BRICS ngừng mở rộng

Tuyên bố được Tổng thống Nga Vladimir Putin - hiện giữ vai trò Chủ tịch luân phiên - đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 (dự định tháng 10/2024) với chủ đề 'Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển công bằng và an ninh trên toàn cầu', sẽ được tổ chức tại Kazan, thủ đô nước Cộng hòa Tatarstan.

Là hiệp hội không chính thức bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sau đó đã kết nạp thêm 5 thành viên mới là Ethiopia, Ai Cập, Iran, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, với chủ trương mở rộng ảnh hưởng, tạo dựng đối trọng, qua đó biến BRICS thành một hiệp hội hùng mạnh thách thức trật tự và quyền bá chủ dựa trên quy tắc của Mỹ và châu Âu. Đánh giá xu hướng hoạt động của nhóm, BRICS mong muốn sắp xếp lại cấu trúc kinh tế toàn cầu, chỉ trích “chủ nghĩa ngoại lệ” của các tổ chức lâu đời như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuyên bố tạm ngừng mở rộng được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16.

Tuyên bố tạm ngừng mở rộng được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16.

Ngoài ra, BRICS đã đặt ra nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo sự kết nối công bằng hơn giữa các quốc gia và tranh thủ sự tham gia tích cực của họ trong việc tái thiết cấu trúc kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng đơn cực hiện nay. Để hiện thực hóa điều này, BRICS đã đưa ra khái niệm “phi đô la hóa” và thuật ngữ “đa cực” trước sự ngưỡng mộ của đa số các nước đang phát triển ở Nam bán cầu. Một động lực được đánh giá cao cho quá trình này là việc nền tảng BRICS được tạo ra nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung rộng lớn hơn, tham gia các cải cách bền vững và vạch ra các định hướng chính trị và kinh tế xã hội tốt hơn.

Mở rộng và tranh cãi

Dưới sự dẫn dắt của Nga trong năm 2024, BRICS được định hướng dựa trên 3 nguyên tắc chính sách đặc biệt: Chuyển dịch theo hướng củng cố cấu trúc kinh tế mới; tôn trọng quyền bình đẳng và bảo vệ chủ quyền, cũng như duy trì sự tham gia công bằng hơn trong quan hệ quốc tế. Theo thông lệ điển hình và khi cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng mở rộng, cách tiếp cận của BRICS tập trung vào các phương thức hạn chế lợi ích chiến lược bao trùm của Mỹ và châu Âu trên toàn thế giới. Hơn nữa, các cuộc tranh luận mang tính học thuật đã củng cố lại thực tế cơ bản rằng BRICS đang biến thành một lực lượng thống nhất để đối trọng với các tổ chức kinh tế do phương Tây lãnh đạo như G7, IMF và WB.

Rất lâu trước khi đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của hiệp hội từ tháng 1/2024, Nga đã tăng cường chính sách hàng đầu của BRICS nhằm mở rộng về số lượng. Nhiều báo cáo chỉ ra rằng có hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới (chủ yếu ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi) đã sẵn sàng gia nhập, với mục tiêu cuối cùng là trở thành thành viên chính thức.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tổ chức tại Nam Phi dưới thời Tổng thống Cyril Ramaphosa, một số quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập tổ chức này, nhưng cuối cùng chỉ có 5 quốc gia tham gia. Các tài liệu chính thức, theo quy định, không đặt ra tiêu chí hoặc quy tắc cụ thể nào cho việc tiếp nhận thêm thành viên ngoại trừ việc sử dụng thuật ngữ linh hoạt “đồng thuận” - một thỏa thuận chung đạt được tại hội nghị thượng đỉnh - trong quá trình lựa chọn. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, dưới sự chủ trì của Nga, trọng tâm chú ý sẽ là mở rộng “vòng tròn bạn bè của BRICS” và điều này thường được phản ánh trong các tuyên bố chính thức của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các cuộc thảo luận về việc mở rộng và tiếp nhận thành viên mới đã diễn ra trong vài năm qua. Cho đến nay, chưa có quy trình đăng ký chính thức nào để gia nhập BRICS, nhưng bất kỳ chính phủ nào muốn tham gia đều phải nhận được sự ủng hộ nhất trí và lời mời chính thức từ các thành viên BRICS chủ chốt hiện tại - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Trong lịch sử, kể từ năm 2017, chính Trung Quốc đã kiên quyết thúc đẩy định dạng BRICS+ để thu hút một số lượng lớn các quốc gia chưa tham gia hiệp hội. Phạm vi hoạt động của BRICS quả thực đã mở rộng để bao trùm cả các vấn đề liên quan đến giáo dục và văn hóa, y tế và mức sống, khoa học và công nghệ, tài chính và chính trị. Tất nhiên, hiện nay nhiều nước đang phát triển đánh giá cao việc xây dựng quan hệ đối tác với BRICS, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là: Quan trọng là chất lượng hay số lượng?

