Bù Đăng: Từ mảnh đất chiến trường xưa vươn mình, hướng đến phát triển toàn diện

Mảnh đất chiến trường Bù Đăng xưa, sau 50 năm đến nay 'thay da đổi thịt', màu xanh phủ khắp núi đồi, hệ thống điện, đường, trường, trạm về buôn làng, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Chính quyền và Nhân dân huyện Bù Đăng đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Chính quyền và Nhân dân huyện Bù Đăng đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Sau 50 năm giải phóng và 36 năm tái lập, Bù Đăng từ một huyện miền núi, đất rộng, người thưa, hộ đói, nghèo, khó khăn chiếm tỷ lệ lớn, hạ tầng kinh tế-xã hội yếu kém, đến nay đang vươn mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển toàn diện.

Bù Đăng anh hùng từ trong khói lửa…

Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương cho biết trong kháng chiến chống Mỹ, Bù Đăng là địa bàn chiến lược, tiếp giáp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tại đây địch ra sức gây dựng căn cứ và chống phá cách mạng của ta.

Chúng ráo riết bắt lính, dồn dân vào ấp chiến lược hòng chia rẽ mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Song, với khát vọng thống nhất, độc lập, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đồng bào các dân tộc đã tin Đảng, theo Đảng để chống đế quốc và tay sai.

 Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương phát biểu. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương phát biểu. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Các căn cứ cách mạng được quân và dân Bù Đăng xây dựng ngay trong lòng địch như căn cứ “Nửa lon” ở xã Đăk Nhau, “Ấp cộng sản” ở Nghĩa Trung.

Và cũng tại nơi đây, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã sớm giác ngộ theo cách mạng và trở thành những người con tiêu biểu của núi rừng Bù Đăng như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Điểu Ong, Dũng sỹ diệt Mỹ Điểu Thị Lôi.

Đặc biệt, sóc Bom Bo đi vào huyền thoại khi sau 3 ngày đêm miệt mài giã gạo, đồng bào đã cung cấp cho chiến dịch Phước Long-Đồng Xoài 5 tấn gạo trong thời gian ngắn nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Dưới ánh đuốc bập bùng, nhịp chày khua rộn rã, cùng với những tình cảm dạt dào của đồng bào Bom Bo với cách mạng đã trở thành cảm hứng để cố nhạc sỹ Xuân Hồng sáng tác bài hát nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bom Bo.”

Sau Hiệp định Paris năm 1973, trước tình hình có lợi cho cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị cho phép mở chiến dịch Đường 14-Phước Long.

Dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, đúng 10 giờ 30 ngày 14/12/1974, quân ta làm chủ hoàn toàn khu trung tâm hành chính quận lỵ Đức Phong, giải phóng hoàn toàn Bù Đăng.

Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương khẳng định Bù Đăng được giải phóng có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, đây là quận đầu tiên được giải phóng trong chiến dịch Đường 14-Phước Long, góp phần mở thông hành lang chiến lược Đường 14, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng tỉnh Phước Long đầu năm 1975.

Từ chiến thắng này, đánh dấu một bước suy sụp mới của quân ngụy và can thiệp Mỹ, củng cố thêm quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

Bù Đăng được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân vui mừng khôn xiết. Từ đây, mở ra thời đại mới, thời đại của hòa bình, độc lập. Ghi nhận những thành tích đạt được trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Bù Đăng và 5 xã là Đồng Nai, Bom Bo, Thống Nhất, Nghĩa Trung, Đăk Nhau đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.

… thành điểm đến bình yên, thân thiện, nghĩa tình

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười, sau giải phóng, Đảng bộ và nhân dân huyện Bù Đăng bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo và xây dựng cuộc sống mới trong ngổn ngang đổ nát, khó khăn trăm bề.

Ngày mới giải phóng, cơ sở vật chất của huyện gần như không có gì, đường sá hư hỏng nặng, cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm y tế … đều vô cùng thiếu thốn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn.

