Bức tranh KQKD quý II phân hóa của hơn 20 công ty chứng khoán: Mảng tối tập trung ở nhóm vốn hóa nhỏ
13 trong tổng số 21 công ty chứng khoán đã công bố BCTC quý II tính đến chiều 22/7 báo cáo lợi nhuận âm hoặc giảm so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung ở nhóm quy mô nhỏ.
Theo thống kê của FinnTrade, tính đến đầu giờ chiều 22/7, đã có 21 công ty chứng khoán (CTCK) công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Trong đó, 11/21 CTCK báo doanh thu tăng so với 10/21 CTCK báo doanh thu giảm. 13/21 CTCK báo lợi nhuận giảm, chủ yếu tập trung ở nhóm vốn hóa nhỏ.
Nhiều CTCK top đầu ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận lạc quan
Là CTCK đầu tiên công bố BCTC quý II, Chứng khoán MBS (mã: MBS) ghi nhận kết quả kinh doanh khá lạc quan trong kỳ này với doanh thu hoạt động đạt 883 tỷ đồng, tăng trưởng 120% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gần 217 tỷ đồng, tăng 75% đồng thời là mức lợi nhuận quý cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của CTCK này.
Theo đó trong quý, MBS ghi nhận sự khởi sắc của hầu hết mảng kinh doanh quan trọng, từ tự doanh, môi giới và cho vay. Trong quý II, lãi từ cho vay và phải thu của MBS đạt gần 262 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Mảng môi giới mang về doanh thu hơn 179 tỷ đồng trong bối cảnh giá trị và khối lượng giao dịch chứng khoán toàn thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ. Ở mảng tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) đạt 341 tỷ, gấp gần 5 lần con số của quý II năm ngoái; lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) ghi nhận 33 tỷ đồng (cùng kỳ âm hơn 4 tỷ); ngược lại, lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) giảm 22% xuống 36 tỷ đồng.
Chứng khoán HSC (mã: HSC) là cái tên tiếp theo ghi nhận kết quả kinh doanh quý II lạc quan với doanh thu hoạt động đạt 1.094 tỷ đồng, tăng hơn 86% so với cùng kỳ năm 2023 và cũng là mức cao nhất 2 năm qua trong bối cảnh các mảng môi giới, tự doanh… đều tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) tăng 88,6% lên hơn 397,7 tỷ đồng; lãi từ cho vay và phải thu tăng gần 67%, từ 231,4 tỷ lên hơn 386,3 tỷ đồng. Cùng đó, doanh thu môi giới tăng 81,5% lên 253,4 tỷ đồng, doanh thu tư vấn tài chính tăng vọt từ hơn 669 triệu đồng tăng lên hơn 51,2 tỷ đồng….
Kết quả, HSC báo lãi ròng hơn 313 tỷ đồng; tăng hơn 99% so với quý II/2023 và là mức lãi quý cao nhất gần 3 năm.
Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý II thăng hoa, Chứng khoán Vietcap (mã: VCI) báo cáo doanh thu hoạt động quý II đạt 915,9 tỷ đồng, tăng 82,9% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 279,2 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với quý II/2023.
Nguyên nhân chủ yếu do mức tăng đột biến của lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) (gấp 4,4 lần cùng kỳ lên mức 447,6 tỷ đồng). Bên cạnh đó là sự đóng góp của lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng hơn 38% lên 234,5 tỷ đồng; doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng 30% lên 180,7 tỷ đồng…
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã: SHS), mảng tự doanh “thắng lớn” đã đóng góp vào kết quả kinh doanh lạc quan của quý II năm nay. Cụ thể, SHS ghi nhận doanh thu hoạt động quý II đạt hơn 599 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ.
Mảng tự doanh đem về 328 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 5,4 lần cùng kỳ khi Lãi từ các khoản đầu tư tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) ở mức 376 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ, ngược lại lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL giảm 14% về dưới 45 tỷ đồng.
Mảng môi giới cũng ghi nhận tăng trưởng 15% trong quý II với 67 tỷ đồng doanh thu. Lãi từ cho vay và phải thu đạt 141.5 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ.
Mặc dù chi phí hoạt động và chi phí quản lý đều tăng 27% so với cùng kỳ, song song với mức tăng doanh thu, nhưng sau cùng, SHS vẫn ghi nhận lãi ròng 354 tỷ đồng, tăng 151% cùng kỳ và là mức lợi nhuận quý cao thứ hai trong 2 năm trở lại đây.
Chứng khoán Tiên Phong (mã: ORS) dù ghi nhận doanh thu quý II đạt gần 559 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận lại vượt 100 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh mẽ 105%.
Theo đó, trong quý II, ORS báo lãi ròng từ các tài sản tài chính (FVTPL) và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 87 tỷ đồng, tăng 205% so với cùng kỳ. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu trong quý cũng ghi nhận tăng 57,4% so với cùng kỳ, đạt gần 41 tỷ đồng khi hoạt động cho vay margin sôi động hơn.
Chứng khoán BIDV (mã: BSI) cũng báo doanh thu tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 424 tỷ đồng mặc dù lợi nhuận sau thuế giảm 7% xuống gần 115 tỷ. Theo đó trong quý II, BSI ghi nhận lãi cho vay, phải thu tăng 25%, đạt trên 134 tỷ đồng. Doanh thu môi giới đạt hơn 87 tỷ đồng, tăng 29%.
Ở mảng tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL tăng mạnh 45%, đạt gần 176 tỷ đồng. Tuy nhiên, lỗ từ tài sản chính FVTPL hơn gấp 4 lần cùng kỳ, đạt gần 128 tỷ đồng. Kết quả, tự doanh quý II chỉ đạt 45,5 tỷ đồng lãi ròng, giảm 49% so với cùng kỳ.
Bức tranh phân hóa với mảng tối tập trung chủ yếu ở nhóm vốn hóa nhỏ
Mặc dù hầu hết các CTCK quy mô lớn đã công bố BCTC đến nay đều ghi nhận kết quả tích cực, vẫn có một số ngoại lệ.
Chẳng hạn, tại VNDirect, công ty này đã công bố BCTC quý II với doanh thu hoạt động 1.458 tỷ đồng, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái do sự sụt giảm từ nhiều mảng như môi giới, Thu nhập ròng từ tài sản tài chính (FVTPL)... Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng mạnh hơn 40% lên trên 803 tỷ đồng. Kết quả, VNDirect báo lãi sau thuế 345 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, vào cuối quý I, nhà đầu tư mở tài khoản tại chứng khoán VNDirect đã gặp sự cố không thể đặt lệch, mua bán chứng khoán hay thực hiện bất cứ dịch vụ nào trong nguyên một tuần giao dịch do hệ thống của VNDirect bị hacker chuyên nghiệp tấn công.
Tuy vậy nhìn chung, hầu hết “gam màu tối” của bức tranh kết quả kinh doanh ngành chứng khoán quý II tập trung ở nhóm CTCK vốn hóa nhỏ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Chẳng hạn, Chứng khoán Phố Wall (mã: WSS) đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với doanh thu hoạt động chỉ hơn 3,4 tỷ đồng; lỗ ròng gần 4,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 35 tỷ.
Hay Chứng khoán Hải Phòng (mã: HAC) báo doanh thu hoạt động 14,5 tỷ và lỗ ròng 4,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 17 tỷ đồng.
Tại Chứng khoán Bảo Minh (mã: BMS), mức doanh thu hoạt động hơn 49 tỷ đồng của quý II năm nay đã giảm tới 65% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng cũng giảm 81% chỉ còn 16,5 tỷ đồng.