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại Diễn đàn Primakov Readings thường niên, tháng 6/2024.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại Diễn đàn Primakov Readings thường niên, tháng 6/2024.

Thay đổi quan điểm

Tại diễn đàn Primakov Readings - Hội nghị quốc tế thường niên giữa các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới - tổ chức ở Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhận xét: “Các xu hướng hình thành trật tự đa cực là những thực tế mới. Mô hình toàn cầu hóa mất cân bằng và không công bằng đang trở thành quá khứ. Những xu hướng đó bao gồm sự xuất hiện của các trung tâm phát triển mới trên toàn cầu, sự tự nhận thức ngày càng tăng của nhiều nước đang phát triển và việc họ từ chối mù quáng đi theo các cường quốc thực dân trước đây”.

Ngày nay, các bên tham gia mới đại diện cho Nam bán cầu và Đông bán cầu đã bước lên sân khấu chính trị mới. Tham vọng địa chính trị của các bên tham gia toàn cầu mới được củng cố bởi tiềm năng kinh tế của họ. “Một phần đáng kể hoạt động đầu tư, thương mại và tiêu dùng toàn cầu đang chuyển dịch sang các khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, nơi sinh sống của phần lớn dân số thế giới”, theo Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh bất thường G20 tháng 11/2023.

Diễn đàn Primakov Readings thường niên được tổ chức để tưởng nhớ nhà chính sách đối ngoại kiên định, nguyên Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Yevgeny Primakov. Tại diễn đàn lần này, tháng 6/2024 vừa qua, chi tiết quan trọng chính là thông báo của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về việc đình chỉ quy trình tiếp nhận thành viên mới cho BRICS. Vào giữa tháng 6, ông Lavrov cũng đã chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS tại thành phố Nizhny Novgorod của Nga. Bộ trưởng Ngoại giao các nước BRICS đã quyết định ngừng kết nạp thành viên mới và bước đi này được phản ánh trong các văn kiện cuối cùng trước khi được thông báo chính thức như vừa nêu.

Truyền thông trong và ngoài nước đưa tin về tuyên bố của ông Lavrov: “Với đa số áp đảo, 10 thành viên quyết định “tạm dừng” kết nạp thành viên mới để tiếp nhận hoàn toàn 5 thành viên vừa gia nhập hiệp hội. Đồng thời, chúng tôi đang phân loại các quốc gia đối tác như là giai đoạn đầu trước khi kết nạp thành viên chính thức”. Ông Lavrov giải thích rằng BRICS sẽ tạm dừng để lập danh sách các quốc gia đối tác BRICS, động thái này có thể đóng vai trò là bước đệm để tiến tới kết nạp thành viên chính thức. Nga sẽ thúc đẩy “các quốc gia có cùng chí hướng”.

Động cơ và mục đích

Có thể hiểu được tại sao các thành viên BRICS quyết định tạm dừng việc kết nạp thành viên mới. Mô hình quốc gia - đối tác phù hợp với đoạn 92 của Tuyên bố Johannesburg II. Trong Tuyên bố Johannesburg dưới thời Tổng thống Nam Phi năm 2023, các nước BRICS đã giao nhiệm vụ cho các Bộ trưởng Ngoại giao tiếp tục phát triển mô hình quốc gia - đối tác BRICS - một danh sách các quốc gia đối tác tiềm năng và chia sẻ báo cáo trước khi Hội nghị thượng đỉnh Kazan diễn ra.

Trong thông cáo báo chí sau ngày 10 và 11/6, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS đã ghi nhận triển vọng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược trong BRICS, bao gồm việc thiết lập loại hình “quốc gia đối tác” mới và ngừng kết nạp thành viên mới từ khu vực Nam bán cầu và Đông bán cầu.

Theo các thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg năm 2023, các bộ trưởng đã đánh giá nỗ lực điều phối các phương thức phân loại quốc gia đối tác của BRICS. Các nước thành viên BRICS và các quốc gia khác đã sẵn sàng trao đổi lẫn nhau. Việc ngừng tiếp nhận thành viên không có nghĩa là BRICS đang tự cô lập mình với phương Tây. Hiện nay, trong khuôn khổ BRICS và các hiệp hội khác, nhiều tiến trình đang được tiến hành để bảo vệ phần còn lại của thế giới trước sự thái quá và hung hăng của các cường quốc phương Tây vốn thống trị thị trường quốc tế. BRICS sẵn sàng hội nhập theo nguyên tắc đa cực. Nói cách khác, BRICS không tách mình ra khỏi thế giới. Ngược lại, khối này đã phát triển thành một nhóm các quốc gia quan tâm đến công lý trên trường quốc tế.

