Bóng đá Việt Nam làm gì khi Đông Nam Á chuyển mình?
Indonesia, Thái Lan - hai nền bóng đá hàng đầu Đông Nam Á - đã và đang thay đổi, đầu tư quyết liệt, còn Việt Nam thì sao?
Chính sách nhập tịch đã giúp phần ngọn – đội tuyển quốc gia Indonesia – có được thành tích tốt nhất Đông Nam Á(ĐNA) hiện nay khi Indonesia là đại diện duy nhất của ĐNA có mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á, đồng thời hy vọng trở thành đội bóng nam đầu tiên của ĐNA giành chiếc vé chính thức tham dự vòng chung kết World Cup 2026.
Indonesia đi sau về trước?
Khác với những quốc gia trước đây từng có cầu thủ nhập tịch như Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia sớm xác định nhập tịch phải là cầu thủ có huyết thống Indonesia, ưu tiên sinh trưởng ở Hà Lan và phải đang thi đấu ở nước ngoài với trình độ hơn hẳn cầu thủ nội địa.
Sau đó, LĐBĐ Indonesia (PSSI) tiến thêm một bước khi mời danh thủ Patrick Kluivert, cũng là một người Hà Lan, làm HLV đội tuyển.
Mới đây, ngày 8.2, tiền đạo gốc Hà Lan, Ole Romeny từng là tài năng thi đấu cho các đội tuyển U Hà Lan từ 15, 18, 19 cho đến 20 đã tuyên thệ chính thức trở thành công dân của Indonesia, qua đó đủ điều kiện khoác áo đội tuyển Indonesia tham dự vòng loại World Cup 2026 trong tháng 3 tới.
Việc chọn tiền đạo Romeny có lý do khi hiệu suất ghi bàn từ các chân sút nhập tịch của Indonesia có phần hạn chế, cụ thể là trung phong Rafael Struick chỉ ghi được 1 bàn sau 25 trận, hay như tiền đạo Ragnar Oratmangoen cũng chỉ ghi được 2 bàn sau 10 trận. Không chỉ vậy, Oratmangoen còn bị thẻ đỏ trong trận đấu với Ả Rập Saudi nên sẽ vắng mặt ở trận quyết định gặp Úc vào ngày 20.3 tới.
![Ole Romeny tại lễ tuyên thệ chính thức trở thành công dân Indonesia tại London ngày 8.2](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_287_51440630/e26defb9dbf732a96be6.jpg)
Ole Romeny tại lễ tuyên thệ chính thức trở thành công dân Indonesia tại London ngày 8.2
Đáng nói hơn, Chính phủ Indonesia không chỉ đồng thuận mà còn hỗ trợ tuyệt đối chính sách nhập tịch cầu thủ của PSSI, đó là lý do Ole Romeny đã làm lễ tuyên thệ trở thành công dân Indoneisa ở London mà không cần phải trở về Indoneisa làm lễ. Có lý do giải thích cho sự ưu ái này là Ole Romeny đang thi đấu cho Oxford United (Anh), nên làm lễ tại London sẽ thuận tiện hơn, nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ chính phủ cho đến Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để PSSI thực hiện việc nhập tịch đạt hiệu quả cao, trong thời gian ngắn nhất.
Đó cũng là lý do Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia, ông Dito cho biết sẽ tiếp tục hoàn tất nhập tịch cho cặp trung vệ 19 tuổi người Hà Lan Dion Markx và Tim Geypens. Song song với việc nhập tịch cầu thủ cho đội tuyển quốc gia, Indonesia cũng nhập tịch cho đội U20 trong trường hợp đội U20 Indonesia giành quyền dự U20 World Cup 2025 ở Chile (khai mạc tháng 9 ở Chile), và cả đội U22 nhằm giúp cho HLV Indra Sjafri hoàn thành mục tiêu bảo vệ huy chương vàng SEA Games 2025 tại Thái Lan vào cuối năm nay.
Indonesia là quốc gia áp dụng chính sách nhập tịch cầu thủ trễ hơn các quốc gia có nền bóng đá hàng đầu khu vực, nhưng cho đến lúc này, Indonesia là nền bóng đá áp dụng chính sách nhập tịch cầu thủ hiệu quả nhất và đạt thành tích tốt nhất ĐNA.
Thái Lan luôn đi đầu khu vực
Thái Lan đã là quốc gia đầu tiên trong khu vực áp dụng công nghệ VAR tương tự như Premier League (giải vô địch quốc gia Anh quốc) vào Thai-League từ năm 2020.
