Tranh dân gian Việt Nam trở lại từ sàn diễn thời trang đến thế giới số

Tranh dân gian Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sình đang trở lại đầy sức sống, từ sàn diễn thời trang đến thế giới số.

Du khách hào hứng khi trải nghiệm làm tranh Đông Hồ trên giấy dó. Ảnh: INT.

Du khách hào hứng khi trải nghiệm làm tranh Đông Hồ trên giấy dó. Ảnh: INT.

Tưởng chừng chỉ còn là ký ức ngày Tết, tranh dân gian Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sình đang trở lại đầy sức sống, từ sàn diễn thời trang đến thế giới số. Song, sự hồi sinh ấy cũng đặt ra không ít thách thức về bản quyền, thương mại và gìn giữ bản sắc.

Từ hoài niệm Tết đến “chất liệu sống”

Đã có thời, tiếng rao “Ai mua tranh Tết đi...” dần vắng bóng, và tranh dân gian Việt như Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sình chỉ còn le lói trong những góc triển lãm, bức tường cũ hay dịp Tết cổ truyền, bị đẩy lùi lại giữa guồng quay của văn hóa thị giác hiện đại và nhịp sống số hóa.

Nhưng rồi, một làn sóng phục hưng âm thầm trỗi dậy. Những bức tranh “con gà, con lợn” tưởng chừng đã ngủ yên nay xuất hiện trở lại theo cách ít ai ngờ: Trở thành họa tiết chính trong bộ sưu tập áo dài, trang trí không gian nhà hàng, tích hợp vào chương trình học mỹ thuật, chuyển thể thành sticker, ứng dụng điện thoại và triển lãm số. Tranh dân gian Việt đang tái sinh không chỉ bằng ký ức, mà bằng chính ngôn ngữ sáng tạo và tinh thần hội nhập của thời đại hôm nay.

Trước khi bước vào đời sống đương đại, tranh dân gian vốn đã có một bề dày lịch sử và bản sắc độc đáo, là tấm gương phản chiếu tâm hồn và tín ngưỡng của người Việt qua nhiều thế kỷ. Ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam là Đông Hồ, Hàng Trống và Làng Sình, mỗi loại mang một dấu ấn văn hóa riêng biệt, phản ánh đời sống và tâm thức của từng vùng miền.

Tranh Đông Hồ, ra đời ở làng Hồ (Bắc Ninh), là biểu tượng của văn hóa làng xã Bắc Bộ. Nổi bật với kỹ thuật in ván khắc gỗ trên giấy dó quét điệp ánh bạc, tranh sử dụng hoàn toàn màu tự nhiên từ cây cỏ, khoáng vật. Những tác phẩm như “Đám cưới chuột” hay “Lợn đàn” không chỉ mang tính trang trí mà còn ẩn chứa lối tư duy dân gian hóm hỉnh, phê phán xã hội sâu sắc và khát vọng về cuộc sống no đủ.

Trong khi đó, tranh Hàng Trống của đất Thăng Long lại mang tinh thần đô thị, phục vụ tầng lớp trung lưu và đời sống tín ngưỡng. Với kỹ thuật “nửa in nửa vẽ”, mỗi bức tranh là một tác phẩm độc bản, rực rỡ sắc màu và mang đậm hơi thở cung đình, thể hiện qua các bộ tranh Tứ phủ, Tố nữ, Ngũ hổ, Mẫu nghi...

Khác biệt hẳn là tranh Làng Sình (Huế), mang phong cách dân dã, được in thủ công với màu sắc mộc mạc để phục vụ nghi lễ dân gian. Không dùng để trang trí lâu dài, tranh Làng Sình chủ yếu xuất hiện trong các nghi thức cúng bái, rồi được hóa sau đó.

Dù khác nhau về kỹ thuật và mục đích sử dụng, cả ba dòng tranh đều mang mỹ cảm thuần Việt: Mộc mạc, biểu tượng và giàu sức sống. Chính đặc trưng ấy giúp tranh dân gian dễ dàng thích ứng với thiết kế đương đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa cốt lõi.

 Nghệ nhân hướng dẫn làm tranh Đông Hồ và chia sẻ quy trình làm tranh tại một workshop tại Hà Nội. Ảnh: INT.

