Bông hoa cúc và cánh hạc giấy - Một ngày không quên

Ngày hôm đó biển lặng, nắng vẫn rực rỡ từ sớm. Không có sóng lớn, chỉ có những cơn gió mằn mặn lướt qua mắt môi của những người đi trên chuyến tàu thăm Trường Sa vào một ngày tháng 5 năm ấy.

 Tác giả tham dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma

Tác giả tham dự lễ tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma

Buổi sáng hôm đó, tất cả các thành viên trên chuyến tàu mang số hiệu 561 thăm Trường Sa đã tập trung trên boong tàu cùng chuẩn bị cho lễ tưởng niệm các chiến sĩ trong trận Gạc Ma năm 1988.

Trước đó, khi còn trong đất liền, Đoàn đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Những người có mặt, ai cũng mang một vẻ trầm mặc, lặng lẽ, trên tay cầm những bông cúc vàng và những cánh chim hạc do mỗi người tự gấp bằng giấy trắng. Biển trời cùng hòa vào giây phút thiêng liêng ấy, lòng người trở nên nghẹn ngào.

Chúng tôi cùng nhau xếp hàng ngay ngắn hướng về đảo Gạc Ma - nơi 64 người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và trở thành "những người nằm lại phía chân trời" để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Họ đã gắn kết thành "vòng tròn sinh tử" - vòng tròn của lòng quả cảm, của tình đồng đội, và của bản lĩnh không lùi bước.

Tôi đến buổi lễ với tâm thế của một người trẻ biết về Gạc Ma qua những trang báo và lời kể của các thế hệ đi trước trong những buổi sinh hoạt chính trị. Nhưng khi con tàu tiến gần vùng biển ấy, trái tim tôi chợt chùng xuống.

Con tàu tạm dừng cho từng đợt sóng vỗ nhẹ vào mạn tàu như những tiếng thì thầm từ lòng biển sâu. Tôi cảm giác như các anh vẫn đâu đây, vẫn làm những công việc thường ngày, mắt hướng về đất mẹ bất chấp tháng năm qua đi.

Đồng chí trưởng đoàn giọng nghẹn ngào khi thay mặt đoàn gửi những lời tri ân tới những người đã hòa vào biển cả. Những người từng là con của mẹ, là bạn, là người yêu, là người cha chưa kịp gặp con mình. Những người đã không trở về, nhưng cũng chưa từng rời xa Tổ quốc và đồng bào.

Tác giả trong chuyến thăm Trường Sa

Tác giả trong chuyến thăm Trường Sa

Khi những cánh hạc giấy chao nghiêng trên sóng, tôi không kìm được sự xúc động. Cánh chim mong manh ấy dập dềnh trên sóng, vẫn kiên cường vươn mình lên trên mặt nước. Sự kiên trì, bền bỉ ấy như biểu trưng cho tinh thần dũng cảm, kiên cường của những người lính đã và đang ngày đêm bám biển bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Tôi nghĩ đến những lời cầu nguyện lặng thầm đang gửi theo từng cánh hạc: Nguyện cho linh hồn người lính thanh thản, nguyện cho biển, đảo mãi bình yên, và nguyện cho đất nước phát triển. Những cánh hạc nhỏ trôi theo sóng, mang theo hy vọng hòa bình.

Lễ tưởng niệm hôm ấy không kéo dài, không khẩu hiệu, nhưng mỗi người có mặt trên con tàu ấy đều mang trong mình sự lắng đọng sâu sắc. Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn mãi với những người mẹ mất con, với người vợ ngóng chờ một lá thư không bao giờ tới, với những đứa trẻ lớn lên chỉ biết cha mình qua di ảnh.

Và trách nhiệm của thế hệ hôm nay không chỉ là ghi nhớ, mà còn là sống xứng đáng với những hy sinh ấy - sống để gìn giữ hòa bình, để bảo vệ chủ quyền, để nối tiếp những gì cha ông đã khởi dựng bằng nước mắt và máu xương.

Tôi nghĩ đến những điều chưa từng nói ra: Rằng đôi khi trong cuộc sống thường ngày, ta dễ quên có những điều tưởng như hiển nhiên - như tự do, như bình yên, như lá cờ tung bay phấp phới trên đảo xa - nhưng thực tế phải đánh đổi bằng sự mất mát, hy sinh của lớp lớp người đi trước.

Những người lính Gạc Ma đã lặng lẽ nằm lại, không một lời oán than, không mưu cầu danh lợi, chỉ mong sao đất nước được toàn vẹn. Hòa bình quý giá vô cùng, sự hy sinh của các chiến sĩ lớn lao vô cùng.

Bông hoa cúc và cánh hạc giấy chuẩn bị cho lễ tưởng niệm các chiến sĩ trong trận Gạc Ma năm 1988

Bông hoa cúc và cánh hạc giấy chuẩn bị cho lễ tưởng niệm các chiến sĩ trong trận Gạc Ma năm 1988

Tôi tự nhắc nhở mình: Hãy biết ơn, hãy sống tử tế, hãy giữ gìn thành quả và tri ân các thế hệ đi trước đã ngã xuống để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Những lời ấy tôi lặng lẽ nhắc nhở mình trên cuốn sổ lưu niệm khi đoàn đến thăm đảo Sinh Tồn.

Con tàu lại tiếp tục chuyến hành trình. Cánh hạc giấy và những bông cúc vàng đã tỏa ra trên mặt biển như một sự đánh dấu chủ quyền. Cánh chim đó, bông cúc đó dù đi đến đâu cũng luôn nhắc nhớ về những người con dân tộc Việt Nam đã từng đến, đã ở đây và còn tiếp tục bảo vệ vùng biển Tổ quốc mình.

Trên cánh hạc gửi đi hôm ấy, tôi vẽ một ngôi sao năm cánh trên lá cờ Tổ quốc và một trái tim gửi gắm tình yêu của mỗi người dân Việt Nam dành cho các chiến sĩ.

Và từ nay, mỗi khi nhìn thấy bông cúc vàng hay một cánh hạc giấy, tôi sẽ nhớ về Gạc Ma - không chỉ là một địa danh, mà là biểu tượng của sự kiên cường, của niềm tin mãi mãi vào một dân tộc anh dũng, bất khuất. Và tôi luôn giữ trong tim lòng biết ơn vô hạn với các thế hệ cha anh.

Lê Mỹ Hoa (Ban Dân tộc và Tôn giáo, Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bong-hoa-cuc-va-canh-hac-giay-mot-ngay-khong-quen-20250725150916894.htm
Zalo