Bức tranh kinh tế Việt Nam: Vui thôi đừng vui quá!
Bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm tích cực, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, nên ẩn chứa nhiều rủi ro.
Tăng trưởng GDP đạt mục tiêu đưa ra từ đầu năm
Tại Chương trình WeTalk với chủ đề: "Đầu tư gì cuối năm 2024" được Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức tại Hà Nội vào sáng 15/9, các chuyên gia tài chính đã trình bày báo cáo vĩ mô, tiền tệ tháng 9/2024. Báo cáo cho thấy, kinh tế Việt Nam đã chạm mức tăng trưởng thấp vào quý I/2023 với mức tăng trưởng GDP đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước và kể từ đó duy trì tăng trưởng.
Theo báo cáo tại Chương trình, 6 tháng đầu năm 2024, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vượt xa các dự báo trước đó khi đạt 6,42%, các tổ chức kinh tế trong nước và thế giới đưa ra dự báo, GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ dao động trong khoảng 5,7-6,7% trong năm 2024 và tăng nhanh hơn trong năm 2025 với mức tăng dao động từ 6,3-6,8%.
Báo cáo cũng cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong 8 tháng duy trì quỹ đạo tăng trưởng khoảng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái và PMI (Chỉ số Nhà quản trị mua hàng) tháng 8/2024 vẫn duy trì tích cực khi đạt mức 52,4 điểm. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng cao nhờ vào sự gia tăng trong hoạt động sản xuất, mặc dù đã chậm lại so với thời điểm tháng 6 và tháng 7/2024. Trong đó, dẫn dắt đà tăng ấn tượng của hoạt động sản xuất trong cá tháng đến từ sản xuất các sản phẩm như: Xăng, dầu, thép cán, điện sản xuất và vải dệt…
Thị trường xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng ổn định trong tháng 8/2024, trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu lũy kế từ đầu năm với các đối tác chính của Việt Nam tăng trưởng khá tích cực từ 10-25%.
Trong khi đó theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng năm 2024 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%).
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có nhiều tín hiệu tích cực, 8 tháng Việt Nam đã thu hút được 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn FDI giải ngân đạt khoảng 14,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ 2024.
Từ những tín hiệu tích cực trên, dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024, ông Trần Ngọc Báu - Công ty Cổ phần WiGroup cho rằng: Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đưa ra từ đầu năm 2024 (6,5%) và lạm phát đạt được mục tiêu từ 4-4,5%.
Cẩn trọng với những yếu tố bên ngoài
Mặc dù có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đặt ra từ đầu năm. Thậm chí, dựa vào mức tăng trưởng 6,42% trong 6 tháng đầu năm, nhiều dự báo của các chuyên gia kinh tế còn đưa ra nhận định, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2024 nếu tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Tuy nhiên, chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024, ông Trần Ngọc Báu cho rằng: “Vui thôi đừng vui quá”, bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm mặc dù khá tích cực, song lại phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài như xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chứ chưa hẳn đến từ nội lực của nền kinh tế.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương mới đây, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) từng cho rằng: Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, xuất nhập khẩu đang đạt hơn 100% GDP, nên Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nước ngoài, trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhiều lĩnh vực hoạt động gặp khó khăn. Cùng với đó, nền kinh tế Hoa Kỳ cũng đang đối diện với nhiều thách thức, điều này có thể sẽ tạo ra tác động đến tăng trưởng và xuất khẩu của Việt Nam.
Ở trong nước, dù tăng trưởng kinh tế đã có tín hiệu tích cực, tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động vẫn xấp xỉ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, điều đó chính tỏ cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ.
Trong bối cảnh đó, để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, từ nay đến cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Việt Nam nên đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế số, chính phủ điện tử, cải cách thể chế và cắt giảm những thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí ngoài pháp luật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Để thực hiện được các giải pháp trên, đòi hỏi những nỗ lực nghiêm túc của các cấp chính quyền, địa phương và các bộ, ngành trong thời gian tới.
PGS, TS Bùi Quang Tuấn – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Mặc dù mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024 là có cơ sở, nhưng vẫn phải cảnh giác với những tình huống bất ngờ. Bởi hiện chúng ta đang sống trong một bối cảnh khó đoán định, rất nhiều thay đổi và nhanh, những thay đổi ấy có thể làm đứt gãy rất nhanh các chuỗi cung ứng.