Nghệ nhân hướng dẫn làm tranh Đông Hồ và chia sẻ quy trình làm tranh tại một workshop tại Hà Nội. Ảnh: INT.

“Làm mới” tranh dân gian

Từng là biểu tượng văn hóa sống động của làng quê Bắc Bộ, nhưng sau năm 1945 và đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh, tranh Đông Hồ bắt đầu lùi vào dĩ vãng. Nhiều bản khắc gỗ cổ bị mất mát, nghệ nhân tản mác, làng nghề tan rã.

Đến thời kỳ đổi mới, trong guồng quay của kinh tế thị trường, tranh Đông Hồ gần như không còn giữ được vị thế vốn có. 90% hộ dân làng Hồ đã chuyển sang nghề khác, chủ yếu là làm hàng mã, nông nghiệp hoặc buôn bán nhỏ lẻ. Việc làm tranh bị xem là “không sống được” vì không có đầu ra ổn định, chỉ bán cầm chừng vào dịp Tết hoặc cho khách du lịch.

Một trong những khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt lực lượng kế cận. Dù đã có những chương trình truyền nghề và workshop trải nghiệm tại làng Hồ, nhưng phần lớn người trẻ không mặn mà theo nghề, vì không thấy được cơ hội kinh tế. Ngay cả khi nhiều nghệ nhân đã cố gắng đưa tranh Đông Hồ vào các sản phẩm hiện đại như bưu thiếp, lịch, sổ tay… thì thu nhập vẫn không đủ nuôi sống gia đình.

Một vấn đề nan giải khác là thị trường tiêu thụ quá nhỏ hẹp. Trong khi người tiêu dùng hiện đại ưu tiên sản phẩm tiện dụng, giá rẻ, thì tranh Đông Hồ với kỹ thuật thủ công tỉ mỉ và nguyên liệu tự nhiên lại có chi phí cao, thời gian sản xuất dài.

Chưa kể, trên thị trường hiện nay những sản phẩm “ăn theo” với chất lượng kém, sai bố cục, lệch màu, nhưng được bán đại trà với giá rẻ. Việc này không chỉ làm rẻ hóa hình ảnh tranh Đông Hồ, mà còn triệt tiêu lợi thế của những sản phẩm chuẩn mực được làm từ các nghệ nhân thật sự.

Trước thực tế tranh dân gian dần vắng bóng trong đời sống thường nhật, một hướng đi mới đã mở ra: Thay vì giữ tranh trong không gian bảo tàng hay nghệ thuật truyền thống, nhiều cá nhân và tổ chức đã nỗ lực “dịch chuyển” tranh dân gian sang các hình thức sáng tạo đương đại - từ thời trang, decor đến nền tảng số. Đây được xem là cách để các dòng tranh như Đông Hồ, Hàng Trống “xuống phố”, tiếp cận công chúng thông qua những sản phẩm gần gũi với thị hiếu hiện đại.

Thời trang là một trong những lĩnh vực đón nhận dòng chảy này sớm và mạnh mẽ nhất. Từ bộ sưu tập áo dài “Cô Ba Sài Gòn” của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, đến khăn lụa, túi vải in hình “Lợn đàn”, “Cá chép trông trăng”, tranh dân gian đã và đang thổi luồng sinh khí mới vào gu thẩm mỹ của giới trẻ.

 Một sản phẩm được giới thiệu trong cuốn Họa sắc Việt. Ảnh do nhóm S.River cung cấp.

Một sản phẩm được giới thiệu trong cuốn Họa sắc Việt. Ảnh do nhóm S.River cung cấp.

Không chỉ dừng ở yếu tố thẩm mỹ, nhiều thương hiệu trẻ như Kilomet109, CHIÊU hay Vụn Art còn xem tranh dân gian như một tuyên ngôn về bản sắc. Đặc biệt, Vụn Art - xưởng thủ công do người khuyết tật sáng lập tại làng lụa Vạn Phúc - đã tạo ra các sản phẩm túi, ví, tranh ghép mang họa tiết Đông Hồ từ vải vụn tái chế.

Những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa này không chỉ gây ấn tượng tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Pháp mà còn mở ra cơ hội sinh kế bền vững cho cộng đồng lao động yếu thế.

