Bức tranh cuộc đời của một người phụ nữ tham vọng
Mỗi người tận hưởng cuộc đời theo một cách riêng. Có người hài lòng với cuộc sống nhàn tản, có người thích chạy đua với guồng quay hối hả của công việc, nỗ lực cống hiến hết mình.

Những người giàu tham vọng luôn muốn cống hiến nhiều hơn trong sự nghiệp. Ảnh minh họa: tVN.
Một thị trưởng đã nghỉ hưu nhận lời mời tham gia buổi hội thảo dành cho sinh viên sắp tốt nghiệp của trường đại học về chủ đề “Quy hoạch nghề nghiệp”. Tôi với tư cách là phóng viên tự do về chủ đề “Biên chế xã hội” cùng với đại diện của Trung tâm Phát triển Tài năng thành phố, Cục Hồ sơ thành phố, Thành ủy và ba sinh viên khác vừa mới rời khỏi ghế nhà trường cùng tham dự buổi hội thảo chuyên đề của cựu thị trưởng.
Sau hội thảo, tôi và Lý Đình - nhân viên công chức nhà nước cùng nhau thiết kế bản powerpoint cho những nội dung chính đã thảo luận ngày hôm đó. Sau lần cộng tác này, tôi và Lý Đình tiếp xúc tương đối nhiều. Cậu ta quen miệng gọi tôi là “anh khóa trên”. Chúng tôi không học cùng trường, cậu ta gọi tôi như vậy có lẽ là vì tôn trọng tôi, người đã bước vào xã hội sớm hơn vài năm.
Để trở thành thư ký cho cựu thị trưởng, chắc chắn khả năng văn chương của Lý Đình phải rất giỏi. Nhưng khi tôi khuyên cậu ta trở thành nhà văn, cậu ta lại do dự. Lý Đình bảo rằng cậu ta đã 26 tuổi, đã qua độ tuổi thanh xuân giàu sức sáng tạo, bây giờ mới bắt đầu viết lách thì đã muộn mất rồi.
Tôi rất muốn nói cho cậu ta biết rằng khi xuất bản tác phẩm đầu tay, tôi đã 31 tuổi. Rất nhiều người thích sáng tác, yêu viết văn, và cũng rất nhiều người đủ kiên trì, nhiều năm không từ bỏ sở thích của mình. Nhưng bao nhiêu người có thể thật sự biến sở thích này thành sự nghiệp, bỏ cả cuộc đời để vun đắp cho nó?
Tiểu Bạch là một phụ nữ làm công tác chuyên trách vừa mới nghỉ việc chưa lâu, đã 35 tuổi mà trông chị như mới chỉ 26 hoặc 27. Rất nhiều bạn bè mới quen tò mò hỏi chị về bí quyết “trẻ mãi không già”, Tiểu Bạch chỉ mỉm cười bảo rằng: “Tâm trạng quyết định vẻ bề ngoài.”
Lúc trước Tiểu Bạch làm trợ lý tổng giám đốc của một tập đoàn nọ, phụ trách một số công việc hành chính văn phòng. Sau đó tổng giám đốc đột nhiên điều chị đến bộ phận dự án làm công tác nghiên cứu phát triển, điều này trái ngược hoàn toàn so với quy hoạch nghề nghiệp mà chị tự thiết kế cho mình.
Trước đây tổng giám đốc hứa sẽ để Tiểu Bạch làm giám đốc điều hành, nhưng sau đó lại cho chị làm các công việc khác nhau. Nào là gửi chị đi học nghiên cứu sinh cùng lúc hai chuyên ngành Triết học và Kinh tế học. Nào là giao cho chị thành lập một phòng nghiên cứu Triết học. Hoàn toàn bỏ quên lời hứa khi xưa.
Khi Tiểu Bạch xin nghỉ việc, rất nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Một mặt họ không muốn công ty mất đi một cán bộ bậc trung có năng lực, mặt khác lại cảm thấy rằng nếu thôi việc ở độ tuổi này và bắt đầu một công việc khác thì chắc chắn chị sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với thế hệ 9x. Ngoài ra, Tiểu Bạch có “dáng vẻ nho nhã” sẽ phải “trầy da tróc vảy” trên đường đua này.
Sau khi biết tin Tiểu Bạch thôi việc, một số bạn bè bắt đầu tới tấp hò hẹn chị đi dạo phố, mua sắm, xem sách, uống cà phê, thưởng thức món ngon… Cứ như thể đã bàn bạc từ trước, mọi người đều hỏi chị có dự định gì tiếp theo, hoặc mong muốn tìm một công việc như thế nào.
Trước sự nhiệt tình của mọi người, Tiểu Bạch cảm kích mỉm cười và trả lời các bạn rằng trước tiên cần nghỉ ngơi một thời gian rồi sau đó mới tính tiếp.
Một số người không hiểu, cho rằng Tiểu Bạch không có người nâng đỡ, không có vốn liếng để khởi nghiệp. Hàng tháng còn phải trả mấy nghìn tệ tiền thuê nhà, rồi lại còn phải nuôi cậu con trai đang học tiểu học… Cho dù có tiền dành dụm đủ để sống qua một thời gian thì chất lượng cuộc sống của cả gia đình cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Lần tiếp theo bạn bè gặp lại Tiểu Bạch là khi chị đã nghỉ việc được một năm. Họ hẹn nhau ở một quán cà phê, đây là chốn thư giãn mà Tiểu Bạch thích nhất. Bạn bè đoán rằng lúc gặp nhau rất có thể chị sẽ nói nhiều về những điều vụn vặt và than vãn về cuộc sống.
“Lâu lắm rồi không liên lạc, dạo này thế nào rồi?”, bạn bè hỏi.
“Vẫn khỏe, ngày nào cũng đều rất bận rộn, cảm thấy có quá nhiều thứ cần phải học,” Tiểu Bạch dịu dàng trả lời.
Tiểu Bạch mất một năm để học và thi chứng chỉ Chuyên gia Tư vấn Tâm lý Cấp hai Quốc gia và Chuyên gia Kinh tế hạng Trung cấp. Trong thời gian ấy, chị còn đăng ký học yoga. Hiện nay mỗi tuần chị đều dành một buổi để luyện tập cùng với huấn luyện viên và những người yêu thích Yoga khác. Đồng thời, chị cũng học Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh và cùng với thầy hướng dẫn thực hiện hai đề tài là “Sản xuất thông minh” và “Khu vực thương mại tự do”.
Tiểu Bạch nói với bạn bè rằng chị không có ý định làm chuyên gia tư vấn tâm lý, cũng không có kế hoạch nghiên cứu kinh tế chuyên sâu. Mà chỉ là do rất nhiều chuyện gặp phải trong cuộc sống khiến chị nhận thấy rằng những bài học mang tính lý luận này vẫn rất quan trọng. Nếu chỉ có thực tiễn thì sẽ chẳng khác gì một mảnh đất không hề có chất dinh dưỡng.
Bạn bè hỏi Tiểu Bạch: “Học nhiều như vậy, làm nhiều như vậy có mệt không?”
Chị trả lời: “Không mệt, hơn nữa còn thấy rất vui vẻ, có thể cảm nhận được ý nghĩa thật sự của cuộc sống.”