Bức tranh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phân bón ra sao trong mùa thấp điểm quý III?

Trong quý III, dù tình hình chung ngành phân bón có khởi sắc khi giá bán đã khá hơn so với cùng kỳ, thế nhưng bức tranh chung vẫn tương đối ảm đạm do qua đỉnh vụ Hè - Thu, nhu cầu giảm sút.

Thống kê từ BCTC của 14 doanh nghiệp phân bón niêm yết, có 6 đơn vị tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ, 1 đơn vị chuyển lỗ thành lãi, 1 đơn vị giảm lãi và 6 đơn vị đi lùi lợi nhuận.

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Diễn biến trái chiều từ các “ông lớn”

Trong quý III, Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã: DCM) chứng kiến doanh thu thuần giảm 19%, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng gần 64% do sự giảm mạnh của giá vốn và các khoản giảm trừ doanh thu.

Cùng đà tăng trưởng, Phân bón Bình Điền (mã: BFC) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng nhẹ 8%. Tuy nhiên mức tăng trưởng này đến từ việc giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp. Xét về mảng kinh doanh chính, BFC có quý kinh doanh giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Ngược lại, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã: DPM) lại giảm nhẹ cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu giảm 4% so với cùng kỳ, đạt gần 3.100 tỷ đồng; lãi ròng gần 64 tỷ đồng, giảm 3%, dứt chuỗi lãi trăm tỷ kéo dài từ quý IV năm ngoái.

Thực tế, quý III hằng năm thường là thời điểm nhóm phân đạm chứng kiến doanh thu giảm sút do thời điểm qua đỉnh vụ Hè - Thu. Sự tăng trưởng doanh thu của mỗi doanh nghiệp thường do kiểm soát giá vốn cùng các chi phí tốt.

Nhìn từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp ngành phân bón có phần khởi sắc hơn so với mức nền khá thấp cùng kỳ. Sau 9 tháng, DCM đạt gần 1.100 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 70%; DPM đạt 570 tỷ đồng, tăng trưởng 31%, BFC đạt 328 tỷ đồng, tăng tới 290%. Cả 3 doanh nghiệp đều đã vượt hoặc gần hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm 2024.

Các doanh nghiệp nhỏ hơn như Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã: LAS) kinh doanh tốt với doanh thu đi ngang và 33 tỷ đồng lãi ròng, tăng 14%. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn trong kỳ giảm mạnh nhờ mua được những lô nguyên liệu có giá hợp lý.

DAP – Vinachem (mã: DDV) thậm chí lãi gấp 3 cùng kỳ, đạt hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi gộp trong kỳ chỉ đi ngang. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh đến từ việc chi phí bán hàng giảm mạnh.

Đáng chú ý nhất là Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc, mã: DHB), khi chuyển từ mức lỗ kỷ lục 308 tỷ đồng trong quý III/2023 sang lãi 38 tỷ đồng tại quý III năm nay. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này có phần “khiêm tốn”, khi doanh thu trong quý này lên tới 1.025 tỷ đồng. Theo giải trình, doanh nghiệp cho biết kỳ này có lãi do hệ thống sản xuất duy trì chạy máy ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Đặc biệt, chi phí lãi vay đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, do đề án tái cơ cấu các khoản nợ vay đầu tư của Công ty tại Ngân hàng Phát triển (VDB) vào cuối năm 2023.

Nhưng với khoản lỗ hơn 137 tỷ vào quý II, Đạm Hà Bắc vẫn lỗ lũy kế 9 tháng 61 tỷ đồng (cùng kỳ 2023 lỗ 788 tỷ đồng).

Kỳ vọng vào việc sửa đổi thuế VAT

Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Việt Nam đang rơi vào khoảng 11 triệu tấn/năm, bao gồm các loại: Ure, DAP, NPK, Kali... Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là phân urê, với tổng công suất ước đạt 3 triệu tấn/năm.

Phần lớn nguyên liệu đầu vào được khai thác từ các mỏ khí trong nước như Bạch Hổ, Nam Côn Sơn... Riêng kali, Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.

Trong báo cáo phân tích ngành phân bón mới đây, giá phân bón trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi trong giai đoạn sắp tới. Nguyên nhân do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm đẩy giá khí tự nhiên tăng cao, chi phí sản xuất phân bón lên mạnh, nhiều nhà máy châu Âu phải đóng cửa làm gián đoạn nguồn cung.

Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga – Ukraine cũng là yếu tố gây tác động. Nga là một trong những nước sản xuất phân bón lớn nhất, nên các lệnh cấm vận xoay quanh xung đột gây ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung phân bón toàn cầu và gây biến động giá dầu.

Tuy nhiên, nhu cầu phân bón có thể sẽ đi xuống khi giá tăng, cũng như xu hướng chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững với phân hữu cơ khiến nhu cầu phân vô cơ giảm. Ngoài ra, một số quốc gia hạn chế xuất khẩu và duy trì sản xuất chỉ để đáp ứng nhu cầu nội địa, giữ giá phân bón thế giới ở mức thấp gần một năm qua.

Trong khi đó, CTCK BIDV (BSC) kỳ vọng vào Luật thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) dành cho ngành phân bón, cho phép đánh thuế VAT đầu vào với các mặt hàng phân bón thay vì miễn thuế như hiện nay. Tính toán cho thấy, việc đánh thuế VAT có thể giúp gia tăng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp phân bón như DCM hay các đơn vị thuộc Vinachem tới 20%.

Chia sẻ với phóng viên bên lề một hội thảo gần đây, đại diện một công ty phân bón niêm yết cho biết, nhiều năm nay, doanh nghiệp triền miên lỗ và sản xuất kinh doanh vô cùng khó khăn. Do không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, doanh nghiệp không được hoàn thuế đầu vào khiến chi phí sản xuất đội lên, trong khi đó doanh nghiệp không thể áp giá bán cao vì như vậy sẽ không cạnh tranh với giá phân bón nhập khẩu, người nông dân không mua hàng. Doanh nghiệp cũng không dám đầu tư vì toàn bộ phần thuế giá trị gia tăng hạch toán vào tổng mức đầu tư, không được hoàn thuế khiến chi phí đội lên rất nhiều.

Mỗi năm, tổng số tiền mà doanh nghiệp gánh chịu thêm do chính sách thuế hiện hành với phân bón lên tới 250 tỷ đồng. “Nếu doanh nghiệp được khấu trừ thuế sẽ có nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng phân bón. Bên cạnh đó, nếu giá cả đầu vào duy trì ổn định như hiện nay, doanh nghiệp có thể hạ giá bán ít nhất 3-5%”, vị này nói.

Ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ với phóng viên: “Hiện nay có 2 đề xuất là đánh thuế 0% và 5% với mặt hàng phân bón. Hiệp hội phân bón Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây lúc nào cũng trung thành với đề xuất 5%.

 Ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: Mai Trang

Ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: Mai Trang

Luật về thuế 2014, số 71/2014/QH13 đã ảnh hưởng rất nhiều mặt đến ngành phân bón.

Thứ nhất là các doanh nghiệp không được hoàn 5% thuế giá trị gia tăng của của vật tư đầu vào. Điển hình như Đạm Phú Mỹ đã thống kê được rằng mỗi năm giao động khoảng 300 - 500 tỷ/ năm, Tập đoàn Hóa chất 800-900 tỷ/ năm.

Thứ hai, việc này đã làm mất đi sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất. Theo đó, phân bón nhập khẩu có thuế 0%. Tức rằng một bên không được nhận 5%, một bên không có. Điều này đã tạo nên tạo sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh giữa bên sản xuất và bên nhập khẩu.

Thứ ba là ảnh hưởng đến đầu tư. Ngành phân bón Việt Nam hiện nay sản xuất được khoảng 6,5 - 7 triệu tấn phân bón. Thế nhưng đánh giá công bằng thì phân bón ta của chúng ta thường là các loại cùng cấp, trung bình, ít có các loại phân bón thế hệ mới, phân bón chất lượng cao, phân bón đa chức năng. Lý do là từ năm 2014 trở lại đây, các dự án đầu tư cho phân bón rất ít. Vì khi đầu tư người ta không được nhận 5% của vật chất đầu vào như thiết bị, dịch vụ… nên khi mà hạch toán sẽ tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả”.

Đánh giá về các ý kiến cho rằng ngành phân bón chịu thuế sẽ làm tăng giá, khiến người nông dân chịu thiệt, ông Hà nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ có các phân tích định lượng chính xác của cơ quan chức năng. Về phía nhà sản xuất, người ta nói là nếu nhận được 5% hoàn thuế thì sẽ tìm cách hạ giá sản phẩm. Đối với Nhà nước thì sẽ tăng được thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng việc làm”.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/buc-tranh-ket-qua-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-phan-bon-ra-sao-trong-mua-thap-diem-quy-iii.html
Zalo