![Madam Pang và Chủ tịch FIFA Gianni Infantino](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_287_51440630/a1fab12e85606c3e3571.jpg)
Madam Pang và Chủ tịch FIFA Gianni Infantino
Mới đây, LĐBĐ Thái Lan (FAT) tiếp tục là quốc gia mở đường ở ĐNA khi áp dụng công nghệ bắt việt vị Crosshair 3D của VAR. Thay vì kẻ vạch 2D, các trọng tài sẽ được hỗ trợ bởi hình ảnh 3D giúp xác định vị trí việt vị nhanh hơn trước đây.
Với sự thay đổi này sẽ giúp các trọng tài rút ngắn thời gian trung bình trong một lần kiểm tra việt vị bằng VAR đến 30 giây. Tuy nhiên so với phiên bản 2D trước đây, nay các sân vận động phải lắp đặt tối thiểu 16 máy quay thay vì 12.
Dự án này được FAT cùng với ban tổ chức giải Thai-League thông qua vào tháng 7.2024 với tổng chi phí 500.000 USD, và bắt đầu áp dụng từ tháng 1-2025.
Không phải ngẫu nhiên FIFA dành lời khen tặng FAT và ban tổ chức Thai-League mà FIFA còn hỗ trợ cho FAT thực hiện hoàn hảo dự án này.
Chủ tịch FAT Madam Pang giải thích Thai-League cần sự cải tiến, nâng cấp này nhằm tăng thêm tính chính xác để từ đó giảm đáng kể các lỗi có khả năng làm thay đổi kết quả trận đấu và đem lại công bằng cho các đội bóng.
Cho đến nay, Thai-League là giải vô địch quốc gia thành công nhất về mọi mặt khi so với phần còn lại của ĐNA.
Thực trạng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam
Singapore, Malaysia, Philippines cũng có những chuyển động tích cực, nhưng hiện nay, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam vẫn được xem là 3 "anh cả" của khu vực.
Tuy nhiên, so với “mũi nhọn” nhập tịch của Indonesia thì bóng đá Việt Nam chưa có chiến lược rõ ràng trong việc khai thác nguồn lực Việt kiều.
Tương tự, khi so với “mũi nhọn” ngày càng hoàn thiện hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, thì Thái Lan đã và đang tiến nhanh, tiến đều về phía trước, khác rất nhiều so với Việt Nam. Chỉ tính riêng giải bóng đá chuyên nghiệp, Việt Nam vẫn loay hoay và chưa đưa ra được bất kỳ giải pháp nào cũng như thời gian cụ thể cho lộ trình thiết lập trở lại mô hình bóng đá chuyên nghiệp như thế giới. Với 14 đội ở V-League và 11 đội ở giải Hạng Nhất, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có số lượng đội bóng đỉnh cao nhiều hơn các giải hạng dưới. Thậm chí, nếu không có sự hào phóng của ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LPBank, ngoài việc đầu tư cho đội bóng quê hương Phù Đổng Ninh Bình, ông còn quyết định LPBank tài trợ cho các đội Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Hòa Bình, Nha Trang, Trẻ TP.HCM.
Tính ra LPBank đã tài trợ và hỗ trợ kinh phí cho 7/11 đội ở giải Hạng Nhất. Nói không quá đáng, nếu không có sự "ra tay" cứu giúp của ông Nguyễn Đức Thụy, thì giải Hạng Nhất mùa này 2024 - 2025 đã lâm nguy và không biết sẽ còn chính xác bao nhiêu đội có thể dự tranh, khi mà trước đó lãnh đạo tỉnh Long An đã chính thức ra quyết định bỏ giải nhưng giờ chót đã tham gia thi đấu nhờ nguồn lực tài chính của LPBank, cũng như là sự hỗ trợ nhân sự từ ban huấn luyện cho đến nhiều cầu thủ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Ngoài ra, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có dấu hiệu đứng bên lề giải Hạng Nhất mùa này do khó khăn kinh phí, nhưng sau đó đã tham gia nhờ sự hỗ trợ của LPBank.
***
Nói lên thực trạng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam rồi nhìn sự chuyển động tích cực của Thái Lan, Indoensia và thấp hơn là từ Malaysia, Singapore, Phiilippines, chúng ta dễ dàng cảm nhận hơn: bóng đá Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai nếu không ngừng cải tiến và có những chiến lược, kế hoạch phát triển cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là hai giải bóng đá chuyên nghiệp V-League và Hạng Nhất.