Bức ảnh Bác Hồ
Không biết các họa sĩ như anh Trần Văn Mười, Ngọc Phú, Hoài Thu... đã cùng nhau hoàn thành bức ảnh lãnh tụ như thế nào, mà sáng 31/1/1955, tại sân lễ đã thấy chân dung Bác hiện ra uy nghi, cao lớn lạ thường. Chưa bao giờ chúng ta được nhìn bức chân dung hiền dịu tươi cười mà trang nghiêm, lẫm liệt đến như vậy.
Do một họa sĩ trong nhóm hội họa tiến dẫn, các chiến sĩ đỡ bức ảnh từ xe Zeep xuống lộ, đưa vào khán đài và để bức ảnh lên chiếc bệ gỗ vững chắc, hai bên còn ràng dây kiềng chặt, gió không lay động được chân dung Bác.
Các em thiếu nhi xúm nhau lại reo mừng: “Bác Hồ! Bác Hồ!”; “Chúng em yêu Bác Hồ!”. Từ chân dung nước sơn vừa ráo, đôi mắt Bác âu yếm nhìn các em, như nói: “Các cháu ngoan!”.
Các cụ già đi qua, tự nhiên lột khăn, dỡ nón kính chào, các nhà chân tu đến chắp tay xá xá thành kính. Vì ở trên cao, người đi đường từ xa đã nhìn thấy Bác. Bác lại nheo mắt nhìn mọi người: khoan dung và tin tưởng.
Xe chạy qua, khách bảo “bác tài” dừng lại ngắm chân dung Bác. Xuồng ghe và người đi bộ dọc bờ sông đều hướng về nơi “có Bác”.
Năm 1954, Bác vừa đi Chiến dịch Biên giới và theo dõi chỉ đạo Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đôi mắt Bác hơi sâu và “nước da nâu vì sương gió” được các họa sĩ thể hiện rất đạt, chung đúc nên bức chân dung tôn nghiêm và giản dị. Tóc Bác mới hoa râm, nhưng má còn sâu hóp bởi những đêm thức khuya ngồi đánh máy chữ, soạn thảo công văn hoặc làm thơ.
Trăng và sao lấp lánh ở đâu trong mắt Bác, khi ta nhìn Bác, đôi mắt Bác như nhìn thẳng vào ta... Cứ như vậy, bà con cô bác, anh chị em gần xa đưa nhau đến mừng Bác Hồ trong ảnh. Dưới bức ảnh, Ban Tổ chức khẩn trương chuẩn bị khán đài và đặt bục nói chuyện nơi hợp lý nhất. Ở góc nào mọi người cũng thấy Bác nhìn theo.
Nghi thức lễ tân, chào cờ, mặc niệm chiến sĩ trận vong rồi hát bài “Lãnh tụ ca”, nhưng bấy giờ còn hát bài “Hồ Chí Minh muôn năm”! Và chào ảnh Cụ Hồ. Ðêm 31/1/1955, coi như có Bác cùng dự buổi mít tinh với hơn một trăm ngàn người dự. Khi anh Phạm Hùng nói những lời sắt son, thiết tha với đồng bào để tạm biệt, Bác vẫn nghe thấy rõ.
Qua phần lễ chính thức, đến chương trình văn nghệ, các cháu vũ điệu “Chúc thọ Bác Hồ” có câu: "Bác Hồ, đuốc sáng toàn dân. Vui múa ca chúc thọ Bác luôn sống hoài”. Các em tưởng Bác trìu mến nhìn xuống đàn cháu yêu quý. Ðến bài “Xin râu Bác Hồ” của Nhạc sĩ Trần Quang Ngọc, các em thấy chòm râu trong chân dung của Bác như rung rinh:
“Mong Bác Hồ cho chúng cháu xin
Một cái râu làm dây thân ái...
Khi bộ đội được lịnh xuống ca nô và tàu đầu bằng của đối phương ra vàm sông Ông Ðốc để lên tàu lớn, còn lại tấm ảnh khổng lồ của Bác, Ban Tổ chức và Bộ Chỉ huy không biết tính sao. Ðồng bào thị trấn xin để Bác ở lại với Cà Mau thân yêu, nhưng các anh lãnh đạo bảo đối phương sẽ tịch thu mất. Cuối cùng các chiến sĩ bồng súng dàn chào, công kênh chân dung của Bác đi tập kết. Chiều ngày 1/2/1954, ảnh Bác đã khoan thai ngự ở boong tàu Kilinski. Từ nơi đó, Bác nhìn rõ cuộc chia ly của kẻ ở người đi với những ước hẹn và lời thề chung thủy, dù chết chẳng đơn sai.
- Hồ Chí Minh muôn năm!
- Hồ Chí Minh muôn năm!
Loa truyền thanh hô vang lời tung hô vạn tuế lãnh tụ thiên tài ở bến chia ly, kết thúc 200 ngày tập kết, trước khi tàu rút thang lên, không còn đón khách nữa. Bỗng có một ngư dân nhảy đùng xuống biển nhanh nhẹn đến bám cầu thang leo lên ôm hôn chân dung Bác, nước mắt chảy ròng ròng. Rồi anh nhảy trở xuống biển, lội lại ghe buồm của mình trèo lên, ngó về phía Bác trên boong tàu cao lớn(*). Khi đến Sầm Sơn, bức ảnh được bộ đội rước vào phòng truyền thống sư đoàn. Nhìn chân dung Bác, nhớ Cà Mau 200 ngày tập kết, nơi Bác hiện ra như mặt trời sáng rực nắng mai ở sân lễ tiễn đưa.
(*) Chi tiết này lấy trong sách “Tây Nam Bộ 30 năm kháng chiến”