Bóng đá Trung Đông chênh vênh giấc mộng 'hóa rồng'

Với tham vọng vươn tầm, bóng đá Trung Đông đã và đang thực hiện nhiều chiến lược khác nhau nhưng hiệu quả thu về không cao. Đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?

Sức mạnh đồng tiền

Đầu tháng 12/2024, FIFA đã chính thức công bố Ả Rập Xê Út trở thành quốc gia đăng cai World Cup 2034. Như vậy, chỉ sau 12 năm, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ trở lại vùng vịnh.

Trước đó, năm 2022, Qatar trở thành quốc gia Trung Đông đầu tiên đăng cai một kỳ World Cup. Dự kiến, World Cup 2034 sẽ diễn ra vào tháng 1 để tránh cái nóng gay gắt của mùa hè.

Trận đấu giữa Al Riyadh và Al Ettifaq tại Saudi Pro League 2023 vắng bóng khán giả.

Trận đấu giữa Al Riyadh và Al Ettifaq tại Saudi Pro League 2023 vắng bóng khán giả.

Dù vậy, việc Ả Rập Xê Út làm chủ nhà World Cup gây nhiều tranh cãi khi FIFA chỉ cho các ứng viên 1 tháng nộp hồ sơ. Australia và Indonesia nhanh chóng rút lui, Ả Rập Xê Út mặc nhiên giành vé vì là ứng viên duy nhất. Truyền thông phương Tây cho rằng, không loại trừ khả năng Ả Rập Xê Út đã có động thái "đi đêm".

Trước đó, vụ Qatar đăng cai World Cup cũng lộ ra bê bối nhận hối lộ của hàng loạt quan chức cấp cao FIFA. Hai sự kiện này cho thấy điều gì? Bóng đá Trung Đông rất khao khát tạo dấu ấn.

Thực tế, trong những năm gần đây, dòng tiền từ các mỏ dầu đã chảy khắp châu Âu. Hàng loạt tài phiệt vùng vịnh vung tiền thâu tóm các đội bóng tại Ngoại hạng Anh, Ligue 1… Thành công nhất phải kể đến thương vụ thâu tóm Man City của tỷ phú Sheikh Mansour. Nhờ đầu tư không giới hạn, Man xanh đã trở thành một trong những đội bóng mạnh nhất lục địa già.

Bên cạnh đó, nhiều đội bóng Ả Rập cũng chọn đi tắt đón đầu để tìm kiếm vinh quang. Cụ thể, họ đưa về những ngôi sao đang chơi bóng ở châu Âu với hy vọng nâng tầm. Bản hợp đồng giữa Al Nassr (Ả Rập Xê Út) và Cristiano Ronaldo đã mở đường để hàng loạt tên tuổi "bay" tới vùng vịnh.

Al Hilal mạnh tay đưa Neymar về từ PSG. Ngoài ra, CLB này còn tuyển mộ Ruben Neves (từ Wolves), Kalidou Koulibaly (Chelsea), Sergej Milinkovic-Savic (Lazio) và Malcom (Zenit St Petersburg).

Al Ahli tuyển mộ Roberto Firmino (Liverpool), Riyad Mahrez (Man City), Allan Saint-Maximin (Newcastle), Roger Ibanez (Roma), Edouard Mendy (Chelsea) và Gabri Veiga (Celta Vigo).

Al Nassr của Ronaldo cũng chẳng kém cạnh khi sở hữu thêm Sadio Mane, Marcelo Brozovic, Aymeric Laporte, Seko Fofana, Alex Telles và Otavio. Trong khi Al Ittihad đem về Karim Benzema, N'Golo Kante, Jota, Fabinho và Luiz Felipe.

Nhà giàu cũng khóc

Nhưng một loạt những động thái trên đã đem lại gì cho bóng đá vùng vịnh? World Cup 2022 không thể trở thành cú hích cho đội tuyển Qatar. Đội bóng này trở thành đội tuyển đầu tiên bị loại tại giải đấu trên sân nhà. Tới vòng loại thứ 3 World Cup 2026, Qatar cũng gây thất vọng khi mới giành 7 điểm sau 6 lượt trận.

Ronaldo (CLB Al Nassr) và Benzema (CLB Al Ittihad) đối đầu tại Saudi Pro League.

Ronaldo (CLB Al Nassr) và Benzema (CLB Al Ittihad) đối đầu tại Saudi Pro League.

Trong khi đó, việc vươn tầm ảnh hưởng sang bóng đá châu Âu cũng chỉ dừng lại ở mức độ quảng bá. Theo tờ Telegraph, chưa có thước đo nào cho thấy các CLB như Man City, PSG giúp bóng đá Ả Rập bứt lên trên bản đồ thế giới. "Họ muốn mở rộng quyền lực cá nhân, phục vụ các mục đích chính trị chứ không đơn thuần là mục đích thể thao", Telegraph nhận định.

