Bóng đá Việt Nam hụt bước trong đào tạo trẻ
Thất bại của đội tuyển U20 Việt Nam tại Vòng loại châu Á 2024 là sự nối tiếp chuỗi thành tích không tốt thời gian qua. Đó cũng là một trong những tín hiệu cảnh báo đối với những người làm bóng đá trước nguy cơ bóng đá Việt Nam hụt bước trong khâu đào tạo trẻ.
U20 Việt Nam rõ ràng đã không tận dụng được lợi thế sân nhà, dẫn đến việc lần đầu sau 6 kỳ liên tiếp tính từ năm 2008 góp mặt, đã đứng ngoài cuộc chơi tại VCK châu Á. Kết quả khiến Công Phượng và các đồng đội lỡ cơ hội rèn luyện và thử lửa trước các đối thủ chất lượng hơn ở đấu trường châu lục.
Có nhiều lý do dẫn đến kết quả không tốt của đội tuyển U20 Việt Nam, từ việc một số cầu thủ tập trung muộn, chiến thuật chưa hợp lý của BHL hay bộ khung thiếu một vài gương mặt quan trọng. Tuy nhiên không thể phủ nhận thực tế, đây là sự tiếp nối chuỗi thành tích không tốt thời gian qua của bóng đá Việt Nam.
Thực tế từ năm 2015, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã đặt ra định hướng đầu tư mạnh hơn cho khâu đào tạo trẻ, khuyến khích các đội bóng tăng nguồn tài chính đào tạo. Chiến lược này đã đem lại giai đoạn thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam sau đó, khởi đầu từ giải U23 châu Á 2018 (Thường Châu, Trung Quốc) gắn với lứa Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh, Tuấn Anh, Văn Hậu… Nhiều đội bóng được đánh giá có khâu đào tạo trẻ tốt, cơ sở vật chất tiêu chuẩn như Thể Công Viettel, HAGL, PVF, Hà Nội hay cả SLNA.
Có thể thấy rõ “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam gắn với HLV Park Hang-seo quy tụ những cầu thủ xuất sắc nhất của các lò đào tạo nói trên. Đến thời điểm hiện tại, Quang Hải, Văn Hậu, Hoàng Đức hay Duy Mạnh…vẫn là những gương mặt khó có người thay thế ngang tầm ở đội tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, cùng với những khó khăn về tài chính, nhiều lò đào tạo đã không còn giữ được “phong độ” như trước. Điển hình trong số này có thể kể đến HAGL, một trong những tấm gương về đào tạo trẻ trước kia. Từ sau lứa 1 Học viện HAGL gắn với thương hiệu JMG của Arsenal, HAGL chưa giới thiệu thêm được lứa cầu thủ trẻ nào chất lượng. Mới đây, đội bóng của bầu Đức đã có những thay đổi nhằm xốc lại khâu đào tạo trẻ, nhưng hiệu quả vẫn là dấu hỏi. Tương tự, SLNA là lò đào tạo giàu truyền thống nhất nhưng những năm qua trở nên xuống sắc, suy giảm thành tích ở cả đội 1 và tuyến trẻ.
Một tình trạng khác đang diễn ra với bóng đá Việt Nam các năm qua, là khá nhiều “tay chơi” mới với tiềm lực tài chính mạnh đã tích cực mua sắm, thu hút quân từ các đội khác, tiêu biểu là CAHN và Nam Định. Cách làm này khá giống với nhiều đội bóng trước đây, trong ngắn hạn đã giúp đem lại những kết quả tốt. CAHN và Nam Định 2 mùa giải qua đã thay nhau đăng quang ngôi vô địch V-League.
Tuy nhiên về dài hạn, liệu đây có phải cách làm bóng đá bền vững không vẫn là dấu hỏi. Trường hợp điển hình gần nhất không đâu xa là TP Hồ Chí Minh, đội bóng từng đình đám trên thị trường chuyển nhượng cả nội lẫn ngoại binh. Tuy nhiên TP Hồ Chí Minh sau đó đã sa sút một cách nhanh chóng khi không còn duy trì được tài chính vững mạnh để duy trì việc nuôi một đội bóng gồm nhiều cầu thủ đắt tiền, trong khi gốc rễ là khâu đào tạo trẻ chưa vững.
Tại V-League, một số đội bóng cũng hổng hoặc yếu về đào tạo trẻ dù tài chính khá tốt, được sự hỗ trợ của địa phương, trong đó không thể không kể tới Hải Phòng. Mỗi năm đội bóng của Chủ tịch Văn Trần Hoàn được hỗ trợ hàng chục tỷ, nhưng đào tạo trẻ chưa khi nào tốt.