Anh Nguyễn Thành Long - quản lý phụ trách khách hàng tại Vụn Art, cho biết: “Slogan của Vụn Art là ‘Nghệ thuật từ những mảnh vụn’. Chúng tôi luôn theo đuổi triết lý lấy sản phẩm mang tính nghệ thuật làm cảm hứng sáng tạo, từ đó tạo nên sự độc đáo và khác biệt trong thiết kế. Tranh dân gian là thế mạnh của Vụn ngay từ những ngày đầu thành lập đến nay”.

Đưa tranh dân gian từ không gian truyền thống lên những sản phẩm ứng dụng gặp không ít khó khăn. Theo anh Long: “Từ tranh dân gian ứng dụng lên sản phẩm thực tế như túi, ví, tranh có nhiều thách thức vì không phải khách hàng nào cũng lựa chọn các sản phẩm có hình tranh dân gian. Nhưng đa số khách mua sản phẩm này bởi một phần họ yêu nghệ thuật, một phần bị thuyết phục bởi sự độc đáo, tinh xảo, khác biệt của các sản phẩm tranh dân gian”.

Nhìn về tương lai, anh Long kỳ vọng tranh dân gian Việt sẽ có mặt nhiều hơn không chỉ trong nước mà còn ở các triển lãm quốc tế, được thể hiện qua nhiều hình thái và chất liệu khác nhau để thu hút công chúng mới.

“Nếu muốn các sản phẩm tranh dân gian ‘sống’ giữa đời sống hiện đại, chúng ta luôn luôn sáng tạo hơn nữa, cả về cách thể hiện và chất liệu sử dụng. Và người làm ra sản phẩm phải thực sự có tâm với di sản mình đang giữ gìn”, quản lý Vụn Art nhấn mạnh.

Không chỉ trên áo quần, họa tiết dân gian còn hiện diện ngày càng phổ biến trong các không gian sống và thương mại. Nhiều quán cà phê, khách sạn, cửa hàng, studio sáng tạo đã mạnh dạn chọn tranh Đông Hồ hoặc Hàng Trống để trang trí tường, làm poster (áp phích), hay thậm chí là bao bì sản phẩm.

Các dự án số hóa di sản cũng đóng vai trò then chốt. Dự án “Hoa văn Đại Việt” của các nhóm bạn trẻ đã kỳ công nghiên cứu, số hóa hàng trăm họa tiết cổ, trong đó có tranh dân gian, rồi cung cấp chúng dưới dạng vector, font chữ, giúp các nhà thiết kế dễ dàng tiếp cận và ứng dụng.

Nhờ đó, họa tiết dân gian không chỉ là một bức tranh treo tường mà trở thành một phần của bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm. Một trong những chuyển động quan trọng và bền vững nhất là đưa tranh dân gian vào giáo dục. Các workshop trải nghiệm làm tranh Đông Hồ luôn thu hút đông đảo phụ huynh và học sinh.

Tranh dân gian Việt từng đứng bên bờ mai một. Nhưng nhờ nỗ lực cộng hưởng giữa các nghệ nhân gìn giữ nghề, giới nghiên cứu và thế hệ sáng tạo trẻ, di sản ấy đang được “kích hoạt” trở lại - không phải như những kỷ vật tĩnh tại trong tủ kính, mà như một dòng chảy sống động trong đời sống đương đại. Sự trở lại ấy không chỉ là của một dòng tranh, mà còn là minh chứng cho sức sống bền bỉ của bản sắc Việt trong kỷ nguyên hội nhập.

Bản sắc là thứ không thay đổi, quan trọng là cách thể hiện nó ra sao, và Vụn đã dung hòa yếu tố truyền thống và thẩm mỹ hiện đại qua các mảnh vải vụn, dưới sự khéo léo của các bạn khuyết tật đã giúp các mảnh vải vụn đó được tái sinh. Anh NGUYỄN THÀNH LONG, Quản lý phụ trách khách hàng tại Vụn Art

Nhật Hạ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tranh-dan-gian-viet-nam-tro-lai-tu-san-dien-thoi-trang-den-the-gioi-so-post741265.html
Zalo