đất còn lắm khó khăn. Đồng bào H’rê, chiếm 84% dân số huyện, từng chủ yếu sống nhờ nương rẫy, đời sống bấp bênh, thiếu thốn. Trước năm 2014, Ba Tơ nằm trong danh sách những huyện nghèo của cả nước, nơi “cái nghèo, cái đói” như chiếc bóng u ám bao trùm cuộc sống của người dân. Nhưng giờ đây, khi đặt chân đến Ba Tơ, hình ảnh của mái lá đơn sơ đã nhường chỗ cho những ngôi nhà khang trang, những nương rẫy xanh tốt trải dài, tiếng cười trẻ thơ rộn rã giữa lớp học vùng cao.
Những đổi thay ấy là minh chứng sống động cho sức mạnh của sự đoàn kết và quyết tâm vượt khó. Và hơn hết, nó bắt nguồn từ những chính sách thiết thực, hiệu quả của Đảng và Chính phủ. Trong đó Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40) đã trở thành kim chỉ nam cho công cuộc giảm nghèo bền vững, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn như Ba Tơ. Tại đây, huyện ủy và chính quyền địa phương đã đồng lòng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi.
Gia đình ông Lê Ngọc Ân ở xã Ba Cung là một minh chứng. Trước đây, gia đình ông thuộc diện đặc biệt khó khăn, quanh năm làm lụng vất vả mà vẫn không đủ ăn. Nhờ khoản vay tín dụng chính sách, ông đã đầu tư vào chăn nuôi và trồng rừng. Từ những bước đi nhỏ bé ban đầu, giờ đây, mô hình trang trại của ông đã đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm, đồng thời tạo việc làm cho 8 lao động địa phương. Nụ cười trên gương mặt ông Ân không chỉ phản ánh niềm hạnh phúc của một cuộc đời đổi thay, mà còn là niềm tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
Để chuyển tải đồng vốn hiệu quả đến bà con, ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện Ba Tơ cho biết, đơn vị chủ động làm việc cấp ủy, chính quyền các địa phương để đánh giá hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn, triển khai thực hiện tín dụng chính sách phục vụ giảm nghèo đa chiều và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận số 06. Qua đó, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vay vốn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của ngân hàng.
![Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang góp phần đổi thay vùng đất Ba Tơ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_59_51463912/bb42c02cf062193c4073.jpg)
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang góp phần đổi thay vùng đất Ba Tơ
Vai trò của tín dụng chính sách
Từ khi triển khai Chỉ thị 40, toàn huyện Ba Tơ đã có 36.072 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn, với tổng dư nợ tín dụng chính sách đến nay đạt hơn 455 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm 2014. Những con số này, không chỉ phản ánh sự phát triển về mặt kinh tế, mà còn là kết quả của sự đồng lòng từ chính quyền đến người dân. Những đồng vốn chính sách đã giúp nhiều hộ gia đình ở địa phương vượt qua ngưỡng nghèo. 1.221 học sinh, sinh viên khó khăn có điều kiện tiếp tục học tập, 2.443 lao động có việc làm và hàng nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng…
Tăng cường hỗ trợ cho bà con, các cấp chính quyền và hội đoàn thể tại Ba Tơ còn tích cực tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để bà con sử dụng vốn vay hiệu quả. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại đây cũng phát huy tốt vai trò cầu nối, giúp hơn 99% dư nợ tín dụng chính sách được quản lý chặt chẽ, minh bạch… Theo đại diện Hội Nông dân huyện Ba Tơ, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ giúp bà con có điều kiện đầu tư sản xuất, mà còn khơi dậy ý chí tự lực, tự cường. Thành công của từng hội viên chính là động lực để Hội tiếp tục đồng hành, tạo nên những bước tiến bền vững cho quê hương Ba Tơ.
Dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, song Ba Tơ vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua. Tỷ lệ hộ nghèo tại một số xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn cao; nguồn lực ủy thác từ ngân sách địa phương chưa đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Một số nơi, công tác phối hợp giữa tín dụng chính sách với các chương trình phát triển kinh tế, giáo dục, chuyển giao kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đến việc sử dụng vốn chưa hiệu quả... Bởi vậy, hiện nay Ba Tơ vẫn đang nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế địa phương.
Giữa những nẻo đường hôm nay, Ba Tơ không còn là vùng đất “rừng thiêng nước độc” của ngày nào. Giữa những cánh rừng xanh mướt, tiếng cười nói hân hoan đã vẽ nên một bức tranh đầy sức sống, trong đó, có những mảng màu rực rỡ của tín dụng chính sách, không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là điểm tựa vững chắc, tiếp sức cho đồng bào H’rê và người dân nơi đây vươn lên làm chủ cuộc đời.