Nhưng thất bại lớn nhất phải kể đến chiến lược vung tiền tậu sao. Sự góp mặt của những Ronaldo, Neymar… chỉ giải quyết phần nào bài toán tò mò. Các trận đấu ngày một thưa thớt trong khi văn hóa hồi giáo làm khó các cầu thủ vốn quen sống ở châu Âu. Chính bởi vậy, nhiều xung đột đã xảy ra và không ít cầu thủ đã tìm đường tháo chạy.

Tờ New York Times mỉa mai rằng, với chất lượng như hiện tại, việc giải VĐQG Ả Rập Xê Út đặt mục tiêu vào top 10 giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh là điều viển vông: "Một trận đấu xếp vào loại hấp dẫn nhất ở đây hẳn chỉ ngang cuộc so tài bị chế giễu ở Ngoại hạng Anh mỗi cuối tuần. Khán giả hò reo trên khán đài nhưng trên sân mọi thứ thật tệ".

Thiếu sức mạnh nội tại

"Họ kỳ vọng vùng vịnh sẽ thành trung tâm mới của bóng đá thế giới nhưng chừng đó là chưa đủ. Bóng đá châu Âu có nền tảng lâu đời cùng hệ thống quản trị tuyệt vời, nơi có thể tạo ra hàng loạt ngôi sao ở bất kỳ giai đoạn nào. Nói cách khác, bóng đá châu Âu đang phát triển bền vững còn bóng đá Trung Đông chỉ đang cố gắng vùng vẫy", tờ CNN phân tích.

Tiến sĩ Hamid, giảng viên Trường Đại học Algiers (Algeria) cho rằng, đích nhắm của bóng đá Ả Rập chưa thực sự phù hợp: "World Cup chỉ tạo ra bầu không khí náo nhiệt trong khoảng một tháng. Ngoài cái nóng như thiêu đốt, ít người có ấn tượng khác về kỳ World Cup trên đất Qatar.

Cạnh đó, những cầu thủ giỏi nhất ở châu Mỹ, châu Phi thậm chí châu Á đều tìm đường tới châu Âu chơi bóng. Trong khi đó, đa số cầu thủ từ châu Âu tới Ả Rập đều không còn ở đỉnh cao sự nghiệp. Họ đến vì tiền chứ không phải vì bóng đá".

Tờ New York Times thì phân tích, bóng đá Ả Rập rất giàu có bởi có hậu thuẫn của những công ty dầu mỏ. Thế nhưng, đằng sau sự giàu có này lại là sự phân hóa sâu sắc giữa các cá nhân muốn thâu tóm quyền lực, vươn tầm ảnh hưởng. Bởi lẽ đó, họ không toàn tập trung vào phát triển bóng đá.

Ở góc nhìn của một nhà quản lý, Esteve Calzada, cựu Giám đốc điều hành tại City Football Group, đơn vị vận hành CLB Man City, hiện đang là Giám đốc điều hành Al Hilal nhấn mạnh, bóng đá Ả Rập đang thiếu đi tính bản sắc khi cố gắng vay mượn những giá trị bên ngoài.

"Hãy nhìn các cầu thủ Anh chơi bóng và thành ngôi sao ở Ngoại hạng Anh, tương tự là cầu thủ Đức tại Bundesliga hay cầu thủ Tây Ban Nha tại La Liga. Nếu thực sự muốn bước lên một tầm cao mới, bóng đá khu vực vốn chỉ được biết đến với dầu mỏ cần xây dựng từ sức mạnh nội tại bằng việc tăng cường khả năng quản lý, đào tạo và tổ chức đấu", ông Calzada nói.

Đồng quan điểm, cựu Giám đốc CLB Benfica Domingos Soares de Oliveira, hiện đang điều hành CLB Al Ittihad nhấn mạnh, bóng đá vùng vịnh nên ưu tiên của nâng cấp cơ sở đào tạo và đội ngũ hỗ trợ lên theo tiêu chuẩn hàng đầu châu Âu. Ngoài ra, mỗi đội bóng cần ít nhất 1.000 cầu thủ trẻ tại học viện để đảm bảo lứa kế cận ngày một xuất sắc và đông đảo.

Theo trang web thống kê Transfermarkt của Đức, lượng khán giả trung bình tại Giải VĐQG Ả Rập Xê Út mùa này là 7.880 người, giảm nhẹ so với 8.158 người của mùa giải trước và thấp hơn đáng kể so với 9.701 của mùa giải 2022 - 2023. Hai đội bóng lớn Al Ittihad và Al Ahli, dẫn đầu với lượng khán giả trung bình là 34.366 và 23.502 người, nhưng có bốn đội chỉ có dưới 2.000 người hâm mộ theo dõi. Trong khi đó, giải hạng ba của bóng đá Anh, League One, có lượng khán giả trung bình gần 10.000 người.

Phong Hoàng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bong-da-trung-dong-chenh-venh-giac-mong-hoa-rong-192250126232847218.htm
Zalo