Bữa tiệc xa hoa của 'đại gia Gatsby châu Á'
Khi còn học đại học ở Mỹ, Jho Low đã sống xa hoa đúng chất một cậu ấm biết hưởng thụ. Cuối tuần, anh ta chìm đắm trong những bữa tiệc linh đình, ngập tràn champagne.
Philadelphia, tháng 11 năm 2001
Low đứng trong Shampoo, một trong những hộp đêm nổi tiếng nhất Philadelphia mà anh ta vừa thuê làm nơi tổ chức tiệc mừng sinh nhật lần thứ 20 của mình, và khảo sát nơi này. Anh ta đồng ý trả khoảng 40.000 đô-la để bao nguyên quầy bar và đồ tráng miệng, và yêu cầu không cho khách thông thường vào nhằm tạo bầu không khí độc quyền cho buổi tiệc.
Mới là sinh viên năm hai, Low đã miệt mài dành hàng tuần nghiền ngẫm cuốn danh bạ sinh viên ở Đại học Pennsylvania. Tuy không quen biết, nhưng anh ta cũng gọi điện cho Chủ tịch của các câu lạc bộ sinh viên trong trường vì muốn buổi tiệc phải tập trung được đầy đủ các cô gái được mến mộ nhất.
Đây không phải là một đêm liên hoan bình thường của sinh viên, và tất cả đều có mặt, từ thành viên của các đội thể thao cho đến các nhóm nghệ sĩ và sinh viên nước ngoài. Quầy bar đã sẵn sàng đầy đủ các loại sâm-panh, có thể đảm bảo ly của mỗi người đều đầy tràn suốt đêm.
Đứng dưới quả bóng Disco khổng lồ treo trên trần nhà, với dáng vẻ đã ngà ngà say và bắt đầu lắc lư vô thức theo tiếng nhạc đang nện thùng thùng, Low ngượng ngùng bắt chuyện với các cô gái, hỏi họ có cảm thấy thích bữa tiệc không. Dường như anh ta đặc biệt sốt sắng muốn làm hài lòng mọi người. Có lúc trong bữa tiệc tối hôm đó, một đoàn người mẫu chỉ mặc biniki làm từ lá rau diếp giễu qua sàn nhảy rồi leo lên nằm ngửa trên một mặt quầy bar.
Sau đó các nhân viên phục vụ đặt sushi phủ lên cơ thể gần như trần truồng của họ để các vị khách dùng đũa gắp. Một cô gái hóa trang giống Marilyn Monroe lộng lẫy xuất hiện và hát bài hát chúc mừng sinh nhật với giọng đầy nhục cảm. Low đứng xem màn trình diễn và mỉm cười trong tiếng hò reo tán thưởng của đám đông.
Một số người có mặt trong đêm ấy gọi Low là “Đại gia Gatsby của châu Á”, vì dường như chủ nhân của bữa tiệc chỉ đứng ngoài quan sát chứ không đích thân tham gia vào bữa tiệc của chính mình. Giống như Jay Gatsby, thân thế của Low được bao phủ trong một màn sương bí mật. Các vị khách mời cảm thấy họ cần phải nói chuyện với vị mạnh thường quân của mình, nhưng những cuộc trao đổi trở nên trịnh trọng đến gượng gạo và nhạt dần.
Anh ta tuy thân thiện nhưng thực sự không có chuyện gì thú vị để nói, thay vào đó lại cứ liên tục hỏi xem khách khứa đã hài lòng chưa. "Cậu có thích champagne không? Món sushi thế nào?". Anh ta không tán tỉnh các cô gái như cách làm thông thường của các nam sinh viên khác khi họ đứng ra tổ chức tiệc. Thực ra, anh ta thậm chí còn không hề tán tỉnh.
Low chọn học ở Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania, trong số các cựu sinh viên của trường này có Warren Buffett và Donald Trump, vì nơi đây nổi tiếng là lò sản xuất ra các tài phiệt sừng sỏ trên thế giới. Low học khoa kinh tế với mức học phí 25.000 USD/năm, và ở đây anh ta được học về cơ chế của chủ nghĩa tư bản. Nhiều bạn cùng lớp của Low, vốn thuộc các gia đình khá giả trên khắp thế giới, mơ ước về một sự nghiệp ở Phố Wall.
Low học chuyên sâu về tài chính hơn là môn kinh tế học vĩ mô khô khan, nhưng anh ta không có ý định xây dựng một sự nghiệp bình thường trong lĩnh vực ngân hàng. Anh ta học tập chăm chỉ trong năm đầu tiên, phải khẳng định, anh ta có khả năng nắm bắt nhanh với trí nhớ phi thường, nhưng sau đó bắt đầu coi Wharton trước hết là nơi để giao du và gây dựng các mối quan hệ.
Buổi tối hôm đó ở Shampoo, cũng như nhiều sự kiện khác mà anh ta sẽ đứng ra tổ chức trong suốt 15 năm tiếp theo tại các hộp đêm và sòng bạc khắp nơi trên thế giới, thuần túy là một màn trình diễn mà Low đạo diễn nhằm gây ấn tượng.
Chắc chắn, anh ta thích tiệc tùng và thích có những phụ nữ đẹp vây quanh, nhưng trên hết, đây là một khoản đầu tư giúp mang lại cho anh ta vẻ ngoài thành đạt và là một nhân vật không thể thiếu. Đó là lý do vì sao trước khi diễn ra bữa tiệc ở Shampoo, anh ta lại đưa ra một yêu cầu rất phô trương: Thiệp mời dự tiệc phải in hoa chữ JHO LOW khổ to bên cạnh tên của các câu lạc bộ trong trường.
Low in hai loại thiệp mời, là tiêu chuẩn và dành cho khách VIP, hứa hẹn rằng khách VIP sẽ có “quầy bar độc quyền miễn phí”, và có thông tin chi tiết về các chuyến xe bus đón khách từ khuôn viên trường chở tới hộp đêm.
Lúc này, trong tiềm thức Low đã hiểu được rằng con người muốn được cảm thấy mình là người quan trọng, được là một phần của một câu lạc bộ độc quyền nào đó, và anh ta đã đánh vào tâm lý đó. Trên tấm thiệp viết: “Trang phục hợp thời là yêu cầu bắt buộc. Không mặc đồ jeans hay đi giày thể thao”.
[...]