Bóng đá Việt Nam là hạt giống số 1 tại SEA Games 33
Cả đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ Việt Nam đều thuộc nhóm hạt giống số 1 tại SEA Games 33.

Đội tuyển U22 Việt Nam và đội tuyển nữ Việt Nam thuộc nhóm hạt giống số 1 tại SEA Games 33
Sáng 21/5, Ban thi đấu Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) họp tại Thái Lan để thống nhất thể thức bóng đá nam và nữ SEA Games 33, sau khi được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) thông qua kế hoạch tổ chức.
Bóng đá nam gồm 11 đội chia làm 3 bảng, chỉ sử dụng cầu thủ U22 sinh từ ngày 1/1/2003 về sau. Bảng A gồm 3 đội, còn B và C có 4.
Bóng đá nữ gồm 9 đội chia làm 3 bảng, mỗi bảng 3 đội. Các đội sẽ thi đấu vòng tròn một lượt, chọn ra 3 đội nhất và đội nhì thành tích tốt nhất vào bán kết.
Việc phân nhóm hạt giống dựa trên quyền đăng cai và thành tích kỳ gần nhất ở Campuchia.
Theo đó, nhóm hạt giống số 1 bóng đá nam gồm Indonesia (huy chương vàng), Thái Lan (chủ nhà, huy chương bạc) và Việt Nam (huy chương đồng). Nhóm 2 có Myanmar, Malaysia, Campuchia. Nhóm 3 gồm Timor Leste, Philippines, Lào. Nhóm 4 có Singapore và Brunei.

Hạt giống số 1 bóng đá nữ có Việt Nam (huy chương vàng), Myanmar (huy chương bạc) và Thái Lan (chủ nhà, huy chương đồng). Số 2 gồm Campuchia, Philippines, Singapore. Số 3 có Malaysia, Lào, Indonesia.
Do là chủ nhà, Thái Lan được hưởng đặc quyền chắc suất nằm ở bảng A. Điều này có lợi nhất ở bóng đá nam khi được nằm ở bảng 3 đội, trong khi 2 bảng còn lại có 4 đội.
SEA Games 33 diễn ra từ ngày 9 - 20/12, ở 3 tỉnh Bangkok, Chonburi và Songkhla, nhưng bóng đá nam khởi tranh từ ngày 3 - 18/12. 3 sân đấu được lựa chọn là Rajamangala (Bangkok), Tinsulanonda (Songkhla) và 700th Annivesrary of Chiangmai (Chiangmai). Riêng Rajamangala tổ chức thêm bán kết, tranh huy chương đồng và chung kết.
Bóng đá nữ tổ chức từ ngày 4 - 17/12. 2 sân tổ chức là Chonburi và TNSU Chonburi.
Chuyển từ 2 lên 3 bảng đấu là quyết định thay đổi lịch sử bóng đá SEA Games. Trước đó, bóng đá nam từ năm 1959 và bóng đá nữ từ năm 1985 luôn duy trì thể thức 1 - 2 bảng đấu.
Vấn đề giảm tải lịch thi đấu ở môn bóng đá, đặc biệt là nam, được Tổng cục Thể thao Thái Lan và Liên đoàn Bóng đá Thái Lan thảo luận từ tháng 1. Các kỳ trước có từ 10 - 11 đội tuyển chia làm 2 bảng, dẫn đến mỗi đội phải thi đấu với tần suất 2 - 3 ngày một trận. Điều này làm tăng nguy cơ chấn thương cho cầu thủ, đồng thời giảm chất lượng thi đấu.
Bóng đá nam đã có mặt ở 33 kỳ đại hội, từ năm 1959. Thái Lan giành 16 huy chương vàng bóng đá nam. Xếp sau là Malaysia (6), Myanmar (5), Việt Nam và Indonesia (3).
Bóng đá nữ có mặt ở 13 kỳ đại hội, từ năm 1985. Việt Nam giành 8 huy chương vàng, còn Thái Lan là 5.