Hiện nay, sau 50 năm giải phóng và 36 năm tái lập, Bù Đăng từ một huyện miền núi, đất rộng, người thưa, hộ đói, nghèo, khó khăn chiếm tỷ lệ lớn, hạ tầng kinh tế- xã hội yếu kém, đến nay, toàn huyện có 16 xã, thị trấn với khoảng 150.000 dân.

Đảng bộ huyện hiện có 63 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 4.300 đảng viên, trong nhiều năm là Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng.

Tỷ trọng nông nghiệp tại thời điểm tái lập huyện chiếm 90%, nay giảm xuống còn 39,9%; tăng tỷ trọng công nghiệp lên hơn 26% và thương mại, dịch vụ 34%; thu nhập bình quân đầu người đạt 77 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,35%.

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư xây dựng, đường liên xã được nhựa hóa, 100% đường liên thôn được cứng hóa, 99% số hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia, thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở tiếp tục được hoàn thiện; tất cả các xã, thị trấn trong huyện đã xóa nạn mù chữ và duy trì kết quả phổ cập Trung học Cơ sở, có 34/54 trường đạt chuẩn Quốc gia.

Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, thị trấn Đức Phong ngày càng xanh, sạch, đẹp, đạt tiêu chuẩn đô thị loại 5.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười thông tin Bù Đăng đạt được những kết quả to lớn như trên là nhờ sự chung tay, góp sức của Đảng bộ, chính quyền các cấp, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự đồng lòng ủng hộ, đoàn kết, tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc.

Với những kết quả đạt được qua 50 năm, ngày 12/12/2024, Bù Đăng vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Ông Vũ Văn Mười cho biết thời gian tới, Bù Đăng thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, phát huy tối đa các lợi thế của huyện, đảm bảo công tác quy hoạch.

Huyện xác định phát triển nông nghiệp là trọng tâm theo hướng quy hoạch các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Huyện đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp; tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển trường, lớp ngoài công lập; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế các cấp; khuyến khích phát triển mạng lưới y tế tư nhân có giường bệnh.

Đồng thời, huyện triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động, thu hút các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh kế thừa và phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Bù Đăng cần xác định đúng trọng tâm, đưa vào văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2025-2030 những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tầm đột phá, phù hợp với nguồn lực, khả thi, với khí thế và quyết tâm cao, đúng với phương châm “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách.”

Cùng đó, Bù Đăng phải tận dụng thời cơ, phát huy tiềm năng, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đổi mới và có những bước đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

Tỉnh cần quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, để người dân biết, hiểu, chia sẻ với thành quả của sự nghiệp đổi mới mang lại, cũng như cảm thông trước khó khăn của địa phương, từ đó hình thành ý chí, nghị lực, khát vọng cống hiến xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Bù Đăng chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp các dân tộc; phục dựng và duy trì các lễ hội truyền thống như Lễ hội tiếng chày trên Sóc Bom Bo, các lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào; khai thác tiềm năng du lịch từ những địa danh lịch sử, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như Trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, thác Voi, thác Pan Toong, sóc Bom Bo.

Đồng thời, tỉnh quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bù Đăng với những đặc trưng chung; đồng lòng, phát huy bản sắc, xây dựng huyện phát triển theo hướng “cuộc sống xanh, điểm đến bình yên.”

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bù Đăng Vũ Văn Mười nhấn mạnh, 50 năm - khoảng thời gian không dài nhưng đó là dấu mốc quan trọng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bù Đăng trong công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương.

Mảnh đất chiến trường xưa, nay đã thay da đổi thịt từng ngày, màu xanh đã phủ khắp núi đồi từ các loại cây công nghiệp, hệ thống điện, đường, trường, trạm đã về tận ngôi làng, ngõ xóm, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bu-dang-tu-manh-dat-chien-truong-xua-vuon-minh-huong-den-phat-trien-toan-dien-post1001841.vnp
Zalo