Cuối cùng, các bên tham gia đã thông qua một tuyên bố chung, trong đó lưu ý sự cần thiết phải thực hiện các nỗ lực tập thể để nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sự gia nhập của Saudi Arabia (chưa chính thức, song vẫn tham gia đầy đủ các cuộc họp của BRICS), Iran, UAE, Ai Cập và Ethiopia đưa tỉ trọng của khối tăng lên 36% GDP toàn cầu và 46% dân số thế giới. Điều đó nói lên rằng BRICS có tiềm năng to lớn để thu hút các thành viên mới, nhưng tương đối phụ thuộc vào các đối tác để phát triển quan hệ với các quốc gia ở các châu lục khác nhau. Trong bối cảnh đó, theo kỳ vọng của Tổng thống Putin, BRICS sẽ tiếp tục phát triển quan hệ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, tài chính mà còn trong hợp tác an ninh, nhân đạo, văn hóa và các lĩnh vực khác. Xét đến những thách thức toàn cầu và xu hướng khách quan, khối này sẽ hành động dựa trên năng lực ngày càng tăng của các nền kinh tế khác.

Áp phích cổ động Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi.

Áp phích cổ động Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi.

Phát biểu với tư cách là khách mời chính tại diễn đàn St. Petersburg, Tổng thống Bolivia Luis Alberto Arce Catacora đã nói rằng những tác động kinh tế xã hội của nó là bằng chứng cho thấy thực tế có thể không chỉ là tầm nhìn về phát triển kinh tế và xã hội. Các khuôn khổ phát triển khác nhau có thể cùng tồn tại và chắc chắn điều này xuất phát từ quyết định độc lập của các quốc gia. Họ chịu trách nhiệm về quyết định của chính mình liên quan đến hệ thống kinh tế và chính trị của họ và đây phải là ý tưởng dẫn dắt trên toàn cầu. Còn ông Sergey Karaganov nhấn mạnh thực tế rằng “mô hình này là giải pháp thay thế cho chủ nghĩa thực dân mới dựa trên đồng USD, nơi các nền kinh tế phụ thuộc đồng USD và các cường quốc thực dân mới làm suy yếu chủ nghĩa đa phương bằng cách áp đặt một trật tự thế giới đơn phương”.

Giải quyết những khác biệt

Để quyết định trong giai đoạn đầu tiên về việc có nên mở rộng hay không, BRICS phải giải quyết các bất ổn nội bộ và ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra. BRICS đang hướng tới khu vực Nam bán cầu - các nước đang phát triển có sự chênh lệch rõ rệt nhưng lại chiếm 40% GDP thế giới và 80% dân số thế giới. Mặc dù sẵn sàng tận dụng nền tảng BRICS vốn được coi là mang tính biểu tượng trong tình hình địa chính trị hiện nay, nhưng có nhiều điều thực tế khó phát huy. Trong khi đó, các thành viên BRICS mới có nhiều vấn đề trong nước cần giải quyết và theo truyền thống vẫn phải dựa vào các thể chế phương Tây. Việc đưa liên minh của họ xã rời các thể chế này đồng nghĩa với việc đâm một con dao sắc nhọn vào động lực phát triển kinh tế của họ.

Là một tổ chức liên khu vực vượt ra ngoài các định nghĩa thông thường, BRICS bao trùm các khu vực nơi Á - Âu, Mỹ Latinh và châu Phi hội tụ, nhấn mạnh một nhóm liên khu vực hỗn hợp từ thế giới thứ ba và vượt qua các ranh giới truyền thống trong quản trị toàn cầu. Do đó, tồn tại nhiều thách thức thực tại, bao gồm việc thiếu điều lệ chính thức để kết nạp thành viên mới, giải quyết những xung đột và những điều này có thể cản trở sự phát triển của tổ chức. Cách tiếp cận hợp tác giữa các thành viên chính là yếu tố rất quan trọng để BRICS vượt qua xung đột nội bộ và đạt được mục tiêu của mình.

Ngoài ra, trong khi việc mở rộng BRICS bổ sung thêm các khía cạnh mới cho cuộc tranh luận về phi đô la hóa thì quá trình này lại không hề dễ dàng do những xung đột nội bộ của các nước thành viên sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/brics-ngung-mo-rong-i740202/
Zalo