'Bóng ma' Teotihuacan: Manh mối bí ẩn viết lại lịch sử đế chế Maya
Một bàn thờ cổ mới được khai quật tại thành bang Tikal, trung tâm huy hoàng của đế chế Maya xưa, đang làm rung chuyển giới khảo cổ khi tiết lộ dấu vết của một thế lực ngoại bang từng âm thầm thao túng nền văn minh này.
Nằm sâu dưới lớp đất rừng rậm Guatemala, bàn thờ được phát hiện bằng công nghệ quét laser LiDAR cho thấy Tikal một thành bang hơn 2.400 năm tuổi có thể từng bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ Teotihuacan, một siêu cường cổ đại cách đó 1.000 km, gần nơi ngày nay là thủ đô Mexico City.
Theo công bố trên tạp chí khoa học Antiquity, nhóm nghiên cứu quốc tế do Đại học Brown (Mỹ) dẫn đầu cho biết bàn thờ được xác định niên đại từ cuối thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên trùng khớp với thời kỳ bất ổn trong lịch sử Maya.

"Bóng ma" của một thành bang Tikal huy hoàng của đế chế Maya hiện ra dưới bản đồ được lập bởi LiDAR - Ảnh: ĐẠI HỌC BROWN
Được trang trí bằng bốn phù điêu sơn màu đỏ, đen và vàng, bàn thờ khắc họa một nhân vật đội mũ lông chim, đeo khuyên tai lớn, mắt hạnh nhân những đặc điểm không thuần chất Maya mà gợi nhớ đến hình tượng “Thần Bão” của Teotihuacan.
Giáo sư Stephen Houston, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định: “Vào khoảng năm 378, Teotihuacan về cơ bản đã ‘chặt đầu’ một vương quốc Maya. Bàn thờ này là một bằng chứng rõ ràng cho thấy họ không chỉ can thiệp mà còn áp đặt văn hóa, nghi lễ của mình lên Tikal.”
Teotihuacan theo nghĩa “nơi sinh ra của các vị thần” do người Aztec đặt sau khi phát hiện thành phố cổ vào thế kỷ 12 là một trung tâm đô thị phức hợp, có ảnh hưởng vượt ra ngoài ranh giới địa lý và văn hóa. Dù danh tính những người xây dựng nên nó vẫn còn là ẩn số, không ai phủ nhận tầm vóc vượt thời đại của họ.

Bàn thờ cổ bí ẩn khi chưa bị thời gian phá hủy - Ảnh đồ họa: Heather Hurst
Nghiên cứu mới cho rằng bàn thờ ở Tikal nhiều khả năng được chế tác bởi một nghệ nhân được đào tạo tại Teotihuacan, chứ không phải bởi người Maya bản địa. Đây là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy ảnh hưởng sâu sắc thậm chí có thể là sự chi phối của Teotihuacan đối với các thành bang Maya.
Việc phát hiện bàn thờ giữa lòng Tikal giống như sự trở lại của một “bóng ma” từ quá khứ minh chứng cho những mối quan hệ phức tạp, đôi khi đầy bạo lực giữa các nền văn minh cổ đại. Nó buộc các nhà khảo cổ phải viết lại những giả định lâu nay về quyền lực và ảnh hưởng trong khu vực Trung Mỹ cổ đại.
Giờ đây, Tikal không chỉ là biểu tượng của đế chế Maya, mà còn là điểm giao thoa quyền lực của những kẻ đứng trong bóng tối những người từ Teotihuacan, từng đến, từng chi phối… và rồi biến mất không dấu vết.